Về quê vải tổ

Chiếc xe đỗ dưới chân cầu Phú Lương. Đội quân hàng rong lập tức xông lên chiếm tất cả các cửa sổ. Không gian bỗng nhiên ấm sực mùi vải và như có tiếng chim tu hú kêu! “Vải Thúy Lâm đây! Không ăn “vải Tổ” tiếc đổ máu mắt đây!”. Cô tiểu thư diện ngất trời ngồi trong xe làm tôi chợt tiếc ngẩn ngơ tuổi trẻ của mình, sợ hỏng mất đôi mắt đẹp, chìa tay mua vải. Tôi đang ước được như quả vải kia để cô cắn ngập trong miệng, thì bỗng cô nhổ phì phì, phun ra những lời khủng khiếp. Người đàn ông ngồi cạnh tôi bật cười: “Chúng nói láo đấy! Vải thiều Thúy Lâm ăn nó ngọt lên đến tận đỉnh đầu!”.

Một cây vải một cây vàng

Hồi cuối thế kỷ 19, cụ Hoàng Văn Cơm, một phú hào làng Thúy Lâm, nhân ngày nông nhàn ra Hải Phòng chơi xem hội “Vanh xăng cát tó” (14/7). Cụ thấy mấy người khách thương ăn thứ quả lạ rồi ném hột vào bếp lửa. Tò mò, cụ tìm cách nhặt ba hột, đem về quê trồng, mọc được hai cây vải nhỏ. Trận lụt năm 1945 làm thối chết một. Cây còn sống trở thành cây “vải Tổ” của giống vải Tàu (tên gọi trước năm 1960) hay vải thiều ở Việt Nam bây giờ. 

Người Thúy Lâm đã chiết cành, nhân giống “vải Tổ” ra khắp làng trên xóm dưới, vào lúc “cực thịnh” có khoảng 5.000 cây vải. Cây vải làng Lâm cao đến 10m. Vòm lá xum xuê như một chiếc ô khổng lồ, che trùm mát rượi, khiến cho cỏ dưới gốc không sống nổi. Cành vải lòe xòe, trĩu chịt quả nặng chấm sát mặt đất. Quả vải chín đẫy to phình hơn quả bóng bàn, bóc không ướt tay, nhưng đầy mọng thứ nước thơm, ngọt lịm. Hột nhỏ như hạt đậu. Sách xưa viết về quả vải Thúy Lâm thế này: “Mã ngoài như lụa hồng tơ tía, thịt vải như giáng tuyết, như thủy tinh. Vị ngọt đậm ăn vào thơm như thứ rượu tiên trên đời!”.

 Cây vải tổ tại làng Thúy Lâm, Thanh Hà (Hải Dương)
 Cây vải tổ tại làng Thúy Lâm, Thanh Hà (Hải Dương)

Tiếng lành đồn xa. Quả vải thiều được những khách sành ăn mến mộ. Lạ lùng, cứ ra khỏi làng Thúy Lâm là cây vải cho quả kém! Cho nên gọi vải Thanh Hà, song thực chất chỉ có vải Thúy Lâm mới quý. Ngày xưa các bà, các cô Hà Nội đi chợ Đồng Xuân, bắt người bán vải cho xem căn cước, biết đích thị người Thúy Lâm mới mua.

Những năm 30 của thế kỷ trước, khách buôn đã tìm đường về quê vải. Cho đến những năm 80, cả nước chỉ độc Thanh Hà có vải thương mại. Gần 100 năm, người làng vải ngồi ở nhà rung đùi, chờ thiên hạ dẫn nhau về mua vải. Xe con, xe to, xe ngoại giao đoàn, xe hàng không, xe du lịch... vào ra inh ỏi.

Làng Thúy Lâm sống phong lưu. Hồi Mỹ ném bom miền Bắc, dân thành phố chỉ dám ước một chiếc xe đạp “Phượng hoàng” Trung Quốc, thì anh Hóa người Thúy Lâm nhờ vải đã đi xe đạp Peugeot của Pháp, đeo đài bán dẫn Orionton, trông oai kinh khủng! Anh lại có cái “kèn hát” (máy quay đĩa) quay tay, kim to như cái đinh guốc hai phân. Mỗi khi làng có đám cưới, mời được anh bê “kèn hát” đến nhà, vặn nghe các bài như “Diệt phát xít”, nếu có cải lương nữa thì hãnh diện vô cùng! Anh đi đến đâu thì trẻ con, người lớn, bu đến đấy, sờ mó, tròn mắt thán phục!

Tiền bạc rủng rỉnh trên các cây vải. Người dân quanh năm chẳng phải làm gì, ngồi dưới gốc cây chờ quả vải chín. Có kẻ bỏ cả thành phố về quê để sống với vải. Thế nên, con gái vừa lớn nứt mắt là đi lấy chồng, con trai chẳng cần đỗ đạt học hành, nhưng các món chơi đều giỏi. Buổi chiều, mỗi xóm một đội bóng chuyền thi đấu tưng bừng. Buổi tối, người quê vải mời thầy nhạc trên huyện về thôn, tiếng đàn hát bay khắp làng. Một du khách về Thúy Lâm thốt lên: “Nơi này nhiều nghệ sỹ thật!”.

Cành vải lòe xòe, trĩu chịt quả nặng chấm sát mặt đất.
Cành vải lòe xòe, trĩu chịt quả nặng chấm sát mặt đất.

Nói vậy chứ người làng vải cũng rất thực tế. Tôi không hi vọng biết được ai là người đầu tiên đã nghĩ ra trò sấy vải khô. Một ngày mưa rào tháng 6 dai dẳng nào đó làm vải chín thối giữa nhà, đã khiến những người nông dân xót của nghĩ ra cách cho vải vào chảo rang và bây giờ là lò sấy. Hết sức đơn giản! Một cái dàn thưa bằng tre, trên để vải tươi cả cành nguyên quả, dưới để vài cái bếp than. Mỗi mẻ sấy thường 5 ngày. Quả vải khô màu nâu xỉn, vỏ dòn, lắc nghe lục cục. Cùi vải tóp lại thẫm hơn hột vải, dẻo quánh, không còn hương vị đặc biệt và ngọt ghê họng (tôi chắc quả vải mà người đàn ông khen là ngọt lên đến tận đỉnh đầu là vải khô!). 

Thế rồi một năm hồi thập kỷ 90, ở chợ Lạng Sơn, có người Trung Quốc mua một tạ quả vải khô bằng một cây vàng, khiến dân Thúy Lâm sung sướng ù tai. Làng vải say sưa ngất ngư trong niềm lạc quan giá vải khô còn cao nữa. Thế là cả làng biến thành một lò sấy vải khổng lồ. Vườn vải Thúy Lâm xưa đủ cho khắp thiên hạ, nay chẳng đủ cho chính mình. Người ta sục sạo sang khắp làng trên xóm dưới, lên tận Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh mua vơ vét vải tứ xứ về. Ô tô kìn kìn “chở củi về rừng”. Chuyện chưa từng có trong lịch sử vải Thúy Lâm.

Có năm, khách thập phương đến Thúy Lâm ngoạn cảnh, chỉ được ăn một bụng vải rồi về. Bởi lẽ quả vải đã đắt thì chớ, dân làng vải lại làm cao không bán. Họ đưa tuốt cả vải tươi lên dàn sấy thành vải khô! Dân buôn Thúy Lâm tuyên bố: “Buôn gì cũng không lại được vải khô!”.

Ở đời mấy ai hiểu được chữ “ngờ”!

Chặt vải trồng… rau!

Tôi về Thúy Lâm giữa mùa vải chín. Con đường trải nhựa chạy giữa chằng chịt bóng cây, bóng nhà xiên xẹo, nhưng vắng bóng người bóng xe. Trên những cánh đồng đầu làng, một bầu không khí tĩnh lặng như tấm lưới mỏng giăng mắc giữa các cây vải bỏ hoang. Mới hơn 10 giờ mà nắng đã khiến thằn lằn cũng đổ mồ hôi.

Ngay cổng chợ Lại, đàn ông, đàn bà đứng ngồi ngổn ngang, nhẫn nhịn chờ được cân vải bán cho thương lái vào Nam. Hết rồi cái cảnh ngồi rung đùi dưới gốc cây nhà mình, chờ thiên hạ mang tiền đến cống nộp! Gã đi thu mua chân đá vào những sọt vải, miệng liến thoắng trừ người này, bớt người kia: “Không bán thì thôi mang về!”.

Mang về đâu đây? Đã nhiều năm rồi, bên kia biên giới không đến quê vải, vải khô họ cũng chẳng mua. Bây giờ họ ăn vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang. Quả vải Lục Ngạn dẫu không ngọt bằng, thơm bằng, nhưng trái to hơn và nhiều thì “như quân Nguyên”! Điều quan trọng nhất là nó lại tiện đường sang Trung Quốc. Người quê vải không ngờ rằng Lục Ngạn đánh đấu chấm hết cho danh tiếng vải Thanh Hà!

Vải thiều Thanh Hà chín đỏ,
Vải thiều Thanh Hà chín đỏ, "ngọt lên đến tận đỉnh đầu"

Bởi vì ngày xưa, ở Thúy Lâm có ông Sạn, ông Khần… là những nông dân năng động, có máu làm giàu và… rất chủ quan! Họ chiết hàng vạn cành vải đi khắp miền Bắc rao bán, rồi lại đem hết kinh nghiệm trồng vải của tổ tiên ra truyền bá, vì cứ ngây thơ nghĩ rằng: Chẳng ở đâu có chất đất cho cây vải ra quả ngọt như ở quê vải.

Thế rồi, cây vải đã đặt được chân lên vùng đồi trọc Lục Ngạn, Bắc Giang. Cả một rừng vải gốc gác Thanh Hà trẻ trung, khỏe mạnh mọc lên trên đất Lục Ngạn, lại được chăm sóc theo công nghệ mới, đã đánh bạt những vườn vải già cỗi của Thúy Lâm trên thương trường. Người quê vải chỉ còn điều an ủi trong miếu thờ cây vải tổ. Đó là một tấm trướng thêu dòng chữ: “Nhân dân các dân tộc huyện Lục Ngạn biết ơn cụ Hoàng Văn Cơm, ông tổ vải thiều”

Chúng tôi đến nhà anh Nguyễn Văn Thắng, trưởng chi họ Nguyễn ở làng Thúy Lâm. Đường vắng tanh mà con tôi vẫn đi rón rén như một chú mèo gặp mưa. Đơn giản vì nó không nỡ dẫm chân lên những quả vải chín đỏ rụng la liệt trên lối đi. Vải rẻ, do cung đã vượt xa cầu, có lúc giá rơi (cân vải)  chỉ bằng một cốc chè chén vỉa hè, khiến cho nhiều người quê vải bỏ cả cây không bẻ quả. Anh Thắng thốt lên: “Xót lắm chú ơi!”. Có lần, Thắng nằm mơ thấy cây vải âm thầm khóc ngoài cửa sổ.

Và rồi người Thúy Lâm bắt đầu đi… chặt vải, những cây vải bố mẹ, ông bà họ đã trồng xum xuê, hoành tráng, không hề có sự già nua, xấu xí của những thân cây mục rỗng. Họ chặt vải để lấy đất trồng… rau màu ăn hàng ngày, ngược với ngày xưa họ chặt tất cả để trồng vải! Ông Chuẩn, 77 tuổi, phải bỏ nhà đi chỗ khác, không dám nhìn các con ông cầm dao chặt vải trong vườn. 

Mặt trời đã lặn. Bầu trời xám xịt như đang muốn vỡ để trút nước xuống. Anh Hương ngồi cầm đàn hát “không đâu bằng quê hương tôi, vải thiều quanh năm xanh biếc…”. Và tôi nghe thấy tiếng những quả vải rơi rụng lộp độp lên lớp lá mục, như những giọt mưa buồn bã, tìm đường đến các tầng đất sâu thẳm, nơi có những rễ cây vải vừa bị chặt đứt khỏi thân. Mưa lặng lẽ khóc trên mặt cô gái mặc áo dài màu xanh tím cầm chùm vải đỏ được vẽ trên tấm panô với một dòng chữ: “Thanh Hà quê hương vải thiều kính chào quý khách”. Một con quạ đen đỗ trên thành cầu cất tiếng kêu như một lời than thở: Hết rồi, vải thiều Thúy Lâm, Thanh Hà! 

Còn tôi, ngồi ôm chùm vải chín đỏ như những mặt trời bé nhỏ, “ngọt lên đến tận đỉnh đầu”, cảm tạ đất trời, tổ tiên đã ban tặng cho quê hương một giống cây quí và thầm hy vọng một lối ra cho quả vải Thúy Lâm, Thanh Hà.

Hà Linh Quân

Vì sao giá vải thiều đang cao gấp 3 lần năm trước?

Vì sao giá vải thiều đang cao gấp 3 lần năm trước?

Sản lượng giảm gần 50% so với năm 2018 khiến giá vải thiều tại vườn chờ thu hoạch đã 40.000 đồng/kg, gấp 3 lần so với mùa trước.