Vụ sinh viên ở Khánh Hòa tử vong: Cúm A/H5 nguy hiểm thế nào, lây nhiễm ra sao?

Nam sinh viên 21 tuổi ở ký túc xá Đại học Nha Trang (Khánh Hòa) đã tử vong sau 8 ngày điều trị cúm A/H5. Hiện vẫn chưa rõ nguồn lây.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Khánh Hòa, bệnh nhân nhiễm cúm A/H5 tên B.T.Đ. (21 tuổi, trú xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa) khởi phát bệnh ngày 11/3, với triệu chứng sốt, ho nhẹ, bệnh nhân tự mua thuốc uống (tại Nha Trang) nhưng bệnh không giảm.

Đến ngày 20/3, kết quả xét nghiệm từ Viện Pasteur bệnh nhân dương tính với cúm A/H5. Sau đó bệnh nhân diễn biến nặng, chuyển cách ly điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Khánh Hòa. Trưa 23/3, bệnh nhân đã tử vong.

Hình ảnh mô phỏng virus cúm A H5N1
Hình ảnh mô phỏng virus cúm A H5N1

 “Khi nhận được kết quả bệnh nhân nhiễm cúm A/H5, chúng tôi đã hội chẩn với các Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nhiệt đới TP.HCM, Đa khoa tỉnh Khánh Hòa nhưng không thể cứu sống được bệnh nhân vì tình trạng bệnh đã diễn biến nặng, phổi đã bị xơ” - đại diện Bệnh viện này nói.

Đây là ca cúm A/H5 đầu tiên được ghi nhận tại Việt Nam kể từ đầu năm đến nay.

Theo ông Tôn Thất Toàn - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Khánh Hòa, vi rút cúm gia cầm thuộc nhóm vi rút cúm A, gồm kháng nguyên ngưng kết hồng cầu H (Hemagglutinin) và kháng nguyên trung hòa N (Neuraminidase).

Có 15 loại kháng nguyên H, ghi nhận H1 đến H15 và 9 loại kháng nguyên N, ghi nhận N1 đến N9. 

Đến nay qua kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Nha Trang xác định loại kháng nguyên trong ca bệnh này là N1 Virus A/H5N1.

Cúm A/H5N1 nguy hiểm ra sao?

Virus A (H5N1) có độc lực cao, nguy hiểm. Căn bệnh này có thể diễn tiến phức tạp, khó lường với tỷ lệ biến chứng, tử vong ở người (khoảng 50 – 60%) nếu không được phát hiện, can thiệp chữa trị kịp thời. Vì vậy, nếu virus H5N1 biến đổi và trở nên dễ dàng lây truyền từ người sang người trong khi vẫn giữ được độc lực thì hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng.

Các triệu chứng của nhiễm H5N1 có thể bao gồm: Sốt (thường sốt cao, > 38°C), khó chịu, ho, đau họng, đau cơ. Các triệu chứng khác như: đau bụng, đau ngực, tiêu chảy. Đặc biệt, bệnh có nguy cơ diễn tiến nặng và dẫn tới tử vong.

Khi bị nhiễm cúm A H5N1, người bệnh sẽ có triệu chứng: sốt cao trên 38 độ, ho, đau rát họng, đau cơ…Ở một số người còn có thể xuất hiện triệu chứng ban đầu như: đau bụng, đau ngực, nôn ói hoặc tiêu chảy, chảy máu cam và lợi. Sau đó là các triệu chứng của viêm đường hô hấp dưới như khó thở, đau ngực.

Ở nhiều người biểu hiện của viêm đường hô hấp dưới có thể xuất hiện từ giai đoạn sớm. Khó thở tiến triển rất nhanh, trường hợp nặng gây suy hô hấp, sốc nhiễm trùng, suy đa phủ tạng kèm rối loạn ý thức, có thể dẫn đến tử vong nếu không được chữa trị kịp thời.

Cúm A/H5N1 lây sang người như thế nào?

Hầu hết tất cả các trường hợp nhiễm H5N1 ở người đều có liên quan đến việc tiếp xúc gần với gia cầm sống hoặc chết bị nhiễm bệnh, hoặc môi trường bị nhiễm mầm bệnh.

Không có bằng chứng về việc bệnh có thể lây lan sang người thông qua thực phẩm được chế biến đúng cách và nấu chín kỹ cũng như việc lây truyền từ người sang người.

 

Nguyễn Thoa

Thực phẩm và đồ uống giúp người bệnh cúm nhanh hồi phục

Thực phẩm và đồ uống giúp người bệnh cúm nhanh hồi phục

Cúm là một bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính do virus cúm gây nên. Khi mắc cảm cúm, người bệnh cần lưu ý, một số thực phẩm và đồ uống, có thể giúp bạn cảm thấy dễ chịu và hồi phục nhanh hơn.