Ngày 25/1, trong cuộc họp trực tuyến của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kêu gọi áp dụng cơ chế đa phương để giải quyết khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra.
Ngoài ra ông Tập còn nhấn mạnh các nước không nên lợi dụng đại dịch để đảo ngược xu thế hội nhập toàn cầu. Dù không nhắc đến chính quyền Mỹ nhưng nói rõ rằng Bắc Kinh sẽ không lệ thuộc vào Washington.
![]() |
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của WEF (Ảnh: EPA) |
"Tạo dựng các nhóm nhỏ hoặc khơi mào Chiến tranh Lạnh mới nhằm bác bỏ hay hăm dọa quốc gia khác, gián đoạn nguồn cung hay các biện pháp trừng phạt, hay cố tình cô lập, sẽ chỉ đẩy thế giới vào chia rẽ, thậm chí đối đầu", ông Tập nói.
"Không vấn đề toàn cầu nào có thể giải quyết với đơn phương một quốc gia. Nó đòi hỏi phải có sự hợp tác toàn cầu, ứng phó toàn cầu và hành động toàn cầu".
"Chúng ta nên xây dựng một nền kinh tế toàn cầu mở, tuân thủ cơ chế thương mại đa phương, xóa bỏ các tiêu chuẩn đơn phương, loại bỏ các rào cản với thương mại, đầu tư và trao đổi kỹ thuật", ông Tập nói thêm.
Trước đó, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, chính quyền của ông Biden đã bắt đầu xem xét lại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và các hành động của chính quyền tiền nhiệm nhằm vào Bắc Kinh. Ông Biden sẽ áp dụng cơ chế đa phương trong các vấn đề Trung Quốc và muốn đảm bảo rằng sẽ có sự phối hợp với các đối tác, đồng minh của Mỹ, với đảng Cộng hòa và Dân chủ ở quốc hội.
Ông Biden đã ký nhiều sắc lệnh thay đổi chính sách của ông Trump nhưng chưa có bất kỳ động thái nào đối với chính sách liên quan đến Trung Quốc. Theo chuyên gia, chính quyền của ông Biden có thể sẽ tiếp tục lập trường cứng rắn với Trung Quốc dù không căng thẳng như chính quyền tiền nhiệm.
Ông Antony Blinken, người được Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden chọn làm ngoại trưởng, nói rằng Trung Quốc đã và đang đặt ra thách thức cho Mỹ lớn hơn bất cứ quốc gia nào.
"Tôi tin ông Trump đã đúng đắn khi có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tôi rất không đồng ý với cách mà ông ấy thực hiện trong một số lĩnh vực nhưng nguyên tắc cơ bản là đúng. Tôi nghĩ rằng điều đó thực sự hữu ích đối với chính sách đối ngoại của chúng tôi", ông Blinken nói.
Ấn Độ sẽ vượt Trung Quốc, trở thành quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới vào năm 2021
Theo công ty dữ liệu và phân tích GlobalData, Ấn Độ sẽ lấy lại vị thế là nền kinh tế lớn có tốc độ phát triển nhanh nhất toàn cầu vào năm nay.