Vì sao nút giao Ngã Tư Sở thường xuyên ùn tắc?

Chuyên gia giao thông nhận định việc ùn tắc ở Ngã Tư Sở là tổng hòa của hàng loạt nguyên nhân.

Nút giao Ngã Tư Sở nhiều năm qua liên tục kẹt xe vào giờ cao điểm. Dù có đường vành đai 2 dưới thấp và trên cao hoàn thiện, cảnh ùn tắc ở đây vẫn diễn ra nghiêm trọng.

Chia sẻ với Zing, tiến sĩ Phan Lê Bình, giảng viên Đại học Việt - Nhật và là chuyên gia giao thông từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), cho biết đây là hậu quả của một loạt những bật cập tồn tại quanh nút giao Ngã Tư Sở.

Lối lên, xuống đường vành đai 2 trên cao cách Ngã Tư Sở khoảng 100 m. Ảnh: H.Q.
Lối lên, xuống đường vành đai 2 trên cao cách Ngã Tư Sở khoảng 100 m. Ảnh: H.Q.

Thứ nhất, đây là nút giao của các tuyến đường vành đai, các trục hướng tâm kết nối các khu vực như Hà Đông, Thanh Xuân, Cầu Giấy để vào trung tâm thành phố nên lượng phương tiện qua lại rất lớn.

Thứ hai, có khá nhiều các khu dân cư đông đúc như Khương Trung, Thượng Đình, Trung Liệt… quanh nút giao. Chưa kể là thiếu các trục hướng tâm song song để điều phối giao thông. 

Thứ 3, đường vành đai 2 được mở rộng dưới thấp, kết hợp với đường trên cao sẽ khiến một lượng lớn phương tiện dồn về đây. Trong khi trục chính của đường trên cao dừng lại ở phía đường Trường Chinh, các phương tiện muốn đi thẳng để sang đường Láng phải đi xuống nút giao, sau đó chờ các nhịp đèn rồi mới có thể đi tiếp.

Thứ tư, tại các nhánh rẽ từ đường Trường Chinh xuất hiện lối vào hầm đi bộ chắn 1 làn đường. 

Các nguyên nhân trên cho thấy dù các phương tiện muốn đi thẳng hay rẽ đều sẽ có những bất cập. Tất cả đổ dồn về một nút giao, sau đó cùng gặp đèn đỏ hàng chục giây và các hướng dẫn khác nhau sẽ gây ùn tắc. 

Theo Thiếu tá Đào Việt Long, Phó trưởng Phòng CSGT Công an Hà Nội, nguyên nhân nữa dẫn đến ùn tắc là cầu Thăng Long đang cấm để sửa chữa, các phương tiện được phân luồng đi theo hướng cầu Nhật Tân rồi xuôi theo vành đai 2 để vào thành phố.

Về vấn đề tại sao cơ quan quản lý lại thiết kế lối lên xuống gần nút giao, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết việc thiết kế đã được nghiên cứu rất kỹ và được thành phố phê duyệt thiết kế với mục tiêu phục vụ các phương tiện lưu thông được an toàn, thuận lợi. Trong quá trình vận hành dự án, Sở GTVT sẽ tiếp tục theo dõi để có những đánh giá tổng quan về phương án thiết kế trên. Từ đó, đơn vị sẽ phối hợp với Công an Hà Nội và các bên có liên quan rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với hiện trạng hạ tầng giao thông, giảm nguy cơ ùn tắc.

Tiến sĩ Phan Lê Bình cho rằng việc lối lên, xuống được thiết kế gần nút giao Ngã Tư Sở là điều gần như bắt buộc phải làm. “Các phương tiện đi trên cao sẽ chẳng được bao nhiêu đã phải xuống đường dưới thấp, điều này mất ý nghĩa đầu tư đường trên cao”, tiến sĩ Phan Lê Bình nói.

Chuyên gia giao thông cho rằng việc làm lối lên, xuống vượt qua Ngã Tư Sở để sang phía đường Láng là bất hợp lý. Lối xuống trước khi tới ngã tư sẽ giúp các phương tiện có cơ hội rẽ trái hoặc rẽ phải. Nếu lối lên, xuống ở phía bên kia đường Láng, xe phải quay đầu, gây xung đột giao thông lớn hơn.

Thanh Mai

Nút giao thông Ngã Tư Sở: Khi hệ thống hạ tầng giao thông khung hoàn thành theo quy hoạch sẽ giải quyết được triệt để ùn tắc giao thông?

Nút giao thông Ngã Tư Sở: Khi hệ thống hạ tầng giao thông khung hoàn thành theo quy hoạch sẽ giải quyết được triệt để ùn tắc giao thông?

Sau khi nhận phản ánh về việc đoạn đường Ngã Tư Sở vẫn xảy ra tắc nghẽn giờ cao điểm, PGĐ Sở GTVT Hà Nội đã trực tiếp đi kiểm tra.