Không phải nói cũng biết, trường Đại học Ngoại Thương (FTU) là một trong những ngôi trường đào tạo kinh tế top đầu cả nước. Trường không chỉ nằm trong "BIG4 kinh tế" miền Bắc mà còn được mệnh danh là "Harvard Việt Nam". Không chỉ học sinh ao ước vào đây học, nhiều giảng viên cũng mong muốn vào FTU làm việc.
Trường Đại học Ngoại Thương |
Mới đây, fanpage Thông tin Chính phủ đăng tải dòng trạng thái thông báo trường Đại học Ngoại Thương (FTU) đang tuyển dụng nhiều vị trí. Cụ thể bài đăng như sau: "Trường Đại học Ngoại thương (FTU) cần tuyển 43 giảng viên, trợ giảng, viên chức hành chính". Các vị trí cần tuyển có thể kể đến như giảng viên Bộ môn Thương mại quốc tế, giảng viên Bộ môn Marketing và Truyền thông, giảng viên Bộ môn Kinh tế và Quản lý, giảng viên Bộ môn Quản trị nguồn nhân lực, giảng viên Bộ môn Quản trị doanh nghiệp, giảng viên Bộ môn Kiểm toán, giảng viên Bộ môn Tiếng Anh cơ sở và Tiếng Anh chuyên ngành, giảng viên Bộ môn Khoa học máy tính... Đây chắc hẳn là cơ hội vô cùng đáng giá cho những ai có nguyện vọng vào "Harvard Việt Nam" làm việc.
Riêng với vị trí giảng viên, để đủ điều kiện ứng tuyển, các ứng viên phải đạt một số yêu cầu khác nhau tùy thuộc vào từng bộ môn như: Có bằng Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ chuyên ngành ứng tuyển, ưu tiên có IELTS 7.0 trở lên, trình độ tin học đạt chuẩn kỹ năng sử dụng CNTTCB theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT...
Trường Đại học Ngoại thương đang tuyển nhiều vị trí giảng viên |
Bên cạnh môi trường, thì mức lương khi làm việc tại đây cũng được các ứng viên quan tâm. Chia sẻ trên tờ Dân trí vào năm 2022, PGS.TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương tiết lộ, mức lương của nhà trường thuộc diện cao so với mặt bằng các trường khác, ở khoảng từ 8-30 triệu đồng/tháng tùy theo thâm niên và vị trí công tác. Chẳng hạn với giảng viên mới ra trường, thu nhập sẽ thấp hơn khoảng 8 triệu đồng/tháng bởi bậc lương của họ đang thấp và chưa có kinh nghiệm nên chưa được mời giảng dạy thêm ở bên ngoài.
Tuy nhiên, thu nhập của giảng viên phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chứ không chỉ mỗi lương cứng. Theo PGS.TS Bùi Anh Tuấn, giảng viên có thể làm thêm ở bên ngoài sau khi đã đảm bảo công việc ở nhà trường theo đúng quy định. Hơn nữa, giảng viên cũng có thể có thể thu nhập nếu dạy vượt giờ, có nghiên cứu đề tài khoa học, có công trình nghiên cứu được chuyển giao và kinh doanh có lãi…
Theo quy định tại Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, dự kiến lương giảng viên đại học sẽ được tính theo công thức sau: Lương giảng viên đại học = Lương cơ bản + phụ cấp (nếu có) + tiền thưởng (nếu có).
Trong đó:
- Lương cơ bản: chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương
- Các khoản phụ cấp: chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương.
- Tiền thưởng: quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
Về thưởng Tết, PGS.TS Bùi Anh Tuấn chia sẻ với tờ Vnexpress vào cuối năm 2022 rằng, giảng viên của trường được nhận tháng lương 13 - khoản trích từ quỹ khen thưởng và phúc lợi của trường và tháng lương 14 - khoản có được do chênh lệch thu chi mỗi năm. Ngoài ra, cùng năm đó, giảng viên FTU có thêm khoản hỗ trợ Tết Nguyên đán 13 triệu đồng mỗi người. Khoản này được chi trả hai đợt, trước Tết 8 triệu và sau Tết 5 triệu đồng. Như vậy, một giảng viên Ngoại thương nhận khoảng 29-73 triệu đồng vào dịp Tết năm 2023.
Lương giảng viên đại học là viên chức có tăng sau ngày 1/7/2024 không?
Sau khi thực hiện cải cách tiền lương, các bảng lương mới sẽ đảm bảo không thấp hơn mức lương cũ và được thiết kế dựa trên việc xác định của 05 yếu tố theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018 như sau:
- Bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.
- Thực hiện thống nhất chế độ hợp đồng lao động theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 (hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ) đối với những người làm công việc thừa hành, phục vụ (yêu cầu trình độ đào tạo dưới trung cấp), không áp dụng bảng lương công chức, viên chức đối với các đối tượng này.
- Xác định mức tiền lương thấp nhất của công chức, viên chức trong khu vực công là mức tiền lương của người làm công việc yêu cầu trình độ đào tạo trung cấp (bậc 1) không thấp hơn mức tiền lương thấp nhất của lao động qua đào tạo trong khu vực doanh nghiệp.
- Mở rộng quan hệ tiền lương làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực doanh nghiệp phù hợp với nguồn lực của Nhà nước.
- Hoàn thiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang phù hợp với quy định của bảng lương mới.
Tổng hợp
Ngôi trường nổi tiếng ở TP.HCM tiếp tục khẳng định "đẳng cấp" của mình trong mùa thi lớp 10: Bảo sao phụ huynh khao khát cho con vào trường!
Ngôi trường này luôn gây bão mỗi mùa tuyển sinh.