Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 11, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong ước tính đạt 500 triệu USD, giảm 3,8% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng tới 34,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sầu riêng tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu mang về kim ngạch lớn nhất của nhóm hàng rau quả. Tuy nhiên, trong tháng vừa qua, xuất khẩu sầu riêng giảm chủ yếu do sầu riêng Tây Nguyên vào cuối vụ thuận và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ vào vụ nghịch.
Tính chung 11 tháng, kim ngạch xuất khẩu rau quả của nước ta đạt kỷ lục khoảng 6,66 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Sầu riêng tiếp tục là nhóm hàng xuất khẩu mang về kim ngạch lớn nhất của nhóm hàng rau quả. |
Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, với kết quả xuất khẩu hiện nay, ngành rau quả Việt Nam sẽ lập mốc kỷ lục 7 tỷ USD, thậm chí có thể vượt mọi dự báo với con số 7,2 tỷ USD trong năm 2024.
Hiện, Việt Nam đã mở cửa thị trường cho 19 loại nông sản có nguồn gốc thực vật và quả tươi xuất khẩu chính ngạch sang một số thị trường chính như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Australia. Trong đó, Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về tiêu thụ hàng rau quả của Việt Nam với 66,5% thị phần, đạt 4,1 tỷ USD, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Giám đốc Trung tâm Quy hoạch 2, Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp Trần Anh Hùng cho biết, tổng diện tích cây ăn quả toàn quốc 1,269 triệu ha, sản lượng đạt 1,3887 triệu tấn; Đồng bằng sông Cửu Long là vùng có diện tích lớn nhất cả nước chiếm 31,8%, tiếp đến các tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc hiện có khoảng 271,9 nghìn ha, chiếm 21,4% tổng diện tích cây ăn quả toàn quốc. Chủng loại cây ăn quả của Việt Nam rất đa dạng, phong phú; trong đó chuối có diện tích lớn nhất (chiếm 12,72% tổng diện tích), tiếp đến sầu riêng (11,8%), cây có múi gần 15%.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá sự tăng trưởng vượt bậc của sản lượng các loại trái cây chủ lực, kết hợp với việc khai thác hiệu quả thị trường Trung Quốc, đã giúp xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt được những thành tích đáng ghi nhận trong thời gian qua.
Cơ quan này dự báo xuất khẩu rau quả trong tháng cuối năm sẽ đối mặt với những thách thức nhất định do nguồn cung một số loại trái cây chủ lực giảm. Tuy nhiên, nhu cầu thị trường thế giới tăng cao, đặc biệt là Trung Quốc, cùng với các hiệp định thương mại sẽ là động lực hỗ trợ xuất khẩu.
Trung Quốc thắt chặt hạn chế xuất khẩu kim loại quan trọng trước khi ông Donald Trump trở lại
Trung Quốc có kế hoạch thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với các mặt hàng và công nghệ "sử dụng kép" quan trọng trong hai tuần, bao gồm nguyên liệu thô và kim loại như vonfram, than chì, magiê và hợp kim nhôm thường được sử dụng trong chuỗi cung ứng công nghệ.