Việt Nam đang ngày càng nắng nóng như thế nào?

Việt Nam đã trải qua nhiều đợt nắng nóng kỷ lục trong những năm gần đây, nguyên nhân là do nằm trong quy luật của sự nóng lên toàn cầu.

Những đợt nắng nóng lịch sử trong 3 năm gần đây

Năm 2019, nắng nóng ở Bắc bộ, Trung bộ từng phá vỡ hàng loạt mốc kỷ lục lịch sử duy trì trong nhiều năm trước đó, riêng trong tháng 8.2019 đã ghi nhận nhiệt độ cao vượt giá trị lịch sử trong cùng thời kỳ tháng 8 của nhiều năm trước đây.

Cụ thể, ở các tỉnh Trung bộ, nhiệt độ nắng nóng đo trong ngày 7.8 tại Hoài Nhơn (Bình Định) là 40,2 độ C, cao hơn mốc lịch sử năm 2019 là 40 độ C. Tại Đà Nẵng, nhiệt độ nắng nóng đo được là 40,2 độ C, phá vỡ mốc nhiệt độ cao nhất cách đây 44 năm (39,5 độ C ghi nhận trong tháng 8.1977). Tại Tương Dương (Nghệ An) có nắng nóng 40 độ C, phá vỡ mốc kỷ lục lịch sử xác lập trong 37 năm qua, với 39,6 độ C ghi nhận trong năm 1984.

Việt Nam đang ngày càng nắng nóng như thế nào?

Nắng nóng ở Tuy Hòa (Phú Yên) có thời điểm nhiệt độ cao nhất 40,1 độ C; tại Hoài Nhơn (Bình Định) là 41,1 độ C; tại Tam Kỳ (Quảng Nam ) là 41 độ C; TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên - Huế) 40,2 độ C cũng vượt các mốc nhiệt độ lịch sử ở các điểm nói trên từng thiết lập trong mùa hè năm 2019.

Ở các tỉnh Bắc bộ, nắng nóng tại Ninh Bình có nhiệt độ 38,2 độ C, phá vỡ kỷ lục nhiệt độ trong 40 năm qua, cụ thể là năm 1981 với nhiệt độ là 37,9 độ C; tại Thái Bình là 36,9 độ C; tại Thái Nguyên là 38,5 độ C; Hoà Bình là 39,1 độ C (ngày 7.8); tại Lạng Sơn là 37,7 độ C (ngày 5.8), đều cao hơn mốc lịch sử thiết lập trong năm 1990.

Ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, trong ngày 5.8, nắng nóng tại Bắc Mê (Hà Giang) là 39,5 độ C cũng phá vỡ kỷ lục thiết lập trong 43 năm qua, cụ thể là năm 1978 với 39 độ C.

Nắng nóng trong ngày 7.8 tại Hà Đông (Hà Nội) là 39,6 độ C; tại Bắc Ninh là 39,4 độ C; tại Bắc Giang là 38,5 độ C; tại Vĩnh Phúc là 39 độ C, đều vượt các mốc lịch sử từng thiết lập trong năm 2019; còn tại Uông Bí (Quảng Ninh) là 37,3 độ C, cao hơn mốc lịch sử 37 độ C trong năm 2015.

Năm 2020, nắng nóng gay gắt ở Hà Nội từng ghi nhận "kỷ lục" về nhiệt độ ngày 21-5 lên tới 40,9 độ, nhiệt độ cao nhất trong tháng 5 từ năm 1961 cho đến thời điểm 2020. Bắc Bộ, Trung Bộ xảy ra nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nhiệt độ phổ biến 37-39 độ, nhiều nơi có nhiệt độ cao trên 40 độ.

Tại Lào Cai, nhiệt độ cao nhất đo được ngày 21-5 là 41,8 độ, vượt giá trị lịch sử 41 độ đo được ngày 22-5-1957. Tại Bắc Mê (Hà Giang), nhiệt độ cao nhất đo được ngày 21-5 là  40,4 độ, vượt giá trị lịch sử 39,8 độ ngày 12-5-1966. Tại Kim Bôi (Hòa Bình), nhiệt độ cao nhất ngày 21-5 là 41 độ, vượt giá trị lịch sử 40,5 độ ngày 11-5-1966. Tại Tĩnh Gia (Thanh Hóa), nhiệt độ cao nhất ngày 21-5 là 41,2 độ, vượt giá trị lịch sử 40,8 độ ngày 23-6-1973. 

Năm 2021, các tỉnh miền Bắc và miền Trung đã đang trong những ngày nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt, với nhiệt độ cao trong ngày xấp xỉ gần 40 độ C.

Nhiều tỉnh, thành miền Bắc đã xuất hiện nhiệt độ cao kỷ lục của tháng 8 như: Lào Cai mức nhiệt 39,5 đã vượt qua kỉ lục 38,9 độ ngày 18/8/2016;  tại Lạng Sơn nhiệt độ ngày 5/8 là 37,7 độ cũng vượt qua kỉ lục 27,0 độ ngày 22/8/1990; hay ở Hà Đông (Hà Nội) mức nhiệt 39,0 độ ngày 6/8/2021 cũng đã vượt qua kỉ lục 38,5 độ ngày 13/8/2019. Trong khi đó, ở miền Trung, Tp. Đà Nẵng nhiệt độ ngày 5/8/2021 là 39,7 độ, vượt qua mức kỉ lục 39,5 độ ngày 15/8/1977, còn ở Tp. Quảng Ngãi ngày 1/8 nhiệt độ là 40,1 độ đã vượt qua kỉ lục tháng 8 là 39,9 độ của ngày 19/8/2019.

Nguyên nhân thời tiết ngày càng nắng nóng

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nhận định thời tiết Việt Nam đang nằm trong quy luật của sự nóng lên toàn cầu. 

Việt Nam đang ngày càng nắng nóng như thế nào?

Theo Tổ chức khí tượng Thế giới, sự suy giảm kinh tế và công nghiệp từ Covid-19 không có tác động đến biến đổi khí hậu. Do thời gian tồn tại của CO2 trong khí quyển rất dài, tác động của việc giảm thải sẽ không dẫn đến việc giảm nồng độ CO2 - thứ đang làm tăng nhiệt độ toàn cầu.

Cơ quan khí tượng Vương quốc Anh (Met Office) cũng đưa ra bản cập nhật khí hậu hàng năm trên toàn cầu vào năm 2021 cung cấp dự báo về nền nhiệt trên toàn thế giới trong 5 năm tới. Báo cáo của Met Office đã đưa ra những điểm dự báo rất quan trọng cho xu hướng tăng nhiệt trên toàn cầu trong vòng 5 năm tới:

- Thứ nhất, nhiệt độ toàn cầu hàng năm có thể cao hơn ít nhất 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp (được xác định là giai đoạn 1850-1900). Mức tăng này sẽ xuất hiện liên tục trong vòng 5 năm tới và mức nhiệt tăng dao động trong ngưỡng 0,91 đến 1,59 độ C.

- Thứ hai, trong các năm 2020-2024, hầu hết khu vực của đại dương phía Nam có khả năng ấm hơn so với trung bình nhiều năm.

Tổ chức Khí tượng Thế giới nhận định áp suất nước biển sẽ diễn biến dị thường, phần nào cho thấy khu vực phía Bắc Đại Tây Dương có gió tây mạnh, làm gia tăng tần suất các cơn bão ở Tây Âu.

Dự báo nắng nóng mùa hè 2022

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra dự báo xu thế khí hậu thủy văn từ tháng 4.2022 đến tháng 9 năm 2022. Nhiệt độ trung bình trong tháng 4.2022 trên cả nước phổ biến thấp hơn 0,5 - 1 độ C so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Từ tháng 5 đến tháng 8.2022 nhiệt độ trên cả nước phổ biến ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, riêng tháng 7 - 8.2022 khu vực trung Trung Bộ trở vào phía nam ở mức cao hơn từ 0,5 - 1 độ C.

Bà Phạm Phương Chi - Dự báo viên Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia - cho biết:  "Dự báo năm nay, nắng nóng khả năng xuất hiện muộn hơn bởi cường độ không khí lạnh trong tháng 4 vẫn hoạt động hơn so với sự mở rộng của vùng áp thấp phía tây".

GS.TS Phan Văn Tân, Khoa Khí tượng Thuỷ văn và Hải dương học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên  cho rằng hiện nay dự báo đang ở giai đoạn cuối hiện tượng La Nina, hiện tượng này còn duy trì từ nay đến khoảng giữa năm 2022, sau đó sẽ chuyển dần sang trạng thái trung tính trong khoảng nửa cuối năm 2022.

Trong những ngày tới, cụ thể từ ngày 25-26/4, khu vực đồng bằng Bắc Bộ có khả năng xảy ra nắng nóng trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 13-16 giờ.

Khu vực Hà Nội từ ngày 25-26/4, có khả năng xảy ra nắng nóng, nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến 35-36 độ C. Độ ẩm trung bình ngày thấp nhất từ 50-60%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 13-16 giờ.

Ngoài ra, từ 22-28/4, ở Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất 35-36 độ C, có nơi trên 36 độ C. Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng cấp 1.  

Thanh Mai

Giá vàng hôm nay 25/4: Tiếp tục giảm

Giá vàng hôm nay 25/4: Tiếp tục giảm

Giá vàng giao dịch quanh mức 1.930 USD/ounce vào rạng sáng 25/4.