Bộ trưởng quốc phòng Mỹ: "Sẽ không ai ngăn cản được Mỹ tới Biển Đông"

Mỹ kêu gọi các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở rộng mạng lưới các đối tác an ninh.

Trong sự kiện do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tổ chức ngày 21/7 (giờ Việt Nam), Bộ trưởng Quốc phòng Esper đã có bài phát biểu khẳng định Washington sẽ tiếp tục hoạt động ở Biển Đông để ngăn cản các hành vi cưỡng ép nước nhỏ của Trung Quốc và nhấn mạnh "không ai ngăn cản được Mỹ tới Biển Đông".

Bài phát biểu được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố lập trường mới của Washington, bác bỏ gần hết yêu sách hàng hải của Trung Quốc và gọi chúng là phi pháp.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Esper nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục hiện diện tại Biển Đông. Ông còn gọi các chính sách hàng hải của Bắc Kinh là phi pháp, khẳng định "Mỹ phản đối yêu sách vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc" và sẽ tiếp tục phối hợp với các nước tiến hành các chiến dịch FONOP trong tương lai.

Ông Esper đưa ra 3 lý do chính để Mỹ tiếp tục hoạt động tại các khu vực, đó là: ngăn cản các hành vi bắt nạt và cưỡng ép nước nhỏ của Trung Quốc; đảm bảo tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông; tăng cường năng lực các nước đồng minh và đối tác của Mỹ xung quanh Biển Đông, hướng tới giúp các nước này có đủ sức tự bảo vệ được vùng biển và lãnh thổ trước tham vọng của Trung Quốc. 

Ông Esper nhấn mạnh: "Sẽ không ai ngăn cản được Mỹ tới Biển Đông. Chúng tôi sẽ tiếp tục có mặt tại khu vực và hoạt động ở những nơi được luật quốc tế cho phép". 

Ông cho rằng Trung Quốc không có quyền biến các vùng biển quốc tế thành các vùng biển của riêng họ. Bởi chính sách mới của Mỹ đã nêu rõ, công nhận các tuyên bố hàng hải phù hợp với luật quốc tế, ủng hộ quyền chủ quyền của các nước Đông Nam Á. Đồng thời phản đối các yêu sách hàng hải quá đáng, phi pháp của Trung Quốc. 

"Các yêu sách hàng hải phi pháp và quá đáng của Trung Quốc đã được họ sử dụng như một công cụ để bắt nạt các nước nhỏ hơn, ngăn cản các nước nhỏ tiếp cận các nguồn tài nguyên xa bờ vốn nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ", Bộ trưởng Esper nhấn mạnh.

Hiện Mỹ đang phát triển học thuyết mới và sẽ thúc giục quốc hội nước này phối hợp với chính phủ đề ra "Sáng kiến răn đe Thái Bình Dương", trong đó ưu tiên duy trì khả năng răn đe và bảo đảm các cam kết của Mỹ đối với khu vực. Washington không tìm kiếm xung đột với Bắc Kinh mà là mong muốn có quan hệ thực chất, tuy nhiên Bắc Kinh phải tuân thủ  luật pháp quốc tế và chấm dứt các hành vi cưỡng ép các nước khác. 

Bộ trưởng Mỹ nêu quan điểm: "Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuân thủ luật quốc tế - thứ đã đem lại lợi ích to lớn cho cả nhân dân Trung Quốc trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, trong khi kỳ vọng Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thay đổi hành vi của mình, Mỹ và quốc tế nên chuẩn bị cho các kịch bản thay thế khác".

Thanh Mai

Thêm 11 công ty Trung Quốc vào 'danh sách đen' kinh tế Mỹ

Thêm 11 công ty Trung Quốc vào 'danh sách đen' kinh tế Mỹ

Ngày 20/7, Mỹ bổ sung thêm 11 công ty Trung Quốc bị cáo buộc vi phạm nhân quyền vào danh sách trừng phạt giữa lúc căng thẳng leo thang.