Doanh nghiệp bất động sản bị nhái tên thương hiệu: Nên khởi kiện!

Tập đoàn Hưng Thịnh hiện là thương hiệu bị nhái tên nhiều nhất, ngay cả trong nhiều lĩnh vực khác không chỉ là bất động sản cũng lấy tên “Hưng Thịnh”.

Bị “nhái” như “cơm bữa”

Trong lĩnh vực bất động sản, thực tế hiện nay xuất hiện khá nhiều trường hợp vi phạm bản quyền thương hiệu, mà cụ thể là nhái, trùng tên doanh nghiệp, dự án, hình ảnh, logo, tên miền... Hàng loạt doanh nghiệp địa ốc lớn như Tập đoàn Hưng Thịnh, Him Lam, Đại Phúc, Novaland, Nam Long… đang “đau đầu” vì tình trạng “nhái” thương hiệu tràn lan này, gây nhầm lẫn cho khách hàng và ảnh hưởng không nhỏ đến các chủ đầu tư uy tín.

Tập đoàn Hưng Thịnh hiện là thương hiệu bị nhái tên nhiều nhất, ngay cả trong nhiều lĩnh vực khác chứ không riêng mảng bất động sản.
Tập đoàn Hưng Thịnh hiện là thương hiệu bị nhái tên nhiều nhất, ngay cả trong nhiều lĩnh vực khác chứ không riêng mảng bất động sản.

Cụ thể, Công an tỉnh Long An vừa ra thông báo truy tìm 4 lãnh đạo của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Hưng Thịnh để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ngay sau đó, Tập đoàn Hưng Thịnh (quận 3) đã có thông tin chính thức về tình trạng “nhái” tên thương hiệu này gây ảnh hưởng lớn đến uy tín của Tập đoàn.

Theo đó, vào ngày 15/1/2020, trên một số trang báo điện tử đã đăng tải thông tin vụ việc Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Long An thông báo truy tìm đối tượng là Lãnh đạo, đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Bất động sản Hưng Thịnh (Công ty Hưng Thịnh Long An) để điều tra, xác minh tố giác tội phạm về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền góp vốn, thanh toán của nhà đầu tư tại dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường )ở xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An) do chính Công ty Hưng Thịnh Long An làm chủ đầu tư.

Ngay sau vụ việc này, trên trang fanpage chính thức và các website của Tập đoàn Hưng Thịnh cũng như các công ty thành viên thuộc Tập đoàn Hưng Thịnh đã phát thông báo xác nhận và khẳng định rằng Công ty Hưng Thịnh Long An không thuộc hệ thống công ty thành viên và không có bất cứ mối liên hệ nào với Tập đoàn Hưng Thịnh. Đồng thời, dự án Khu dân cư Hưng Thịnh Cát Tường cũng không thuộc danh mục các dự án do Tập đoàn Hưng Thịnh đầu tư, phân phối.

Ông Nguyễn Nam Hiền, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết: “Tập đoàn Hưng Thịnh hiện là thương hiệu bị nhái tên nhiều nhất, ngay cả trong nhiều lĩnh vực khác không chỉ là bất động sản cũng lấy tên “Hưng Thịnh”. Quý khách hàng và nhà đầu tư nên tìm hiểu thông tin chính xác để tránh những nhầm lẫn đáng tiếc xảy ra”.

Ông Hiền cho biết thêm, Tập đoàn Hưng Thịnh là thương hiệu bất động sản uy tín hàng đầu với đội ngũ gần 3.000 nhân sự, sở hữu gần 50 công ty thành viên, 12 văn phòng đại diện cùng hệ thống sàn giao dịch quy mô. Bên cạnh hoạt động kinh doanh sôi nổi, Tập đoàn Hưng Thịnh còn dành nguồn ngân sách lớn cho các hoạt động xã hội, đặc biệt là bóng đá. Tập đoàn Hưng Thịnh chính là đơn vị đồng hành và hỗ trợ VFF chi trả lương cho HLV Park Hang-Seo và các chuyên gia của bóng đá Việt Nam trong 3 năm (2020-2023).

Tập đoàn Hưng Thịnh hiện đang đầu tư, phân phối gần 80 dự án trên khắp các tỉnh thành, được sự đón nhận và tin tưởng của đông đảo khách hàng.

Tập đoàn Hưng Thịnh hiện đang đầu tư, phân phối gần 80 dự án trên khắp các tỉnh thành, được sự đón nhận và tin tưởng của đông đảo khách hàng.

Đồng thời, Công ty Cổ phần Hưng Thịnh Land – Đơn vị thành viên chủ lực trong việc đầu tư, phát triển bất động sản của Tập đoàn Hưng Thịnh cũng là nhà tài trợ nguồn kinh phí cho Đội tuyển bóng đá nữ Quốc gia và Đội tuyển bóng đá nữ trẻ trong thời gian 5 năm (từ 1/1/2020 – 31/12/2024). Có lẽ, chính vì những đóng góp tích cực này, thương hiệu Tập đoàn Hưng Thịnh và các công ty thành viên hay bị các doanh nghiệp bất động sản khác “mạo danh”, “dựa hơi” để tạo uy tín.

Trước đó, vấn nạn mạo danh cũng khiến hàng loạt doanh nghiệp khác đau đầu. Điển hình, năm 2018, Him Land Land cũng phải ra thông báo về việc bị giả mạo thông tin về dự án Khu dân cư Him Lam 2, tọa lạc ở ngã tư đường Nguyễn Văn Linh và Quốc lộ 50. Thông tin này được cung cấp bởi một số nhân viên môi giới bất động sản thông qua hình thức phát tờ rơi quảng cáo, liên hệ qua điện thoại… Theo Him Lam Land, công ty không hề triển khai dự án nào mang tên Khu dân cư Him Lam 2 tại địa chỉ trên.

Tương tự, Tập đoàn Đại Phúc cũng bị dân môi giới lấy “mác” dự án Van Phuc City (quận Thủ Đức) để chào mời khách hàng mua đất tại một dự án “ma” ở Bình Dương, cách đó không xa. Novaland cũng từng phát đi thông báo về việc thương hiệu dự án Sunrise City đã bị mạo danh. Cụ thể, một dự án ở Hà Nội không phải của Novaland đã được đặt tên là Sunrise City. Theo Novaland, thương hiệu Sunrise City đã được công ty bảo hộ độc quyền và phát triển dự án mang tên này tại TP.HCM.

Cuối năm 2018, Chánh thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ vừa ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 73/QĐ-XPVPHC, xử phạt phạt Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Nam Long Real 20 triệu đồng do thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu Nam Long đang được bảo hộ độc quyền của Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Long (NLG).

Đồng thời, buộc Nam Long Real chấm dứt sử dụng, loại bỏ yếu tố “Nam Long” hay “NamLong” trên tất cả phương tiện kinh doanh, các biển hiệu, giấy tờ giao dịch như tài liệu dự án, brochure, tờ rơi, danh thiếp, nội dung các trang thông tin điện tử… mà Nam Long Real đang sử dụng trái phép.

Đây là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài của NLG khi bị Nam Long Real mạo danh bán hàng. Trước đó, hàng loạt khách hàng đã phản ánh với NLG sự nhầm lẫn giữa Nam Long Real và NLG dẫn tới việc khách hàng mua đất ở những dự án không đúng như quảng cáo.

Là chủ đầu tư của nhiều dự án uy tín, Tập đoàn Hưng Thịnh liên tục bị mạo danh.
Là chủ đầu tư của nhiều dự án uy tín, Tập đoàn Hưng Thịnh liên tục bị mạo danh.

Cụ thể, Nam Long Real có địa chỉ ở 1055 Phan Văn Trị, phường 10, quận Gò Vấp, TP.HCM còn NLG có trụ sở tại quận 7, TP.HCM. Nam Long Real quảng cáo có dự án đất nền ở quận 9, TP.HCM nhưng khi dẫn khách hàng đi xem đất lại đưa người mua tới tận Bà Rịa-Vũng Tàu. Sau đó, NLG đã xác minh, tập hợp thông tin và gửi yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý hành vi của Nam Long Real thực hiện.

Nên khởi kiện

Nhận xét về tình trạng nhái tên thương hiệu, dự án trên thị trường hiện nay, các chuyên gia bất động sản nhận định hiện tượng này đang khá phổ biến và chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp môi giới nhỏ, năng lực hạn chế.

Các doanh nghiệp nhỏ này không tự khẳng định thương hiệu bằng sản phẩm hay xây dựng tên tuổi doanh nghiệp của mình, mà phải “dựa hơi” những “ông lớn” trên thị trường để bán hàng. Điều này không chỉ gây tổn thất cho doanh nghiệp bị nhái thương hiệu mà còn khiến thị trường bất động sản gặp nhiều khó khăn trong việc phát triển bền vững.

Trước thực trạng này, lời khuyên cho các doanh nghiệp bất động sản là đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Ngoài các cách tự bảo vệ mình như chủ động đăng ký, bảo hộ thương hiệu một cách chuyên nghiệp. Đầu tư vào hoạt động truyền thông xây dựng nhãn hiệu, hình ảnh… thì các doanh nghiệp phải có biện pháp mạnh để xử lý các trường hợp vi phạm sở hữu trí tuệ.

Cụ thể đối với trường hợp của Tập đoàn Hưng Thịnh, vào ngày 10/09/2019, Tập đoàn Hưng Thịnh đã tiến hành khởi kiện Công ty Hưng Thịnh Long An và được thụ lý tại Toà án nhân dân tỉnh Long An. Ngoài ra, Tập đoàn Hưng Thịnh còn gửi đơn đến các cơ quan chức năng đề nghị điều tra xử lý Công ty Hưng Thịnh Long An tránh việc xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các khách hàng, nhà đầu tư cũng như của Tập đoàn Hưng Thịnh.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Hoàng, trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho biết, một doanh nghiệp bất động sản phát triển dự án như khu nghỉ dưỡng, chung cư, đất nền, nhà phố, văn phòng cho thuê… bộ phận truyền thông sẽ tìm kiếm công ty tư vấn thương hiệu để lựa chọn tên cho dự án theo yêu cầu chủ đầu tư.

Đơn vị tư vấn thương hiệu này hoặc bộ phận truyền thông và marketing của chính doanh nghiệp đó sẽ đưa ra gần chục tên gọi và chủ đầu tư sẽ dùng những tên gọi này nhờ công ty sở hữu trí tuệ lựa chọn, rà soát để tránh những tên đã trùng và tiến hành đăng ký. Sau khi đăng ký thì thiết kế logo, slogan.

Thương hiệu dự án Sunrise City của Novaland ở TP.HCM đã bị một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội mạo danh.

Thương hiệu dự án Sunrise City của Novaland ở TP.HCM đã bị một doanh nghiệp bất động sản ở Hà Nội mạo danh.

“Nhãn hiệu gồm 3 yếu tố là tên dự án, logo và slogan. Một nhãn hiệu bất động sản có thể bao gồm cả 3 yếu tố hoặc chỉ 2 yếu tố là tên dự án và logo hoặc tên dự án và slogan. Muốn tránh kiện tụng thì phải kiểm tra qua Cục Sở hữu Trí tuệ”, ông Hoàng nói.

Trao đổi với chúng tôi, Luật sư Nguyễn Hữu Quyền, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, hiện nay việc kiện cáo trong việc bảo vệ thương hiệu đang kéo rất dài. Điều này gây ra sự tốn kém về chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, trong khi luật vẫn còn hạn chế.

“Vì vậy, doanh nghiệp bất động sản đừng đợi ai mà trước hết phải tìm cách tự bảo vệ mình, chủ động đăng ký, bảo hộ thương hiệu và phải đăng ký một cách chuyên nghiệp. Chi phí để đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam trong thời gian 10 năm khoảng 2 triệu đồng”, ông Quyền nói.

Luật sư Quyền cho biết thêm, việc mạo doanh bán hàng là vi phạm điều 8 Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 về các hành vi bị cấm như gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản. Điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 về các hành vi bị cấm như lừa dối và gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo, cung cấp thông tin sai lệch, không chính xác về sản phẩm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp mạo danh còn vi phạm điều 8 Luật Quảng cáo năm 2012 về các hành vi cấm trong hoạt động quảng cáo như quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn. Điều 39 Luật Cạnh tranh năm 2004 về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như chỉ dẫn gây nhầm lẫn.

TRÀ GIANG

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương