Bất động sản hậu COVID-19: Mặt bằng bán lẻ giảm giá mạnh vẫn ế

Giá thuê mặt bằng giảm đến 50% so với thời điểm đầu năm 2020, nhưng thị trường bán lẻ tại Sài Gòn cũng không mấy khả quan.

Hơn một tháng kể từ ngày TP.HCM gỡ bỏ lệnh dãn cách xã hội, nhiều dịch vụ vẫn chưa có dấu hiệu hoạt động trở lại, đặc biệt là lĩnh vực ăn uống, mua sắm vui chơi. Hàng loạt mặt bằng kinh doanh đang treo bảng cho thuê, bán nhà, sang quán, sang chủ,…

Tại các tuyến đường nổi tiếng kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi như Phan Xích Long (Phú Nhuận), Pasteur, Lý Tự Trọng (quận 1) hay Quang Trung (quận Gò Vấp),... Từ mặt bằng nhỏ đến nhà nguyên căn, ki ốt, quán nhậu, nhìn đâu cũng thấy những tấm bảng cho thuê.

Từ trước đến nay, mặt bằng tại quận 1 hay những khu sầm uất khác như Phan Xích Long (quận Phú Nhuận) hiếm khi nào ế ẩm. Ghi nhận của PV những ngày qua, trên đường Phan Xích Long, nơi nổi tiếng tập trung nhiều nhà hàng ngoại, trung bình cách 6-7 căn mặt tiền đang hoạt động kinh doanh thì có một mặt tiền cửa đóng im lìm, treo bảng cho thuê; có đoạn dài chưa đến 500m nhưng có tới chục căn treo biển cho thuê hoặc bán.

Tình hình mặt bằng tại các tuyến phố trung tâm quận 1 cũng không mấy khả quan hơn. Đoạn đường Pasteur (từ đầu đường Hàm Nghi đến đoạn giao Lý Tự Trọng) ngày nào nhộn nhịp với những quán bia hơi nằm san sát nhau, nay chỉ số ít cửa hàng hoạt động trở lại.

Sau các quy định của Chính phủ về việc siết chặt hoạt động vui chơi - giải trí trong mùa dịch, hầu như các mặt bằng kinh doanh dịch vụ bia hơi, vũ trường hay mát xa, karaoke trên các tuyến Mạc Thị Bưởi, Lê Thánh Tôn hay Đông Du, Đồng Khởi,… vẫn khá im lìm. Mặt bằng trống vẫn xuất hiện nhan nhản trên các tuyến phố.

Mặt bằng đóng cửa im lìm trên đường Phan Văn Trị.
Mặt bằng đóng cửa im lìm trên đường Phan Văn Trị.

Thị trường cho thuê bất động sản Sài Gòn đã bắt đầu nhộn nhịp trở lại, nhiều chủ mặt bằng tại TP.HCM giữ nguyên giá cho thuê như thời điểm tháng trước. Tuy nhiên, nhiều khách hàng đi thuê vẫn hy vọng giá có thể giảm thêm khi tình hình kinh doanh chưa có gì chắc chắn. Phân vân và chờ đợi là lý do khiến nhiều mặt bằng vẫn đang trong cảnh ế ẩm, treo biển hơn cả tháng cũng chưa có khách thuê.

Theo chia sẻ của một chủ mặt bằng cho thuê trên đường Hồ Văn Huê (Phú Nhuận), hằng ngày người này nhận được trên dưới 10 cuộc gọi hỏi thuê. “Vì mặt bằng của tôi có mặt tiền đẹp, lại nằm trong khu chuyên doanh dịch vụ cho thuê đồ cưới nên được nhiều người thuê quan tâm”, chị K. cho biết.

Với diện tích 60m2, mặt tiền 5m, giá thuê của mặt bằng này là 25 triệu đồng/tháng, mức giá này được chị K. giữ nguyên từ tháng 3 đến nay. Dù có nhiều người gọi điện tham khảo, nhưng khi biết giá không giảm, nhiều người thuê tỏ ra phân vân và hy vọng chủ nhà có thể giảm thêm.

Đường Quang Trung (Gò Vấp) cũng là nơi có nhiều mặt bằng treo biển cho thuê, tuyến đường này nổi tiếng tập trung nhiều cửa hàng thời trang. Một chủ nhà đang rao cho thuê mặt bằng 40m2, mặt tiền 4m với giá 20 triệu đồng/tháng. Mức giá này cũng đã được chủ giữ nguyên so với tháng trước. Một mặt bằng khác nhỏ hơn với diện tích 30m2, mặt tiền 3m nhưng giá cho thuê đã được chủ tăng lên 25 triệu đồng/tháng.

Tính trung bình, giá thuê mặt bằng các khu vực trên đang ở mức 500.000 đồng/m2/tháng. Mức giá này thấp hơn nhiều so với thời điểm đầu năm 2020. Theo khảo sát của Savills Việt Nam, trong quý I/2020 thị trường cho thuê mặt bằng bán lẻ ở mức 1,6 triệu m2/tháng. Như vậy không ít chủ nhà vẫn đang chấp nhận giảm mạnh giá thuê vì tình hình hiện tại.

Savills cho biết, dịp COVID-19, các chủ nhà đã cân nhắc, điều chỉnh ngắn hạn về chính sách thuê nhằm hỗ trợ những khách thuê đang gặp khó khăn bao gồm giảm giá thuê, miễn tiền thuê theo giai đoạn, gia hạn thời điểm thanh toán giá thuê, hoặc chuyển sang hình thức trả giá thuê theo tháng.

Có thể thấy lý do nhiều mặt bằng tại TP.HCM vẫn còn ế ẩm không hẳn nằm ở giá cả, mà vấn đề ở phía người thuê. Lo ngại dịch COVID-19 có thể tái bùng phát, tình hình kinh doanh chưa có gì chắc chắn, đây là lý do khiến vợ chồng chị Thanh Thúy (27 tuổi, ngụ Bình Thạnh) phân vân, chưa có ý định kinh doanh trở lại.

Trước đó, chị Thúy có hoạt động cửa hàng thời trang trên đường Phan Văn Trị (Gò Vấp), song đã trả lại mặt vào đầu tháng 3 vì kinh doanh không có lợi nhuận. “Dù giá mặt bằng hiện tại khá mềm nhưng tôi vẫn đang do dự, chưa muốn mở lại cửa hàng vì sợ dịch sẽ tiếp tục bùng phát lần hai”.

CBRE Việt Nam nhận định COVID-19 đã khiến lưu lượng khách mua sắm giảm xấp xỉ 80% trong giai đoạn dịch bệnh diễn ra. Điều này ảnh hưởng lớn đến “sức khỏe” của các cửa hàng, doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Mặt bằng trống trơn tại Vincom Phan Văn Trị (TP.HCM).
Mặt bằng trống trơn tại Vincom Phan Văn Trị (TP.HCM).

Nguồn cung thị trường bán lẻ tiếp tục im ắng trong quý I/2020, giờ chiều xuất hiện nguồn cung mới. Trung tâm thương mại Parkson Đồng Khởi đang tiến hành cải tạo và tái cấu trúc khách thuê.

Theo quan sát của JLL, lưu lượng khách tham quan giảm sâu khoảng 80% tại hầu hết các trung tâm thương mại trong tháng 2 và 3/2020 do ảnh hưởng của bệnh dịch. Điều này đã tác động trực tiếp đến ngành bán lẻ khiến nhiều cửa hàng phải đóng cửa tạm thời để cắt lỗ chi phí hoạt động. 

Hoạt động cầm chừng trong khi rủi ro ổ dịch bùng phát gây ảnh hưởng tới hình ảnh trung tâm thương mại khiến một số chủ nhà quyết định đóng cửa toàn bộ từ cuối tháng 3. Ngoài sự tác động của dịch đã khiến nhiều nhãn hàng quốc tế tạm hoãn hoặc cân nhắc lại kế hoạch khai trương cửa hàng tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.

Không tổ chức các sự kiện để thu hút khách tham quan theo quy định hạn chế tập trung nơi đông người, tất cả trung tâm thương mại đều tập trung hỗ trợ khách thuê thông qua giảm giá thuê hoặc điều chỉnh chính sách thanh toán. 

Một số chủ nhà như Vincom, Keppel Land ban hành chính sách giảm giá thuê trong tháng 2 và 3 cho tất cả các khách thuê, dao động từ 10 - 30% tùy ngành hàng,  trong đó ưu tiên giảm sâu cho nhóm khách hàng bán lẻ chung, đến ngành hàng ăn uống và giải trí.

Các chủ nhà còn lại xem xét giảm giá thuê từ 10 - 50% tùy vào tình hình kinh doanh thực tế mùa giao hàng. Riêng chủ nhật, Keppel Land còn áp dụng thêm hình thức thanh toán trả chậm với các khoản tiền thuê trong thời gian ba tháng (tháng 3-5) sang các tháng sau, khi tình hình cải thiện.

Diễn biến phức tạp của dịch bệnh gây đã ảnh hưởng đến kế hoạch khai trương của 280.000m2 sàn trung tâm thương mại dự kiến hoạt động trong năm 2020. Ngành bán lẻ sẽ tiếp tục đương đầu với khó khăn trong quý II.

Như một xu hướng mới, các nhà bán lẻ nên tập trung vào mua hàng trực tuyến và thanh toán không tiền mặt. Các chủ đầu tư trung tâm thương mại nội địa cũng cần xem xét lại mô hình cho thuê truyền thống, trong đó chỉ thu giá thuê cố định của khách thuê.

THUẬN TIỆN

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương