Xã hội hiện đại và những áp lực đối với nam giới: đâu mới là bình đẳng giới thực thụ?

Những tiêu chí về hình mẫu “người đàn ông đích thực” cho thấy xã hội đã đặt ra những kỳ vọng quá cao buộc nam giới phải cố gắng không ngừng để đạt được những điều đó.

Sáng ngày 4/11 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Phát triển xã hội (ISDS) đã tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu “Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập”.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Khuất Thu Hồng -  Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho biết: Từ đầu những năm 90 đến nay, các chương trình dự án nghiên cứu về giới chỉ tập trung vào phụ nữ, các nghiên cứu về nam giới rất ít, và chưa có một nghiên cứu quy mô lớn và định tính về nam giới tại Việt Nam. Đó là một trong những nguyên nhân khiến mục tiêu bình đẳng giới thực chất vẫn chưa đạt được, khoảng cách về quyền và cơ hội giữa hai giới vẫn còn tồn tại trong nhiều lĩnh vực của đời sống.

TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội báo cáo kết quả nghiên cứu
TS Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội báo cáo kết quả nghiên cứu "Nam giới và Nam tính trong một Việt Nam hội nhập”.

Vì vậy, trong hai năm 2018 – 2019, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội với sự tài trợ của Quỹ Phát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) và Chính phủ Australia thông qua Chương trình Đầu tư cho Phụ nữ (Investing In Women) đã thực hiện nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên về nam giới và nam tính ở Việt Nam với 2.567 nam giới trong độ tuổi từ 18 – 64 tại 4 tỉnh và thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hòa Bình.

Theo đó, nghiên cứu chỉ ra rằng những chuẩn mực nam tính truyền thống và quan niệm giới đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều nam giới và cả nữ giới Việt Nam. Những tiêu chí về hình mẫu “người đàn ông đích thực” cho thấy xã hội đã đặt ra những kỳ vọng quá cao (là trụ cột gia đình, kiếm đủ tiền nuôi vợ con, có vị trí trong cơ quan nhà nước, khả năng tình dục cao…) buộc nam giới phải cố gắng không ngừng để đạt được những điều đó.

Chuẩn mực
Chuẩn mực "người đàn ông đích thực"

 TS Khuất Thu Hồng phát biểu: “Tài chính và sự nghiệp được phát hiện là hai vấn đề gây áp lực lớn nhất cho nam giới cả nông thôn và đô thị. Gần một phần tư nam giới tham gia khảo sát đã thừa nhận họ cảm thấy áp lực trong cuộc sống, trong đó có hơn 80% cảm thấy bị áp lực về tình trạng tài chính và gần 70% bị áp lực về sự nghiệp”.

Điều quan ngại là những áp lực này có thể gây tác động tới sức khoẻ tâm thần của nam giới, đặc biệt trong nhóm nam giới trẻ và nam giới sống ở khu vực đô thị.

“Đã có gần 3% số nam giới tham gia khảo sát có ý định tự tử, tỷ lệ này tăng tới 5,4% (tỷ lệ cao nhất) trong nhóm nam giới ở độ tuổi 18- 29”, TS Khuất Thu Hồng thông tin.

Và để giải tỏa những áp lực này, nhiều nam giới Việt Nam đã tìm đến những thực hành có hại như hút thuốc lá, uống rượu bia, điều này làm gia tăng các vấn đề về sức khỏe và an toàn giao thông…

"Cứ 10 nam giới thì có 7 người hút thuốc lá và có 6 người đã từng uống tới say xỉn ít nhất một lần trong đời", TS Khuất Thu Hồng thông tin.

Những người ủng hộ hình mẫu “người đàn ông đích thực”, ủng hộ các chuẩn mực mang nặng tính định kiến giới có xu hướng thực hiện các hành vi bất bình đẳng giới và có những hành vi tiêu cực cản trở sự phát triển của phụ nữ.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trong nhóm nam thanh niên thuộc thế hệ thiên niên kỷ ở đô thị, đang có sự thay đổi về nhận thức về nam tính, về gia đình và về phụ nữ. Nhiều người trong số họ sẵn sàng chia sẻ với vợ quyền sở hữu tài sản, các trách nhiệm trong gia đình và chia sẻ việc nhà. Họ là những tác nhân của “lệch chuẩn tích cực” có thể góp phần thúc đẩy bình đẳng giới.

TS Khuất Thu Hồng trao đổi với đại diện Sứ quán Australia tại Việt Nam bên lề hội thảo
TS Khuất Thu Hồng trao đổi với đại diện Sứ quán Australia tại Việt Nam bên lề hội thảo

GS. TS Đặng Nguyên Anh - Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng: “Đây là nghiên cứu đáng suy ngẫm”. Từ những kết quả nghiên cứu đưa ra, rất nhiều vấn đề được gợi mở ví dụ: đi sâu nghiên cứu nhóm nam giới trẻ ở đô thị, họ là những ai, vì sao họ lại có sự thay đổi như vậy? Truyền thông cũng cần phải thay đổi để góp phần định hướng lại về nhận thức, quan niệm xã hội về nam giới, nam tính và nữ giới.

GS.TS Phạm Quang Minh – chủ tịch Hội đồng khoa học liên ngành Triết học, Xã hội học, Chính trị học - QuỹPhát triển Khoa học Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED) đánh giá: Đây là một đề tài nghiên cứu tốt và có tính ứng dụng cao,tuy nhiên cần tiếp tục hoàn thiện thêm những vấn đề: Bối cảnh Việt Nam hội nhập tác động đến nam giới và nam tính như thế nào? Làm rõ hơn tác động của dịch Covid-19 lên giới và bất bình đẳng giới. Đồng thời nhóm nghiên cứu có thể đưa ra những gợi ý chính sách, hàm ý chính sách thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam.

Bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới, gia đình, và vị thành niên (CSAGA) chia sẻ: “Đây là nghiên cứu chúng tôi chờ đợi từ lâu. Mặc dù những kết quả nghiên cứu chỉ ra không gây sốc đối với tôi do đã có quá trình thực hành giới và bình đẳng giới nhiều năm, nhưng tôi kỳ vọng nghiên cứu được tiếp tục chia nhỏ và có thể đưa ra được những chương trình chi tiết hơn về việc thực hành giới và bình đẳng giới”.

TS Khuất Thu Hồng chia sẻ niềm vui khi vấn đề nghiên cứu đặt ra đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người, bà hy vọng nghiên cứu sẽ góp phần
TS Khuất Thu Hồng chia sẻ niềm vui khi vấn đề nghiên cứu đặt ra đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người, bà hy vọng nghiên cứu sẽ góp phần "giải nén" cho nam giới và thúc đẩy bình đẳng giới toàn diện hơn.

Theo chia sẻ từ TS Khuất Thu Hồng, những nghiên cứu về nam giới và nam tính của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội không nhằm mục đích khắc sâu hơn những khác biệt về nam và nữ mà mong muốn góp phần “giải nén” cho nam giới. Qua nghiên cứu, phụ nữ có thể hiểu hơn những áp lực mà nam giới phải đối diện, hiểu, chia sẻ với họ. Nghiên cứu cũng giúp nam giới hiểu rõ hơn về chính bản thân mình, về nguồn gốc của áp lực mà họ gặp phải để bản thân có những thay đổi theo hướng tích cực hơn, thúc đẩy bình đẳng giới toàn diện hơn. Những người làm nghiên cứu cũng mong muốn cung cấp thêm thông tin giúp các nhà hoạch định chính sách có thể xây dựng các chính sách và chương trình xã hội theo cách tiếp cận mới, đa chiều, đa diện, liên ngành hơn.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm bên lề hội thảo
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm bên lề hội thảo

Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (Institute for Social Development Studies - ISDS) là một tổ chức khoa học công nghệ được thành lập năm 2002 và là đơn vị thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. ISDS đã triển khai nhiều nghiên cứu quan trọng về giới, trong đó có các nghiên cứu do Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT) tài trợ như: báo cáo nghiên cứu năm 2015 “Các yếu tố xã hội quyết định bất bình đẳng giới ở Việt Nam”. ISDS cũng là thành viên chủ chốt của Mạng lưới Phòng ngừa và Ứng phó Bạo lực trên cơ sở giới (GBVNet).

Diệu Thuần

'Làm việc tại nhà' để tránh virus corona: bước tiến trong quá trình bình đẳng giới?

"Làm việc tại nhà" để tránh virus corona: bước tiến trong quá trình bình đẳng giới?

Không chỉ đem lại lợi ích cho phụ nữ, giải pháp làm việc tại sẽ là một bước tiến trong quá trình bình đẳng giới.