Vì sao Ấn Độ hào hứng tham gia IPEF?

Sự ra mắt của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương (IPEF) do Hoa Kỳ khởi xướng trong chuyến công du chính thức đầu tiên của Tổng thống Joe Biden tới châu Á vào tuần trước đã mang lại cho Ấn Độ cơ hội thực hiện xoay trục sang Thái Bình Dương.

Động thái của New Delhi nhằm củng cố quan hệ đồng minh với Washington được đưa ra trong bối cảnh có tin Mỹ đã vượt Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3 năm 2022.

Ngoại trừ Ấn Độ và Hoa Kỳ, tất cả các quốc gia khác tham gia khởi động IPEF đều là một phần của khối đối thủ, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc dẫn đầu.

Vì sao Ấn Độ hào hứng tham gia IPEF? - Ảnh 1.

Mỹ trở thành đối tác lớn nhất của Ấn Độ trong năm tài chính 2021 - 2022.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar đã khẳng định cam kết của Ấn Độ với IPEF.

Tại một hội nghị ở Ấn Độ với các quốc gia Đông Nam Á vào tuần trước, ông cho biết Ấn Độ đang xây dựng cơ sở hạ tầng để tăng cường liên kết chặt chẽ hơn với Đông Nam Á thông qua Myanmar và Bangladesh, điều này sẽ phù hợp với khuôn khổ mới.

"[Kết nối] sẽ không chỉ xây dựng trên quan hệ đối tác mà chúng tôi có với ASEAN và Nhật Bản, mà còn thực sự tạo ra sự khác biệt cho IPEF hiện đang được hình thành", Ngoại trưởng Jaishankar nói.

Các quốc gia trong khu vực [Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương] có thể vượt qua địa lý và viết lại lịch sử nếu họ có chính sách và hướng phát triển kinh tế đúng đắn.

Ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar

Cả Bangladesh và Myanmar đều là một phần của "Sáng kiến Vành đai và Con đường" (BRI), theo đó Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp các châu lục. Ấn Độ đã đứng ngoài sáng kiến của Chủ tịch Tập Cận Bình vì tranh chấp biên giới đang diễn ra. Bên cạnh đó, một thành phần quan trọng của BRI đi qua các khu vực của Kashmir do Pakistan kiểm soát mà Ấn Độ tuyên bố chủ quyền.

Sự nhiệt tình ban đầu của Ấn Độ đối với IPEF là bước ngoặt đối với gã khổng lồ Nam Á này, vốn đã chọn không tham gia RCEP, tổ chức mà Trung Quốc làm trung tâm.

RCEP bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và 10 quốc gia Đông Nam Á, khiến nó trở thành hiệp ước thương mại tự do lớn nhất thế giới.

"Một lỗ hổng lớn của RCEP là có Trung Quốc", cựu cố vấn kinh tế chính của chính phủ Ấn Độ Arvind Virmani nói với CNBC.

"Trung Quốc đồng ý với mọi thứ trên giấy tờ, nhưng không có nghĩa vụ nào về các quy tắc trên thực tế. IPEF rất hấp dẫn đối với Ấn Độ vì tổ chức này bao gồm các nước Đông và Đông Nam Á nhưng không bao gồm Trung Quốc", ông nói thêm.

Trung Quốc tuần trước đã chỉ trích IPEF là một nỗ lực "chắc chắn sẽ thất bại".

"Làm thế nào nó có thể được gọi là bao trùm nếu nó cố ý loại trừ Trung Quốc, thị trường lớn nhất trong khu vực và trên thế giới?", Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nêu vấn đề.

Vì sao Ấn Độ hào hứng tham gia IPEF? - Ảnh 3.

Thủ tướng Ấn Độ cùng cách lãnh đạo nhóm Quad tại Tokyo.

Ông Vương Nghị đã đưa ra nhận xét trên trong chuyến thăm tới Fiji, quốc gia trở thành thành viên mới nhất tham gia IPEF vào tuần trước.

Mặc dù IPEF không được coi là một hiệp định thương mại, nhưng thương mại là một trong bốn trụ cột của IPEF. Các trụ cột khác là khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng; năng lượng sạch, khử cacbon, cơ sở hạ tầng và cuối cùng là thuế và chống tham nhũng.

Căng thẳng trên biên giới Himalaya của Ấn Độ với Trung Quốc bùng phát thành một cuộc xung đột đẫm máu cách đây hai năm khiến 2 nước phải bố trí hàng chục nghìn binh sĩ trên dọc biên giới.

Katoch, một cựu bộ trưởng của chính phủ Ấn Độ cho biết, mặc dù việc giảm các rào cản đối với thị trường Hoa Kỳ hiện chưa được đưa ra ở giai đoạn này, nhưng điều đó cuối cùng có thể thay đổi thông qua các cuộc đàm phán.

″Có thể các cuộc đàm phán sẽ dẫn đến việc giảm bớt một số rào cản hoặc một số khuyến khích tái định vị chuỗi cung ứng sang Ấn Độ. Tôi cho rằng đó là cách mà nó sẽ diễn ra ", ông nói.

Nhưng tầm quan trọng của Ấn Độ đối với Hoa Kỳ mang tính chiến lược hơn là kinh tế. Là quốc gia châu Á duy nhất có chung biên giới trên bộ đang tranh chấp với Trung Quốc và đủ mạnh để chống lại siêu cường mới nổi này, Ấn Độ là một thành phần quan trọng trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Sự hợp lưu chiến lược đó có thể dẫn đến sự nhượng bộ của cả hai bên.

Khái niệm về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là trống rỗng nếu không có sự tham gia của Ấn Độ.

Joshua P Meltzer (Viện Brooklings)

Joshua P. Meltzer, một thành viên cấp cao trong chương trình phát triển và kinh tế toàn cầu tại Viện Brookings, cho biết trong một phân tích gần đây: "Khái niệm Ấn Độ - Thái Bình Dương là trống rỗng nếu không có sự tham gia của Ấn Độ" và nói thêm rằng, Ấn Độ có thể chấp nhận IPEF nhiều hơn RCEP vì nước này không đưa ra bất kỳ yêu cầu giảm thuế quan nào.

"IPEF cũng đến vào thời điểm mà Ấn Độ đã làm rõ những quan ngại chiến lược của mình đối với Trung Quốc. Sự liên kết giữa Trung Quốc và Nga ngày càng tăng cũng có thể khiến Ấn Độ tìm kiếm các mối quan hệ chặt chẽ hơn nữa với Hoa Kỳ", ông Meltzer nói.

NGUYỄN MINH