Giáo dục ở Đức (Kỳ 2): Bài học về tình yêu thương, phải lý tính

Người lớn chúng ta phải tuân thủ những giới hạn để khi trẻ hiểu các giới hạn đó, trẻ sẽ tự tin biết mình được hay phải làm gì.

Lý tính nằm ngay trong cách đánh giá trẻ

Hồi thằng bé nhà tôi đi mẫu giáo, tôi hay tới trường cháu, ngồi nói chuyện với bà hiệu trưởng, vừa để học tiếng vừa để học cách nhìn nhận dạy dỗ trẻ ở lứa tuổi này – điều mà tôi dẫu từng đi dạy nhưng hoàn toàn mù tịt.

Bà Hahn hiệu trưởng vốn là một nhà tâm lý học trẻ em đã chỉ cho tôi cách phân tích các mối quan hệ ảnh hưởng lên tính cách một đứa trẻ.

Con tôi trong lớp hay chơi với Andreas một cậu bé cực kỳ dễ thương có bố là cảnh sát. Bà hiệu trưởng khuyên nên bảo con chơi với bạn khác nhiều hơn vì tính cách Andreas không vững vàng. Lý do nhìn thấy được ngay là do mẹ Andreas lúc đó đang bị căng thẳng quá mức vì mua nhà, dọn nhà, chuyển đổi môi trường sống, mất các mối quan hệ cũ ở nơi sống cũ trong khi chưa thiết lập được các quan hệ mới. Điều này tôi biết, vì đã từng phải an ủi mẹ Andreas khóc vô cớ chỉ vì stress. Theo bà Hahn và các giáo viên, việc Andreas chỉ thích chơi với một Lê Nam cho thấy Andreas bị phụ thuộc vào một tính cách mạnh hơn. Tôi được biết bà cũng từng khuyên mẹ Andreas điều này.

Mỗi trẻ là một thể độc lập, từ trong tính cách, thói quen hay khả năng khiếm khuyết. 
Mỗi trẻ là một thể độc lập, từ trong tính cách, thói quen hay khả năng khiếm khuyết. 

Hàng xóm cùng phố nhà tôi có một cháu trai cực kỳ đáng yêu. Dưới mắt người Việt, tôi thấy cháu được gia đình yêu thương chăm nom hiếm có, thật y như ở nhiều gia đình Việt Nam khá giả. Tuy nhiên, khi đã đến tuổi đi học, Paul vẫn ở mẫu giáo theo tư vấn của trường. Lý do: cháu chưa đủ tự lập theo đúng lứa tuổi để đi học. Thật bất ngờ, vì thằng bé lúc đó đã túc tắc đọc được do mẹ chỉ dạy trước ở nhà.

Xasa là một cậu bé người Việt, cháu một ông tướng gia đình khá giả, được chiều chuộng. Xasa rất nhanh nhẹn, đôi khi là nhanh quá, ví dụ như giật phắt cái kính thằng bé nhà tôi đang đeo quăng xuống hố cát rồi chạy. Theo cách nhìn nhận của giáo viên, Xasa không phải là trẻ tăng động mà là không biết phân biệt đúng sai.

Toàn bộ những hiểu biết về lứa tuổi của con mình, quan niệm về yêu thương con ở tôi bị lật nhào. Người Việt muôn đời dạy nhau về sự cần thiết phải “uốn nắn” trẻ từ lúc bé thơ. Không sai, nhưng uốn nắn thế nào?

Người Việt hôm nay bảo nhau về sự cần thiết của một không gian tự do cho con phát triển tính cách. Tự do nên hiểu như thế nào?

Đứa trẻ, dù do ta sinh ra, dù mang gen trội lặn của ta khi đã ra đời là một thực thể độc lập, độc lập từ những điều nhỏ nhất như thói quen ăn ị, độc lập trong khả năng và trong cả khiếm khuyết. Giáo dục phải thừa nhận và tôn trọng trẻ tuyệt đối trong tinh thần này, nhưng đứa trẻ nào cũng thuộc về các cộng đồng lớn nhỏ khác nhau, cho phép trẻ tự do làm gì, tự do tới mức độ nào để đứa trẻ được cộng đồng chấp nhận? Đấy là điều tôi học được từ bà hiệu trưởng trường mẫu giáo của con mình, đấy là những câu hỏi mà tôi phải tìm lời giải đáp qua từng ngày nhìn ngó.

Giáo dục là phải thừa nhận và tôn trọng tính độc lập của trẻ.
Giáo dục là phải thừa nhận và tôn trọng tính độc lập của trẻ.

Những giờ trò chuyện với các giáo viên trong trường mẫu giáo con học với tôi y như giờ học nghề đã giúp tôi cụ thể hóa các hiểu biết bà hiệu trưởng gợi mở. Từ họ, tôi biết rằng yêu thương con trẻ thì điều tối kỵ là chiều chuộng. Độc lập hiểu như tinh thần chi phối toàn bộ suy nghĩ và hành vi của trẻ không bao giờ hình thành qua chiều chuộng. Cho trẻ tự do muốn gì được nấy chỉ tạo nên thói vô lối tưởng mình là nhất. Một khi trẻ có thói quen ấy, khi không được thỏa mãn, trẻ sẽ quấy khóc, phá bĩnh gây chú ý, đến tuổi trưởng thành không được phép làm thế con người dễ có phản ứng đổ lỗi cho hoàn cảnh và các mối quan hệ xung quanh. Mà ở đời chả ai thoát được thất bại lúc này lúc khác, càng chẳng dễ tìm ra ai sẵn lòng chịu trách nhiệm cho mình.

Chỉ ra cho trẻ biết các giới hạn trong ứng xử

Do đó, như tôi nghe và đọc được qua các câu chuyện và các cuốn sách liên quan, một điều nhất định phải làm là chỉ ra cho trẻ biết giới hạn trong các ứng xử xã hội. Vượt qua các giới hạn không phải là tự do mà là vi phạm quyền lợi của cộng đồng. Với trẻ bé thì đó là quyền lợi của những người đang sống cùng mình ở trường ở nhà. Điều này phải thực hiện từng ngày, không được xuê xoa thay đổi tùy theo tâm trạng và điều kiện cụ thể.

Chỉ cho trẻ biết giới hạn trong cách ứng xử.
Chỉ cho trẻ biết giới hạn trong cách ứng xử.

Và, còn quan trọng hơn cả việc chỉ ra cho trẻ các giới hạn: Chúng ta, người lớn cũng phải tuân thủ nó. Hiểu các giới hạn, trẻ sẽ tự tin biết mình được hay phải làm gì.

Tự do con tôi được dạy ở đây không như chúng ta hình dung. Tự do là tự do chọn lựa và chịu trách nhiệm về lựa chọn đó. Nghe thì xa xôi, nhưng họ thực hiện rất dễ dàng. Ví dụ: thực đơn có ba món, trẻ chọn món cho mình, sau đó không muốn ăn nhưng món khác hết rồi thì nhịn, không những thế, phải ăn cho hết đĩa của mình dù không thích. (Để giúp trẻ dễ dàng trong chọn lựa, người ta thường cho trẻ nếm trước từng món, và không bao giờ xúc đầy tú hụ, mà ăn tới đâu xin tới đó).

Không chiều chuộng vô lối, chỉ ra các giới hạn ứng xử, giáo dục từ mẫu giáo của Đức còn đặc biệt chú ý cung cấp cho trẻ hệ giá trị chung, không phải để làm thước đo hơn kém mà cốt lõi lại là giống và khác. Ngoài các giá trị chung nhất làm con người giống nhau, trẻ được phép trở thành “người khác”.

Điều này đặc biệt dễ thấy khi trẻ đến tuổi đi học phổ thông, bắt đầu nhận sự đánh giá qua việc học các kiến thức phổ cập.

Lê Minh Hà

Giáo dục ở Đức (Kỳ 1): Giáo dục phải tạo ra con người bình thường

Giáo dục ở Đức (Kỳ 1): Giáo dục phải tạo ra con người bình thường

Bài viết là những ghi chép cá nhân giúp bạn có một bức tranh tương đối đầy đủ về nền giáo dục mà nhiều phụ huynh quan tâm.