Gần Tết, rộ lên nhiều website sửa chữa điện lạnh lừa đảo khách hàng

Đối tượng lừa đảo lập nhiều website có tên miền gần giống với website của các doanh nghiệp bán lẻ để nhận sửa chữa đồ điện lạnh rồi lừa đảo khách hàng.

Nhiều người sập bẫy

Anh Lê Mạnh Hùng (ngụ Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết, tủ lạnh thương hiệu Sharp nhà anh mua gần hai năm nay không còn lạnh như trước. Anh Hùng lên mạng, gõ từ khóa “sửa chữa tủ lạnh Nguyễn Kim” thì hiện rat trang web https://www.nguyenkimdienmay.com. Cứ nghĩ đây là website của siêu thị điện máy Nguyễn Kim nên anh Hùng yên tâm liên hệ theo số điện thoại trên website này.

Vào ngày 18/11, có hai nhân viên nam đến nhà anh Hùng. Sau khi kiểm tra tủ lạnh, nhân viên này cho biết do mainboard bị hư, cần phải thay mới với giá 1.680.000 đồng. Ngoài ra, do hơi gas bị yếu nên anh Hùng cần phải nạp thêm giá 1.000.000 đồng/180 lít. Sau khi sửa chửa xong, anh Hùng hỏi hóa đơn thì hai người nhân viên này nói là không cần, có gì thì cứ gọi điện thoại báo cho trung tâm.

Một website giả mạo siêu thị điện máy Nguyễn Kim từ địa chỉ website giống đến cả hình ảnh.
Một website giả mạo siêu thị điện máy Nguyễn Kim từ địa chỉ website giống đến cả hình ảnh.

Tuy nhiên, sau vài ngày tủ lạnh vẫn bị tình trạng như trước. Anh Hùng liên hệ đến website thì nhân viên hứa hẹn nhưng không chịu đến kiểm tra. Thậm chí, nhân viên còn cúp máy ngang và phủ nhận không có đến nhà anh Hùng để sửa chữa. Quá bực tức, anh Hùng đến thẳng siêu thị điện máy Nguyễn Kim đường Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình, TP.HCM) phản ánh thì đại diện siêu thị này khẳng định: trang web trên giả mạo thương hiệu Nguyễn Kim.

Theo tìm hiểu, hiện trang web trên có số điện thoại là: 08 6676 3121, ngoài ra còn số của một nhóm người khác như 0966 770 564 ( Thắng), 0933 341 406 (Uy), 0963 869 647 (Việt), 0982 085 903 (Cường). Địa chỉ trung tâm mà trang web kê khai là ảo và chỉ có 2 – 3 người sở hữu những số điện thoại trên. Gõ những số điện thoại trên vào Google thì thấy xuất hiện rất nhiều trang website như: https://www.suachuadienmaynguyenkim.com, https://trungtamnguyenkim.com và số điện thoại liên hệ cũng thuộc nhóm người trên.

Không chỉ là nạn nhân của các website giả mạo điện máy Nguyễn Kim, nhiều khách hàng còn là nạn nhân của các website giả mạo Điện máy Xanh. Chị Nguyễn Hồng Hạnh, Q.Tân Phú, TP.HCM kể, chiếc máy lạnh nhà chị bị mất lạnh nên chị cũng lên mạng tìm nhân viên của Điện máy Xanh để sửa chữa thì hiện ra website dienmayxanhhcm.com.

Sau khi gọi điện thoại thì khoảng 1 tiếng sau có hai nhân viên đến nhà chị Hạnh. Họ thông báo máy lạnh bị hết gas, nếu nạp nguyên máy lạnh có giá 1.500.000 đồng, còn nếu nạp lẻ thì giá 100.000 đồng/10ml. Chị Hạnh không nnghi ngờ nên đồng ý nạp cả nguyên máy lạnh. Hai nhân viên này cũng không xuất hóa đơn.

Sau 1 tuần, chị Hạnh thấy máy không còn làm lạnh tốt nữa nên gọi điện đến trang website trên để khiếu nại. Mặc dù nhiều lần gọi điện thoại nhưng điện thoại chỉ đổ chuông rồi sau đó bị ngắt. Tìm đến cửa hàng Điện máy Xanh để khiếu nại thì chị Hạnh mới biết mình bị lừa.  

Các siêu thị đành bất lực?

Đại diện Trung tâm mua sắm Sài Gòn - Nguyễn Kim cho biết, các hoạt động kinh doanh, bảo hành, thông tin liên hệ của Nguyễn Kim chỉ được cập nhật duy nhất tại website www.nguyenkim.com.  Khách hàng có nhu cầu mua sắm, bảo hành sửa chữa tại Nguyễn Kim truy cập vào địa chỉ duy nhất www.nguyenkim.com hoặc gọi số Hotline 1900 1267, bấm phím 1 để được tư vấn, không giao dịch qua số điện thoại cá nhân được đăng trên các trang mua bán, rao vặt.

Những website sau đây không phải của Nguyễn Kim: nguyenkim.info, dienmaynguyenkim.com, dienmaynguyenkim.com.vn, suachuanguyenkim.com, trungtammuasamnguyenkim.com, nguyenkim.net.vn, dienmaynguyenkim.vn, dienmaynguyenkim.net, sieuthinguyenkim.net, sieuthidienmaynguyenkim.com, Trungtamdichvudienmaynguyenkim.net, Trungtamsuachuanguyenkim.net, Dienmaynguyenkimvn.com.

Đại diện Điện máy Xanh cũng cho biết, qua phản ánh của các khách hàng là nạn nhân, Điện máy Xanh phát hiện có 6 website giả mạo sử hương hiệu này, gồm: dienmayxanhhcm.com, baohanhdienmayxanh.com, trungtambaotridienmayxanh.com, dienlanhdienmayxanh.com, suachuadienmayxanh.com.vn, trungtambaotridienmayxanh.com. Hiện tại, bộ phận pháp chế công ty đã bắt đầu tiến hành các thủ tục pháp lý khởi kiện đối với các website trên theo luật nhà nước Việt Nam về vi phạm bản quyền.

Theo Điện máy Xanh, những website giả mạo nhưng lịch sử được thành lập chỉ từ 1 năm trở xuống đều giả mạo bởi website Điện máy Xanh được thành lập từ năm 2011. Hiện đơn vị này chỉ có một website chính thức là dienmayxanh.com, đã được đăng ký Bộ Công thương chứng nhận có dấu check xanh cuối trang website. 

Khi nhận được thông tin từ khách hàng, Điện máy Xanh sẽ gọi lại xác nhận thông qua những số điện thoại sau: Xác nhận đơn hàng online: (028) 3948.6789 - (028) 3622.1061. Chăm sóc khách hàng:  (028) 3812.8080 - (028) 3622.1063. Bảo hành sản phẩm: (028) 38.135.235 - (028) 3622.1065. Những số điện thoại khác không giống những số bên trên 100% là giả mạo Điện máy Xanh.

Có thể thấy, việc doanh nghiệp trùng tên hoặc cố tình ăn theo doanh nghiệp nổi tiếng xảy ra nhan nhản và thiệt hại với doanh nghiệp chân chính, những người tiêu dùng vô cùng lớn.

Song theo luật sư Nguyễn Hà Phong – Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, vấn nạn này khó dẹp bởi mặc dù pháp luật không cho phép sử dụng trùng tên doanh nghiệp nhưng chỉ cần có sự khác biệt một chút vẫn được chấp nhận.

“Pháp luật không cho đặt tên Sài Gòn - Nguyễn Kim nhưng chỉ đặt tên Nguyễn Kim (USA) hay “Điện Máy – Nguyễn Kim” vẫn được. Hoặc một doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh tại TP.HCM nhưng một doanh nghiệp khác tại Long An vẫn có thể sử dụng tên gọi này. Sự khác biệt nhỏ này có thể chỉ cơ quan đăng ký kinh doanh biết, còn người tiêu dùng không thể biết chính xác được. Và những tổn thất chỉ có người tiêu dùng và doanh nghiệp làm ăn chân chính phải chịu", luật sư Phong nói.

HOÀNG HẢI

Nở rộ lừa đảo giá trị chỉ vài trăm ngàn đồng

Nở rộ lừa đảo giá trị chỉ vài trăm ngàn đồng

Gần đây rộ lên hình thức lừa đảo thông báo trúng quà tặng từ các trang TMĐT, thậm chí còn phát hành thẻ tín dụng ảo để lấy tiền khách hàng.