Bột giặt NET lãi gấp đôi sau khi về tay Masan

Sau khi về tay Masan, Bột giặt NET có một quý (quý III/2020) kinh doanh tốt. Lợi nhuận luỹ kế trong năm nay đã tăng gấp đôi so với trước.

Công ty Cổ phần Bột giặt NET vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2020 . Nhìn chung, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này có bước tăng trưởng tốt.

Cụ thể, doanh thu thuần trong quý III/2020 ghi nhận hơn 380,5 tỷ đồng, tăng 40% so với quý III/2019. Biên lợi nhuận gộp cũng được cải thiện so với trước, từ mức 20% cùng kỳ năm 2019 lên mức 23%. HĐQT giải trình, kết quả này có được là do sản lượng tiêu thụ trong quý tăng so với trước, trong khi giá vốn bán hàng tăng chậm hơn.

Đáng nói, gần 32% doanh thu của Bột giặt NET xưa giờ đến từ xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường như Australia, New Zealand, các nước ASEAN, châu Mỹ, châu Phi,… Trong khi đó giai đoạn này, nhu cầu thế giới vẫn chưa thật sự phục hồi, việc thông thương quốc tế vẫn khó khăn. Việc doanh thu của NET tăng, rất có thể đến từ sức mua nội địa và việc gia công cho các hãng khác phát triển.

Nhờ biên lợi nhuận gộp được cải thiện và điều tiết tốt các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế trong quý vừa qua của Bột giặt NET đạt hơn 34 tỷ đồng, tăng đến 70% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm, Bột giặt NET ghi nhận 1.106,8 tỷ đồng doanh thu, tăng hơn 37,5% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, lợi nhuận sau thuế luỹ kế đã đạt 103,7 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với 9 tháng đầu năm 2019.

Hồi đầu năm 2020, một thành viên của Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Masan ( Masan Consumer ) đã mua trọn 52% cổ phần và chính thức trở thành công ty mẹ của Bột giặt NET. Theo thương vụ, định giá của Bột giặt NET lúc đầu năm vào khoảng 46 triệu USD.

Về với Masan, Bột giặt NET tiếp cận được hệ thống bán lẻ đồ sộ với chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+. Ngoài ra, cách kinh doanh của doanh nghiệp này có phần thay đổi. Sau 2 năm không nhỏ một xu cho chiết khấu thương mại, 9 tháng qua, Bột giặt NET đã dành hơn 3 tỷ cho khoản này. Riêng chiết khấu trong quý III/2020 đã là gần 2 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với con số chỉ vài trăm triệu đồng cho cả năm mà trước đây Bột giặt NET đã chi.

Tổng tài sản của công ty này cũng có sự cải thiện đáng kể, từ mức 576,5 tỷ đồng hồi đầu năm đã tăng 20% lên mức 694,3 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Bột giặt NET cũng nhích lên thêm 48 tỷ đồng, ghi nhận mức 357,4 tỷ đồng vào cuối tháng 9/2020.

Ngoài bột giặt, NET còn có nước lau sàn, nước rửa chén và nhiều sản phẩm hoá chất gia dụng khác. Ảnh: NETCO
Ngoài bột giặt, NET còn có nước lau sàn, nước rửa chén và nhiều sản phẩm hoá chất gia dụng khác. Ảnh: NETCO

Công ty cổ phần Bột giặt NET tiền thân là Việt Nam Tân Hóa Phẩm, được thành lập vào năm 1972. Sau khi cổ phần hoá, công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội  (HNX) vào năm 2010. Năm 2019, thương hiệu bột giặt này đạt doanh thu thuần 1.157 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế hơn 80 tỷ đồng, tăng 42,3% so với năm 2018.

Theo ban lãnh đạo công ty, thị phần hiện tại của NET trong ngành hàng bột giặt là 1,5%. Dẫn đầu thị trường hiện nay là Unilever với 54,9% thị phần, theo sau là Procter & Gamble 16%, Đại Việt Hương 11,6%, LIX 2,7% và Vico 2,4%.

Trước khi về tay của ông Nguyễn Quang Đăng, người ta khó thấy túi bột giặt NET màu đỏ đỏ xuất hiện ở các vị trí đẹp trên quầy hàng siêu thị. Đến nay, sự hiện diện của dòng sản phẩm này trong hệ thống Vinmart giúp thị trường kỳ vọng thương hiệu Việt sẽ hút mắt người dùng hơn. Thị trường cũng rất trông mong vào việc, với chất lượng sản phẩm tốt của NET kết hợp với khả năng marketing của tập đoàn và sức mạnh hệ thống phân phối Vinmart, sản phẩm NET sẽ là đối trọng đáng ngại cho Unilever và P&G.

TẤT ĐẠT

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương