Vận động viên khuyết tật Đặng Anh Tú: Khuyết tật chỉ là sự bất tiện

Sinh ra với cơ thể lành lặn, nhưng biến cố tuổi thơ khiến Đặng Anh Tú trở thành người khuyết tật. Tuy nhiên, anh không gục ngã, mà biến nghịch cảnh thành động lực vươn lên.

Vượt qua khuyết tật

Đặng Anh Tú sinh năm 1996, trong một gia đình làm nông nghèo ở huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay thuộc TP Hà Nội). Năm 8 tuổi, trong 1 lần bị sốt cao phải nhập viện, bác sĩ chẩn đoán Tú bị phình mạch máu não và phải phẫu thuật.

Mặc dù ca phẫu thuật thành công nhưng di chứng để lại là đôi mắt Tú kém hẳn đi và phải chịu liệt nửa người bên phải. Từ một đứa trẻ bình thường bỗng chốc trở thành người khuyết tật, Tú nghỉ học, sống khép mình và hàng ngày tập luyện phục hồi chức năng, với hy vọng nhỏ nhoi là có thể cải thiện phần nào chức năng vận động cơ thể.

VĐV Đặng Anh Tú với thành tích đạt được tại Giải Vô địch quốc gia dành cho người khuyết tật năm 2024.
VĐV Đặng Anh Tú với thành tích đạt được tại Giải Vô địch quốc gia dành cho người khuyết tật năm 2024.

Nhờ nỗ lực của bản thân và sự động viên, hỗ trợ của gia đình, một năm sau đó, Tú quay trở lại trường học, chăm chỉ học tập. Mắt kém, không nhìn thấy bảng, Tú nhờ bạn đọc bài, mượn vở về chép lại. Tay phải yếu, viết chậm, cậu càng kiên trì hơn. Năm 2016, Tú tốt nghiệp THPT.

Bà Mai Thị Huế, mẹ của Tú chia sẻ: “Tú là con cả. Tuy cuộc sống kinh tế gia đình có vất vả, bản thân Tú cũng không được may mắn như các bạn khác nhưng Tú nó rất cố gắng học hành, cũng thi đỗ tốt nghiệp cấp 3 và mới có được tấm bằng y sĩ cổ truyền. Tú còn tham gia thi đấu các giải thể thao dành cho người khuyết tật và có huy chương. Gia đình rất tự hào về cháu”.

Vì mình và vì mọi người

Chuyện Đặng Anh Tú đến với thể thao cũng khá tình cờ. Năm 2018, trong một lần làm thêm tại Hà Nội, Tú gặp một huấn luyện viên thể thao người khuyết tật. Nhận thấy tiềm năng của Tú, người này đã khuyến khích cậu theo đuổi điền kinh.

Sau 4 năm tập luyện gian khổ, Tú được tuyển chọn vào đội tuyển điền kinh người khuyết tật, tham gia Giải vô địch quốc gia dành cho người khuyết tật năm 2022. Ngay lần đầu dự giải (hạng mục thương tật T43), Tú xuất sắc giành Huy chương bạc 400m cá nhân và cùng đồng đội giành 4 Huy chương đồng ở các nội dung chạy tiếp sức 400m, 200m, 100m và nhảy xa.

Liên tiếp trong hai năm 2023 và 2024, Tú giữ vững phong độ tại Giải Vô địch quốc gia dành cho người khuyết tật, giành thêm 2 Huy chương bạc cá nhân cự ly 400m và 4 Huy chương đồng cá nhân cự ly 200m, 100m. Số tiền thưởng, Tú dành để phụ giúp gia đình và mua dụng cụ tập luyện.

Nói về ước mơ của mình, Tú cho biết: “Mơ ước của em là có được một công việc có kinh tế ổn để phụ giúp gia đình, và một lần được đại diện Việt Nam thi đấu các giải quốc tế như Para Games. Dù cuộc sống còn nhiều thách thức nhưng em sẽ cố gắng, nỗ lực hết sức để không phụ lòng mọi người đã kì vọng ở em”.

Hiện tại, Tú vẫn tập luyện hàng ngày để chuẩn bị cho giải vô địch quốc gia vào tháng 11 tới.

Không những hăng say tập luyện, Tú còn nỗ lực học tập và trở thành y sĩ y học cổ truyền. Hiện nay, ngoài giờ tập luyện, Tú còn là chuyên viên chăm sóc sức khỏe, xoa bóp bấm huyệt và tác động cột sống tại một trung tâm y khoa.

Tú trong giờ làm việc tại trung tâm y khoa
Tú trong giờ làm việc tại trung tâm y khoa

Anh Hiếu, đồng nghiệp của Tú nhận xét: “Tú là một người rất vui vẻ, hòa đồng. Dù bị khiếm khuyết về cơ thể nhưng Tú sống rất lạc quan, luôn cố gắng hết sức trong công việc và nhiệt tình giúp đỡ mọi người.”

Mỗi cuối tuần, Tú còn tham gia các hoạt động thiện nguyện trong Câu lạc bộ “Step - Hành động vì người khiếm thị’’, bởi hơn ai hết, Tú đồng cảm và hiểu được những khó khăn mà người khiếm khuyết gặp phải.

Với Đặng Anh Tú, khuyết tật chỉ là sự bất tiện. Có ý chí và nghị lực vươn lên, con người có thể vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.

Lưu Thi - Trúc Diệu

Vận động viên pickleball trẻ nhất Việt Nam đoạt 2 HCV giải vô địch thế giới

Vận động viên pickleball trẻ nhất Việt Nam đoạt 2 HCV giải vô địch thế giới

Tay vợt 16 tuổi Phương Anh đã xuất sắc giành 2 HCV pickleball ở giải thế giới.