Công nương Nhật Bản học cách dùng ngôn ngữ ký hiệu giao tiếp với người khuyết tật Việt Nam

Sáng 23/9, Công nương Kiko đã ghé thăm Công ty cổ phần Kym Việt – một xưởng sản xuất đồ thủ công của người khuyết tật tại Hà Nội

Nhân ngày ngôn ngữ ký hiệu quốc tế 23/9, Công nương Kiko (Nhật Bản) đã ghé thăm Công ty cổ phần Kym Việt – một xưởng sản xuất đồ thủ công của người khuyết tật, một không gian trải nghiệm, sáng tạo, kết nối thú vị tại Hà Nội. 

Đây là một hoạt động nằm trong chuyến thăm chính thức tại Việt Nam của Hoàng thái tử Nhật Bản Akishino và Công nương Kiko. Chuyến thăm của các thành viên Hoàng gia Nhật Bản diễn ra từ ngày 20 đến 25/9/2023 và là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt trong dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Nhật Bản (1973-2023). 

Công nương Kiko (Nhật Bản) thăm cơ sở sản xuất đồ thủ công của CTCP Kym Việt. 
Công nương Kiko (Nhật Bản) thăm cơ sở sản xuất đồ thủ công của CTCP Kym Việt. 

Công nương Kiko cho biết chuyến thăm cơ sở sản xuất đồ thủ công do người khuyết tật làm chủ là sự kiện được bà rất mong chờ. Được biết, Công nương Kiko đã từng học ngôn ngữ ký hiệu Nhật Bản và là người có rất nhiều hoạt động hỗ trợ người khiếm thính tại Nhật. Trước đó, để chuẩn bị cho chuyến thăm, Công nương Kiko đã có một buổi học online về cách dùng ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam.

Thăm Kym Việt, Công Nương Nhật Bản đã có những trải nghiệm vô cùng ý nghĩa: thưởng thức đồ uống tại khuôn viên của Kym Viet, giao lưu cùng các công nhân “đặc biệt” của xưởng; trải nghiệm cách tạo ra sản phẩm thủ công vô cùng tinh xảo giàu tính văn hoá Việt.

Công nương Kiko đề xuất được học ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam để giao tiếp với các lao động khiếm thính tại CTCP Kym Việt (Việt Nam) nhân ngày ngôn ngữ ký hiệu quốc tế 23/9. Ảnh: Danh Khang (tuoitre online)
Công nương Kiko đề xuất được học ngôn ngữ ký hiệu Việt Nam để giao tiếp với các lao động khiếm thính tại CTCP Kym Việt (Việt Nam) nhân ngày ngôn ngữ ký hiệu quốc tế 23/9. Ảnh: Danh Khang (tuoitre online)
Công nương Kiko giao lưu với người lao động Kym Việt. Ảnh: Danh Khang (tuoitreonline)
Công nương Kiko giao lưu với người lao động Kym Việt. Ảnh: Danh Khang (tuoitreonline)

Đưa Công nương Nhật Bản thăm quan cơ sở sản xuất, ông Phạm Việt Hoài – Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Kym Việt cho biết: Ngày mới thành lập, Kym Việt chỉ có vài lao động, đều là người khuyết tật vận động, câm điếc. Tài sản vỏn vẹn 2 chiếc máy khâu, 1 máy vắt sổ, 1 cái bàn là, hoạt động trong khoảng sân rộng chừng 5m2 tại nhà thờ họ của một thành viên công ty. Đến nay, công ty đã có gần 30 nhân viên, trong đó 25 công nhân là người câm điếc.

Ông Phạm Việt Hoài cũng bày tỏ niềm vinh dự khi Công nương Kiko đến thăm và động viên người lao động khuyết tật. Trong khuôn khổ chuyến thăm, đại diện Kym Việt đã tặng Công nương Kiko con rồng nhồi bông được làm thủ công và tỉ mỉ trong nhiều ngày.

Công nương rất yêu thích và trân quý món quà Kym Việt tặng. Thậm chí khi ra xe ô tô, bà trực tiếp ôm con rồng trên tay mà không cần trợ lý hay thư ký làm việc này - Đại diện Kym Việt chia sẻ. Ảnh: Danh Khang (tuoitreonline)
Công nương rất yêu thích và trân quý món quà Kym Việt tặng. Thậm chí khi ra xe ô tô, bà trực tiếp ôm con rồng trên tay mà không cần trợ lý hay thư ký làm việc này - Đại diện Kym Việt chia sẻ. Ảnh: Danh Khang (tuoitreonline)

Công nương Kiko rất yêu thích các sản phẩm thủ công bằng vải do người lao động khuyết tật làm. Bà cũng bày tỏ niềm ngạc nhiên khi nhìn thấy đàn cá mòi – biểu tượng của sự may mắn trong văn hóa Nhật Bản được treo tại không gian Kym Việt.

Ông Phạm Việt Hoài chia sẻ, một doanh nhân Nhật trước đây đã đến Kym Việt đặt hàng sản xuất sản phẩm cá mòi nhồi bông và xuất sang Nhật. Sau này, Kym Việt đã xin phép và nhận được sự đồng ý của doanh nhân Nhật để bày bán sản phẩm này ở Việt Nam.

"Đây có lẽ là sự khởi đầu của mối lương duyên giữa những người yếu thế Việt Nam, những sản phẩm thủ công của người khuyết tật Việt Nam với nhân dân Nhật Bản. Từ lâu người Nhật đã tin tưởng các sản phẩm của người khuyết tật Việt Nam", ông Hoài cho biết.

Đàn cá mòi (nhồi bông)- một biểu tượng của sự may mắn trong văn hóa Nhật được treo ở khắp nơi trong không gian của Kym Việt. Ảnh: Danh Khang (tuoitreonline)
Đàn cá mòi (nhồi bông)- một biểu tượng của sự may mắn trong văn hóa Nhật được treo ở khắp nơi trong không gian của Kym Việt. Ảnh: Danh Khang (tuoitreonline)

Đại diện Kym Việt cũng bày tỏ với công nương mong muốn đưa được nhiều sản phẩm hơn tới Nhật Bản, cùng với đó mở rộng mạng lưới kết nối với các đối tác Nhật Bản để cùng nhau phát triển các sản phẩm thủ công.

Ông cũng hy vọng có thể lấy thêm các nguyên liệu từ Nhật Bản, kết hợp với bàn tay khéo léo của người thợ Việt để làm ra những sản phẩm đặc biệt, không chỉ tạo ra công ăn việc làm cho người khuyết tật mà còn góp phần tạo nên cầu nối văn hóa, kinh tế, mang lại giá trị cho xã hội.

Sau khi tham quan cơ sở sản xuất của Kym Viet, công nương đã chủ động lựa chọn các món đồ ưng ý về làm quà cho Hoàng tử Hisahito và các thành viên Hoàng gia Nhật Bản.

Ngay chiều 23/9, Hoàng thái tử và Công nương Nhật Bản đã di chuyển vào miền Trung và có một số hoạt động ở TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

Diệu Hương (t/h)

Cách tạo một phòng ngủ truyền thống của Nhật Bản

Cách tạo một phòng ngủ truyền thống của Nhật Bản

Nếu bạn đang muốn tạo ra một môi trường yên tĩnh và thanh bình trong ngôi nhà của mình thì một phòng ngủ truyền thống của Nhật Bản là một lựa chọn hoàn hảo.