Từng bị họ hàng đánh chỉ vì 1 bữa cơm: Chấn thương thơ ấu ám ảnh mãnh liệt khiến chàng trai “sống chết” kiếm tiền ngay từ năm cấp 2

Tại sao những trải nghiệm từ khi còn nhỏ ảnh hưởng đến cách chúng ta hành xử với tiền bạc kể cả khi trưởng thành?

Không có gì ngạc nhiên khi những giá trị, lời khuyên, trải nghiệm từng gặp phải khi còn nhỏ sẽ định hình cách chúng ta hành xử và đưa ra quyết định trong tương lai. Giống như các mối quan hệ khác, cách mọi người tương tác với tiền - cho dù đó là hành vi chi tiêu, tiết kiệm hay đầu tư - cũng có thể bị ảnh hưởng bởi chấn thương thời ấu thơ, thậm chí khiến ta mất kiểm soát để đưa ra các quyết định tài chính thông minh.

Đây cũng là câu chuyện mà Phillip Le (SN 1991) - một nhiếp ảnh gia và nhà sáng tạo nội dung đang sinh sống tại thành phố New York (Mỹ) từng trải nghiệm. Kế hoạch nghỉ hưu với 2 triệu đô của anh chàng cũng từng được mọi người chú ý.

Phillip Le
Phillip Le

Trải nghiệm tuổi thơ ảnh hưởng cách mình tiêu tiền thế nào?

Khi đang học cấp 2, Phillip có tuổi thơ khá khó khăn sau khi gia đình gặp biến cố tài chính. Thậm chí có thời điểm, ba mẹ đã gửi anh cho người họ hàng nuôi giúp trong quãng thời gian này. Đổi lại là Phillip không nhận được tình yêu thương và giúp đỡ cần thiết từ những người xung quanh, thậm chí là bị đối xử tệ bạc. 

Phillip nhớ lại: “Khi đó, việc học của mình cũng bị hạn chế. Những thú vui tuổi thơ cũng không có như các bạn trẻ cùng trang lứa. Một chuyện mà bản thân nhớ mãi không thể quên được đó là lần mình bị một người họ hàng đánh đến chảy máu miệng… chỉ vì một bữa cơm. Và đến bây giờ, game hay xem hoạt hình đã là khái niệm xa lạ với tuổi thơ của mình”.

Chính vì những trải nghiệm thời thơ ấu ấy đã dần hình thành trong anh chàng sự tự ti và bất an về tiền bạc theo mãi đến tận khi trưởng thành. Đó cũng là chính là điều thôi thúc Phillip không ngừng cố gắng kiếm tiền để có thể tự đứng vững trên đôi chân của mình. Bởi Phillip hiểu khi có biến cố tài chính ập đến thì anh chàng sẽ khó tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người xung quanh. “Vì nơi an toàn nhất để mình dựa vào chỉ có thể là bản thân", chàng trai tâm sự.

Được biết, Phillip đã chăm chỉ đi làm từ sớm, kéo dài từ những năm cấp 2 cho đến thời điểm hiện tại. “Mình phải đi làm để tự lo cho bản thân. Và trong quãng thời gian đó, mình chưa bao giờ làm một công việc. Lúc nào cũng thích ôm đồm hai ba thứ”, chàng trai nói thêm.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Bên cạnh đó, trải nghiệm tuổi ấu thơ cũng ảnh hưởng đến anh trong quan điểm đầu tư, tìm kiếm các phương thức sinh lời với mức độ rủi ro nằm trong vùng an toàn. Bởi chàng trai không muốn rơi vào tình cảnh “rỗng túi", hoặc cảm thấy dằn vặt sau khi mất tiền vô nghĩa.

Điều này thể hiện trong cách Phillip đang tham gia 2 hình thức đầu tư là mua chứng khoán và bất động sản ở Mỹ. Theo đó, anh chỉ đầu tư khi bản thân đã có những kiến thức nhất định, đủ để Phillip tự tin bước chân vào thị trường này. Đồng thời với một người thận trọng như Phillip, anh cũng hầu như tránh xa các hình thức sinh lời nhanh nhưng đầy rủi ro, ăn nhiều nhưng ra đê nhanh là điều bình thường.

Chấn thương thời thơ ấu có thể ảnh hưởng đến tài chính của bạn như thế nào?

Phillip là một trong những ví dụ của đứa trẻ gặp chấn thương thời thơ ấu và ảnh hưởng đến mối quan hệ với tiền bạc khi trưởng thành. Tuy nhiên, không phải người trẻ nào cũng thành công vượt qua được những trải nghiệm của tuổi thơ và hướng đến nền tảng tài chính lành mạnh như chàng trai này.

Khi còn nhỏ, chúng ta khó tránh khỏi gặp những trải nghiệm không vui như bị cha mẹ vô tình bỏ rơi, bị trêu chọc, hứng chịu lời nói tổn thương… Trong nhiều trường hợp, trải nghiệm này hóa thành chấn thương, từ đó để lại vết sẹo khó lành, kể cả khi ta trưởng thành.

Chấn thương là bất kỳ trải nghiệm sống nào dạy bạn rằng thế giới không còn là một nơi an toàn. Nó có thể là việc cha mẹ đột đột nhiên đập vỡ con lợn đất và lấy hết khoản tiền tích luỹ của bạn, hay trong suốt thời gian dài, bạn không đủ tiền để mua được món đồ yêu thích, hoặc tệ hơn là đối diện với tình huống mà nhu cầu sinh tồn bị đe dọa như bỏ đói…

Những ký ức đau thương thường xuyên khơi dậy cảm xúc tiêu cực. Chúng mách bảo bản năng của chúng ta phải thận trọng, không nên tin tưởng mọi điều quá dễ dàng vì có thể điều chờ đợi phía trước sẽ khiến ta mất sạch tiền bạc, không thể tìm kiếm sự giúp đỡ từ ai hoặc khiến mình đau đớn.

Theo Forbes, những chấn thương thời thơ ấu dễ dàng ảnh hưởng đến cách chúng ta hành xử khi lớn lên, đặc biệt trong cách ứng phó với các vấn đề tài chính. Bởi lẽ tiền không chỉ liên quan chặt chẽ đến nhu cầu sinh tồn và ý thức về giá trị bản thân, mà nó còn là công cụ mà nhiều người sử dụng để đối phó với những cảm xúc tiêu cực.

Chẳng hạn như, những đứa trẻ trải qua hoàn cảnh nghèo khó thuở ấu thơ thì khi lớn lên, chúng sẽ trở nên sợ rủi ro và có xu hướng tích trữ tiền bạc. Hoặc một số người khác lại chi tiêu quá mức, do đó vô thức rơi vào “lãnh thổ" quen thuộc đó là lại gặp khó khăn về tài chính.

Ảnh minh hoạ 
Ảnh minh hoạ 

Nếu đã gặp chấn thương thời thơ ấu, dưới đây là một số kiểu hành vi mà bạn có thể hình thành để đối phó với chúng:

  • Chi tiêu quá mức khi cảm thấy không vui.
  • Cảm thấy choáng ngợp khi nói chuyện về tiền và tránh đưa ra các quyết định tài chính.
  • Thường xuyên cảm thấy lo lắng và bất an về tiền bạc, bất kể bạn tiết kiệm hay kiếm được bao nhiêu.
  • Thường dễ dàng cho người khác vay tiền và cảm thấy loay hoay khi phải nói lời từ chối.
  • Tin rằng bạn không giỏi quản lý tiền bạc và khó bỏ qua sai lầm về tài chính của bản thân trong quá khứ.
  • Sống chật vật với tiền lương kiếm được, thường dựa vào bạn bè và gia đình để hỗ trợ tài chính.
  • Sợ đầu tư hoặc tiêu hết tiền tiết kiệm.
  • Cảm thấy không nhận được sự giúp đỡ và bất lực trong việc thay đổi thực tế tài chính.
  • Dùng tiền để kiểm soát con người hoặc tình huống của cuộc sống.

Nếu không may trải qua một tuổi thơ đau buồn và thấy bất kỳ thói quen nào ở trên quen thuộc với bản thân, hãy nhớ rằng bạn không đơn độc. Sẽ không bao giờ là quá muộn để thay đổi bản thân. Theo chuyên gia tài chính Natasha Janssens chia sẻ trên Forbes, các gợi ý sau có thể giúp bạn vượt qua những chấn thương thời thơ ấu.

- Điều chỉnh cảm xúc của bạn: 

Bước đầu tiên để thay đổi mối quan hệ của bạn với tiền bạc là hiểu những cảm xúc bạn trải qua hàng ngày và cách chúng tác động đến các quyết định tài chính.

Bài tập này có thể sẽ khó khăn trong những lần đầu thực hiện, vì hầu hết chúng ta được dạy phải phớt lờ, tránh né hoặc kìm nén những cảm xúc tiêu cực. Một cách đơn giản để bắt đầu là viết nhật ký hàng ngày và áp dụng xếp hạng từ 0 - 10 về mức độ ảnh hưởng quyết định liên quan tài chính cho mỗi cảm xúc sau: Vui, buồn, giận dữ, sợ hãi, chán nản, căng thẳng, ghen tị. Hãy ghi lại bất kỳ hình mẫu nào bạn quan sát được, những sự kiện đã khơi dậy cảm xúc và cách bạn phản ứng với chúng.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

- Đưa bản thân ra khỏi vùng an toàn

Khi đã xác định được những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến cách bản thân quản lý tài chính, bạn hãy cố gắng nhớ lại chính xác chấn thương thời thơ ấu đã củng cố và hình thành chúng. Sau đó, quay lại với hoàn cảnh tài chính hiện tại, bạn có thể điều chỉnh nỗi sợ hãi này không Bên cạnh đó, hãy tham khảo những người mà bạn ngưỡng mộ hoặc người từng trải qua thử thách tương tự về cách họ đối diện với chấn thương. Bạn càng cố gắng đưa bản thân ra khỏi vùng an toàn bao nhiêu thì những chấn thương ấu thơ càng ít ảnh hưởng đến các quyết định tài chính của bạn.

- Tìm kiếm sự giúp đỡ

Bạn không đơn độc trong bất kỳ tình huống nào. Hãy cho bản thân mở lòng chia sẻ những khó khăn tài chính với những người xung quanh, tất nhiên là chỉ với người mà bạn tin tưởng được. Bên cạnh đó, có thể nhờ đến lời khuyên của những chuyên gia để họ giúp bạn xây dựng công thức quản lý tài chính bền vững, cũng như xây dựng danh mục đầu tư.

Vân Anh

Đến cả Shark Linh cũng từng tiêu hoang trước khi ngộ ra 5 mẹo quản lý chi tiêu này

Đến cả Shark Linh cũng từng tiêu hoang trước khi ngộ ra 5 mẹo quản lý chi tiêu này

Shark Linh thừa nhận bản thân cũng từng sa đà vào thói quen tiêu tiền để mua vui ở những năm 20 tuổi.