"Truy xuất nguồn gốc món ăn không quan trọng bằng chất lượng sản phẩm"

Nhân cuộc ồn ào về phở Thìn, phở Thìn tái lăn phố Lò Đúc, gần đây, những vấn đề về ẩm thực Việt Nam, bỗng lại trở nên rầm rộ

Phở vốn là lĩnh vực càng tranh luận càng…rối. Giữa cuộc tranh luận, thường thì người ta bỏ qua vấn đề khởi nguồn như đúng sai tranh chấp thương hiệu, nhập nhằng câu chuyện bản quyền, để tự dưng nói về phở.

Phở là gì, phở đến từ đâu, chính xác phở phải có nguyên liệu gì và mình thích ăn phở thế nào…v..v.. Bất luận mở đầu nói gì, cuộc bàn cãi nào về phở rốt cuộc cũng xảy ra diễn biến tương tự. Kiểu như lúc rỗi trên sân cỏ, cầu thủ bỏ bóng đá người, loạn xạ cả lên mà trọng tài lại không có để thổi phạt.

Ông Nguyễn Trọng Thìn, người sáng lập thương hiệu Phở Thìn.
Ông Nguyễn Trọng Thìn, người sáng lập thương hiệu Phở Thìn.

Nhưng có một điều, sau khi đọc chán các ý kiến về phở, người ta thấy rằng thật phí công tranh luận, phở vẫn là phở và Việt Nam không chỉ có phở. Có rất nhiều món ăn khác có thể đem lại tự hào cho ẩm thực Việt Nam nếu đem ra thế giới.

Nem chẳng hạn, hay bún chả, bánh xèo, gỏi cuốn, chả cá, bún bò Huế... là những món ăn Việt Nam từng nhiều lần được báo chí nước ngoài như CNN, The Guardian, National Geographic, BBC hay Tripadvisor ca ngợi hoặc bình chọn vào top món ăn đường phố hấp dẫn thế giới và khu vực. Phở dẫu có đến dăm chục triệu người Việt Nam, khoảng 50% dân số (con số này là con số áng chừng) thì cũng chỉ là một trong những món đó.

Thế giới phẳng, những món ăn cũng di cư theo dấu chân và niềm nhớ thương của những người rời xa quê hương, đi đến bất cứ nơi đâu trên trái đất. Và sau những cuộc di cư, món ăn Việt Nam để thích ứng với quê hương mới sẽ lại xa đi một chút so với cái gốc ban đầu.

Việt Nam có nhiều món ăn có thể đem lại tự hào cho ẩm thực Việt.
Việt Nam có nhiều món ăn có thể đem lại tự hào cho ẩm thực Việt.

Nhà báo Nguyễn Mỹ Linh rất có lý viết rằng: “Thế giới ẩm thực thật ra đã phẳng từ vài trăm năm khi mà thương lái và đội quân viễn chinh mang theo văn hóa ẩm thực đi khắp nơi rồi. Mỗi nước lại tự chế, thay đổi theo tài nguyên nông nghiệp và văn hóa của mình thôi.

Người Ý làm nước mắm sớm hơn người Việt.

Người Tàu làm mì sợi sớm hơn người Ý.

Người Ai Cập được cho là ông tổ của món gan ngỗng béo mà người Pháp vốn tự hào.

Người Việt Nam ở Paris cố lắm cũng chỉ bán được bát bún bò giá 15€, còn người Nhật để mấy miếng cá hồi lên bát bún và vẫn gọi là bún bò mà bán 25€ ngay cạnh Khải hoàn môn.

Cố đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain có niềm đam mê với ẩm thực Việt.
Cố đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain có niềm đam mê với ẩm thực Việt.

Thời đại này truy xuất nguồn gốc món ăn không quan trọng bằng chất lượng sản phẩm nữa rồi…”.

Thế nên, thay vì tranh luận quanh quẩn với một món ăn, dẫu rất hay, thì cũng nên nghĩ đến việc đem món ăn ấy đi ra thế giới, bằng văn hóa của chính dân tộc mình. Hoặc làm món ăn đó trở nên thật chất lượng ngay trên đất nước mình.

Văn hóa, di sản, phong cảnh thiên nhiên, an ninh ổn định và chất lượng dịch vụ mới làm người ta muốn ghé đến một đất nước, điều ấy quan trọng hơn một món ăn, dẫu với chúng ta, nó quan trọng đến mức nào.

Minh Vũ

Bánh cuốn Việt Nam, top 10 món nên thưởng thức năm 2023

Bánh cuốn Việt Nam, top 10 món nên thưởng thức năm 2023

Chuyên trang du lịch nổi tiếng Traveller của Úc tiếp tục vinh danh ẩm thực Việt Nam khi lựa chọn món bánh cuốn vào Top 10 món ăn hấp dẫn nhất thế giới cần được thưởng thức năm 2023.