Vì sao có trái cây giá rẻ đổ đống bán đầy trên đường phố Sài Gòn?

Hiện nay, nhiều loại trái cây như cam, ổi, thanh long,... có giá rất rẻ đang bày bán tại các tuyến đường ở TPHCM.

Trên các tuyến đường như Cách Mạng Tháng Tám (quận 10), Kinh Dương Vương (Bình Tân), bơ Booth trồng tại các tỉnh Tây Nguyên được bán với giá chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Theo nhiều người bán, đây là giá bơ Booth rẻ nhất trong nhiều năm trở lại đây. Vào những năm trước, bơ Booth có giá không dưới 35.000 đồng/kg. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến giá bơ “tụt” thê thảm. Và giá bơ đã chạm mốc “lịch sử” khi đến tay người tiêu dùng.

Bơ Booth trồng tại các tỉnh Tây Nguyên được bán với giá chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.
Bơ Booth trồng tại các tỉnh Tây Nguyên được bán với giá chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Giống như bơ, giá sầu riêng cũng đang "lao dốc", ông Lê Nhật, một người chuyên kinh doanh sầu riêng tại Đắk Lắk cho biết, giá sầu riêng thu mua tại vườn đã giảm rất mạnh.

Cụ thể, sầu riêng Dona hạt lép mua tại vườn chỉ 45.000 đồng/kg. Trong khi đó, vào năm ngoái, giá sầu riêng Dona hạt lép rẻ nhất cũng phải 80.000 đồng/kg.

“Năm nay giá sầu riêng quá rẻ. Lên Sài Gòn, sầu riêng bán lẻ chỉ đạt mức từ 55.000 - 60.000 đồng/kg, còn chưa bằng giá mua tại vườn trước đây. Vì vậy mà khách hàng cũng mua sầu riêng nhiều hơn”, ông Nhật nói.

Ổi Đài Loan giảm còn 8.000 đồng/kg. 
Ổi Đài Loan giảm còn 8.000 đồng/kg. 

Chị Hương, một người bán ổi lề đường cho biết, sau khi hạ giá ổi Đài Loan xuống 8.000 đồng/kg, giảm tới 5.000 - 7.000 đồng/kg so với năm ngoái. 

Các năm trước, giá đầu mùa cao, nhưng năm nay ngược lại. Nguồn cung quá dồi dào do việc xuất khẩu gặp khó khăn, thị trường vắng khách mua nên người bán phải giảm giá, chị Hương chia sẻ thêm.

Không chỉ có cam, nhiều loại trái cây khác cũng đang có giá rất rẻ.
Không chỉ có cam, nhiều loại trái cây khác cũng đang có giá rất rẻ.

Tương tự, dọc theo đường Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp), cam sành được chất thành từng đống trên các khây tại các điểm bán. Giá cam loại nhỏ chỉ 12.000 đồng/kg, cam loại lớn giá 15.000 - 25.000 đồng/kg.

Chị Nguyễn Hân, một người bán trái cây trên đường Nguyễn Thái Sơn cho biết, cam sành đang rất rẻ. Giá cam bán lẻ chỉ bằng khoảng 60% so với năm trước.

“Cam được lấy từ các tỉnh miền Tây và Đồng Nai. Năm ngoái, cam nhỏ cũng 20.000 đồng/kg, cam lớn thì 30.000 - 40.000 đồng/kg. Năm nay dịch bệnh khiến cam không tiêu thụ được như trước, giá cam giảm mạnh”, chị Hân nói.

  Thanh long ruột đỏ giá 15.000 đồng/2kg bán trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3).

Thanh long ruột đỏ giá 15.000 đồng/2kg bán trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3).

Không chỉ cam, ổi,... có giá rẻ “không tưởng” mà thanh long, xoài, chuối cũng đang có giá siêu rẻ. Thanh long đang được bán với giá từ 8.000 đồng/kg, xoài keo 10.000 đồng/kg, chuối già hương 8.000 đồng/kg.

Một số thương lái chuyên mua bán trái cây tại TP.HCM cho biết, giá trái cây tại thành phố đang rất rẻ là do việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp nhiều khó khăn.

Theo Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong 9 tháng năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam - Trung Quốc chỉ đạt hơn 9,8 tỷ USD, giảm 8,6% so với cùng kỳ năm trước. 

Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Trung Quốc đều suy giảm. Trong đó, rau quả chỉ đạt kim ngạch 1,4 tỷ USD, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc cũng gặp nhiều thách thức.

Xoài được đổ đóng trên các vỉa hè với giá siêu rẻ.
Xoài được đổ đóng trên các vỉa hè với giá siêu rẻ.

Điển hình như tiến trình trao đổi kỹ thuật, đánh giá rủi ro trong công tác mở cửa thị trường các sản phẩm rau quả thường kéo dài làm hạn chế phát triển thương mại cho các sản phẩm được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Chính sách quản lý hoạt động biên mậu của Trung Quốc thay đổi tùy theo từng thời điểm cũng là thách thức lớn cho xuất khẩu rau quả Việt Nam.

Theo các cơ quan chức năng, nông sản xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn nhiều vướng mắc về đăng ký vùng trồng, quản lý cơ sở đóng gói, kiểm tra kiểm soát và truy xuất nguồn gốc.

Trước tình hình trên, Bộ NN&PTNT đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, trao đổi công hàm làm việc với Bộ Nông nghiệp, Tổng cục Hải quan Trung Quốc trong công tác thúc đẩy mở cửa thị trường nông sản, tháo gỡ khó khăn vướng mắc để phát triển thị trường cho nông sản.

Bộ NN&PTNT cũng phổ biến đến các địa phương, các hiệp hội và các doanh nghiệp về việc thay đổi chính sách, quy định mới cũng như biện pháp của Trung Quốc về tăng cường kiểm soát chất lượng, kiểm dịch rau quả nhập khẩu vào thị trường này, theo Dân Trí.

Cơ quan chức năng cũng khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rau quả, sản phẩm hoa quả chế biến đăng ký danh sách xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Qua đó nâng cao năng lực thực thi và đáp ứng các quy định thị trường của hai bên, tạo thuận lợi cho xuất khẩu nông sản.

(Tổng hợp).

PHƯƠNG LÊ

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương