Vì sao thịt gà Mỹ chỉ có giá 18.000 đồng/kg?

6 tháng đầu năm,Việt Nam đã nhập hơn 62.000 tấn thịt gà từ Mỹ,với giá chưa tới 18.000 đồng/kg. Các chuyên gia nói gì về giá rẻ bèo này?

Báo Thanh Niên đưa tin, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, thịt gà đông lạnh nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm có giá khai báo hải quan trung bình chưa tới 18.000 đồng/kg. Việt Nam nhập khẩu gà đông lạnh chủ yếu từ Mỹ, bao gồm nguyên con, đùi, cánh, má đùi. Chân gà được nhập từ thị trường Brazil là chính.

Như vậy, thịt gà Mỹ về Việt Nam hiện có giá rất rẻ so với giá các loại thịt gà trên thị trường Việt Nam. Loại thịt gà nhập Mỹ chủ yếu là đông lạnh, loại nguyên con, đùi gà, cánh và chân gà công nghiệp.

Lý giải về mức giá này, báo Zing dẫn lời ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho hay gà nhập khẩu chủ yếu là gà công nghiệp. Các mặt hàng nhập khẩu như đùi, cổ, cánh không được coi là hàng chính phẩm mà chỉ là thứ phẩm tại Mỹ. Bởi vậy, mặt hàng này được xuất khẩu ra các thị trường, trong đó có Việt Nam với mức giá rẻ.

Chỉ có giá 18.000 đồng/kg thịt gà Mỹ: vì sao lại rẻ đến vậy?
Chỉ có giá 18.000 đồng/kg thịt gà Mỹ: vì sao lại rẻ đến vậy?

Về việc liệu với mức giá rẻ nêu trên, thịt gà nhập về Việt Nam có phải là hàng thải loại, ông Nguyễn Đăng Cường, Giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh nông phẩm, giải thích gà nhập khẩu từ Mỹ không có sản phẩm gà thải loại như nhiều người vẫn bày tỏ lo ngại mà đều là gà nhập khẩu chính ngạch theo container, giá thành nhìn chung rất rẻ.

“Thị trường Mỹ chỉ chuộng phần ức gà vì đó là thịt rắng. Người chăn nuôi tại Mỹ chỉ bán riêng phần ức gà đã có lời. Phần chân, cánh, đùi gà được xem là phụ phẩm, để chế biến bột thịt xương dùng trong chăn nuôi. Mức giá bán bột thịt xương còn thấp hơn để nguyên xuất khẩu sang Việt Nam với giá thành 18.000 đồng/kg. Gà này nhập về Việt Nam được bán ra với mức giá khoảng hơn 40.000 đồng/kg. Như vậy đã là mức lợi nhuận quá lớn”, ông Cường nhận định trên báo Zing.

Ngoài ra, theo phân tích của các chuyên gia, thì việc chi phí sản xuất gà Mỹ rẻ, cạnh tranh so với gà Việt cũng là một trong các lý do.

Zing đưa quan điểm của ông Cường khi đặt lên bàn cân so sánh để thấy được sự chênh lệch rõ ràng trong chi phí sản xuất gà tại Mỹ và Việt Nam. Theo đó, 1 kg thịt gà hơi tại Mỹ sản xuất ra có giá thành khoảng 15.000-16.000 đồng/kg. Ở Việt Nam, con số này là hơn 20.000 đồng/kg.

Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố như: Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi tại Mỹ rẻ hơn Việt Nam khá nhiều. Ví dụ như, giá đậu tương tại Mỹ là 9.000 đồng/kg thì tại Việt Nam lên tới 16.000 đồng/kg. Trong khi đó, khô đậu tương chiếm tới 15% khẩu phần thức ăn chăn nuôi.

 Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành cho biết trên thực tế, đó chỉ là giá khai báo hải quan, chưa phí, thuế.
 Theo phân tích của các chuyên gia trong ngành cho biết trên thực tế, đó chỉ là giá khai báo hải quan, chưa phí, thuế.

Hệ số chuyển đổi thức ăn trong chăn nuôi gà của Việt Nam là 1.6, nghĩa là mất 1,6 kg thức ăn thì cho ra 1 kg tăng trọng gà. Trong khi đó, hệ số này tại Mỹ chỉ là 1.4 và 1.2.

Ngoài ra, cũng phải nói thêm rằng quy mô, trình độ và công nghệ chăn nuôi của Mỹ khá lớn, hiện đại. Một chuồng gà tại Mỹ có khoảng 100.000 con gà, thậm chí lên tới hàng triệu con. Trong khi đó, Việt Nam khi đã ứng dụng công nghệ vào, một chuồng cũng chỉ có thể nuôi 10.000-20.000 gà.

Còn về mức giá nhập 18 nghìn đồng, theo phân tích của các chuyên gia trong ngành được báo Thanh Niên dẫn lại, trên thực tế, đó chỉ là giá khai báo hải quan, chưa phí, thuế.

Theo các chuyên gia, dù thói quen ăn uống của người tiêu dùng Việt thích đùi gà song phần đùi gà thường ít chất dinh dưỡng hơn so với lườn gà. Đáng chú ý, với chăn nuôi gà công nghiệp, đùi gà, cánh gà thường là nơi tiêm phòng trực tiếp các loại vacxin, thuốc phòng trị bệnh (nếu có).

Tờ báo dẫn lời chị Uyên Nguyên, phụ trách khu vực phía Nam một công ty chuyên nhập khẩu các loại thịt đông lạnh, chia sẻ: “Giá khai báo hải quan chỉ là bình quân của tất cả sản phẩm. Hơn nữa, giá chưa bao gồm phí lưu cảng, thuê kho lạnh, giao nhận, vận chuyển và đặc biệt là công nợ của các doanh nghiệp kinh doanh. Hiện nay thị trường cạnh tranh rất khốc liệt vì có hàng trăm công ty tham gia nhập khẩu hàng tươi sống nên phải so kè nhau từng ngàn đồng cho mỗi ký thịt.

Đa số các nhà nhập khẩu về bán sỉ cho một đơn vị phân phối lớn. Từ đó họ sẽ phân phối lại qua nhiều khâu mới ra thị trường. Do có nhiều loại chi phí cộng thêm nên giá bán lẻ mới tăng cao hơn giá khai báo hải quan”.

PHUONG LE(t/h)

theo Tin 24h