Tỷ lệ tự tử ở tuổi vị thành niên tăng vọt

Nghiên cứu mới cảnh báo số lượng trẻ em uống thuốc tự tử tăng cao trong hai thập kỷ qua.

Dữ liệu nghiên cứu cho thấy vấn đề tâm lý trẻ em không chỉ là chủ đề nóng trong mùa dịch mà thực ra đã trở nên phổ biến từ lâu: số lượng trẻ trong độ tuổi 10-12 uống thuốc tự tử tăng gấp 4,5 lần kể từ năm 2000.

Tiến sĩ David Sheridan, đồng tác giả nghiên cứu, bác sĩ cấp cứu nhi khoa ở Đại học Khoa học và Sức khỏe Oregon (Mỹ) cho biết, sức khỏe tinh thần đang là mối lo ngại ngày càng lớn đối với các bệnh nhân khoa cấp cứu.

  (Ảnh: Healthday)

(Ảnh: Healthday)

Ông chia sẻ: “Con số thống kê thanh thiếu niên có ý định tự tử đang tăng cao, và có vẻ như ngày càng có nhiều bệnh nhân trẻ”.

Hệ thống dữ liệu chất độc quốc gia đã khảo sát hơn 1,2 triệu trẻ từ 6-18 tuổi và cho thấy có khoảng ⅔ là trẻ em gái. Trong đó, có hơn 1000 trường hợp tử vong và gần 29% ca có hậu quả nghiêm trọng. Các nhà nghiên cứu muốn xác định nguyên nhân dẫn đến kết quả như vậy là do ý định cố gắng tự sát, thú vui tiêu khiển hay tác hại của ma túy và các chất kích thích.

Trong khi số lượng người coi việc uống thuốc tự tử như là trò tiêu khiển không đổi, tỷ lệ trẻ thật sự muốn tự sát tăng cao: thanh thiếu niên tăng hơn 2,4 lần, và nhóm tuổi 10-12 tăng gấp 4,5 lần.

Sheridan nhấn mạnh: “Thật tốt khi các trường hợp lạm dụng thuốc để giải trí không tăng, nhưng vấn đề rất đáng lo ngại là những đứa trẻ có ý định tự sát đang ngày càng nhiều. Thực tế, số lượng thiếu niên trong độ tuổi 13-19 tự tử tăng cao hơn nhiều so với các đối tượng trong nhóm 9-12 tuổi.”

Ông nói thêm, các bậc cha mẹ cần phải biết rằng các chất kích thích mà bọn trẻ đang dùng đôi khi chính là những loại thuốc phổ biến nhất trong các hộ gia đình, như thuốc hạ sốt và giảm đau, (Tylenol, Motrin, Advil) và các loại thuốc dị ứng (Benadryl,..)

Sheridan khuyên các bậc cha mẹ có con ở độ tuổi này nên kiểm soát chặt chẽ hơn các loại thuốc thông thường: “Không may, vì giây phút bốc đồng, có những đứa trẻ đi đến quyết định tự tử bằng bất cứ loại thuốc nào trong nhà”.

Các nhà nghiên cứu cho biết có nhiều nguyên nhân chưa được làm rõ dẫn đến ý định tự tử. Tuy nhiên, họ cũng nhấn mạnh mọi người nên cẩn thận với sự trùng hợp: năm 2013 - thời điểm nhiều nền tảng mạng xã hội được ra mắt, cũng là giai đoạn các ca tự tử tăng cao.

Sheridan cho biết: “Mục đích của nghiên cứu không phải là tìm ra các nguyên nhân, yếu tố khiến vấn nạn tự tử trở nên phổ biến. Điều quan trọng là có thể nhấn mạnh tình trạng gia tăng của các ca tự sát, từ đó thúc đẩy thêm nhiều nghiên cứu về vấn đề này”. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đang chờ dữ liệu mới được cập nhật để tìm hiểu rõ hơn các trường hợp uống thuốc tự tử trong giai đoạn dịch bệnh này.

Susan Tellone, giám đốc Hiệp hội Phòng chống tự tử Thanh thiếu niên, cho biết cần có những cuộc thảo luận về sức khỏe tinh thần để khuyến khích công chúng bàn luận vấn đề này thoải mái hơn: “Tôi mong mọi người sẽ không kỳ thị hay cảm thấy xấu hổ khi nhắc đến vấn đề về mặt tâm lý, hãy tự nhiên như khi chúng ta trò chuyện hàng ngày về tình trạng sức khỏe của mình. Giống như tim, phổi hay các bộ phận khác, não cũng là một cơ quan chức năng của cơ thể.”

Các bố mẹ có thể bắt đầu trò chuyện với con về vấn đề này bằng cách hỏi thăm liệu chúng có đang ổn hay không: “Chuyện gì khiến con buồn như vậy?” hay “Nó tệ đến mức khiến con không còn thiết sống sao?”

Tellone nhấn mạnh những cuộc trò chuyện tâm sự như vậy là rất cần thiết để có thể sát cạnh bên con từ lúc chúng mới bắt đầu có cảm xúc tiêu cực. Bà khuyên bố mẹ đừng phán xét hay đưa ra bất cứ lời khuyên nào, chỉ cần lắng nghe và luôn nói: “Mẹ muốn nghe tiếp câu chuyện của con. Mẹ ở đây là vì con”.

Trong mùa dịch, trẻ em phải đối mặt với những cảm xúc mơ hồ và cô lập, dẫn đến cảm giác bị mất mát rất lớn. Bố mẹ chịu nhiều áp lực và căng thẳng cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của các con. Tellone chia sẻ: “Đối với trẻ em, có nhiều yếu tố dẫn đến ý định tự tử, nhưng tôi cho rằng đại dịch và mức độ bất ổn kinh niên là tác nhân chính gây ra những thiệt hại này”.

HƯƠNG GIANG