45.000 phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của "femicide" chỉ trong 1 năm

Dữ liệu “cao đáng báo động” trên toàn thế giới về “femicide” cho thấy hơn một nửa nạn nhân bị giết bởi chồng, bạn tình hoặc người thân khác.

Theo số liệu mới của Liên Hợp Quốc (UN) về "femicide" (sát hại phụ nữ vì giới tính của họ là nữ), mỗi giờ có hơn 5 phụ nữ và trẻ em gái bị một thành viên trong gia đình giết hại vào năm 2021 .

Một báo cáo được công bố hôm 23/11 cho thấy 45.000 phụ nữ và trẻ em gái - hơn một nửa (56%) trong số 81.100 người - bị giết hại trên toàn thế giới trong năm 2021. Họ đã bị giết bởi chồng, bạn đời hoặc người thân khác. Điều này cho thấy nhà có thể không phải là nơi an toàn đối với nhiều phụ nữ và trẻ em gái.

  Một người phụ nữ cầm nến trong lễ rước đuốc chống lại vụ sát hại Anna Borsa vào ngày 1/3/2022 tại Pontecagnano Faiano, Ý. Ảnh: Getty Images

Một người phụ nữ cầm nến trong lễ rước đuốc chống lại vụ sát hại Anna Borsa vào ngày 1/3/2022 tại Pontecagnano Faiano, Ý. Ảnh: Getty Images

Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) và Văn phòng Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) cho biết con số này "cao đáng báo động", song số vụ femicide thực tế có thể cao hơn nhiều. Khoảng 4/10 ca tử vong vào năm 2021 không được tính là femicide vì không có đủ dữ liệu. Các số liệu chính thức về femicide hầu như không thay đổi trong thập kỷ qua.

Năm 2021, số lượng phụ nữ bị người thân sát hại cao nhất là ở châu Á, với 17.800 người. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy phụ nữ và trẻ em gái ở Châu Phi có nhiều nguy cơ bị các thành viên trong gia đình giết hại hơn. Tỷ lệ các vụ giết người liên quan đến giới tính tại nhà được ước tính là 2,5 trên 100.000 phụ nữ ở Châu Phi, so với 1,4 ở Châu Mỹ, 1,2 ở Châu Đại Dương, 0,8 ở Ch âu Á và 0,6 ở Châu Âu.

Theo nghiên cứu, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 vào năm 2020 trùng khớp với sự gia tăng đáng kể các vụ femicide ở Bắc Mỹ, Tây và Nam Âu. Dữ liệu từ 25 quốc gia ở Châu Âu và Châu Mỹ chỉ ra rằng sự gia tăng phần lớn là do các vụ giết người được thực hiện bởi các thành viên gia đình không phải là chồng hoặc bạn đời.

Giám đốc Điều hành UN Women Sima Bahous nhận định: "Đằng sau mỗi vụ femicide là câu chuyện đau lòng của một phụ nữ hoặc trẻ em gái. Những cái chết này có thể ngăn chặn được, với những công cụ và kiến thức đã có về vấn đề này. Các tổ chức quyền phụ nữ đã theo dõi dữ liệu và ủng hộ thay đổi chính sách và trách nhiệm giải trình. Chúng ta giờ đây cần các hành động phối hợp trong toàn xã hội để đáp ứng quyền được cảm thấy và được an toàn, ở nhà, trên đường phố và ở mọi nơi của phụ nữ và trẻ em gái".

Ghada Waly, Giám đốc điều hành UNODC, cho biết: "Không phụ nữ hay trẻ em gái nào phải lo sợ tính mạng vì chính con người của mình. Để ngăn chặn tất cả các hình thức sát hại phụ nữ và trẻ em gái liên quan đến giới tính, chúng ta cần tính đến mọi nạn nhân, ở mọi nơi, đồng thời nâng cao hiểu biết về các rủi ro và động cơ dẫn đến hành vi giết hại phụ nữ để đưa ra các biện pháp ngăn chặn và công bằng tốt hơn, hiệu quả hơn".

Theo Bárbara Jiménez-Santiago, luật sư nhân quyền và điều phối viên khu vực châu Mỹ của tổ chức quyền phụ nữ quốc tế Equality Now, dữ liệu toàn diện về femicide phải được tổng hợp và số liệu thống kê phải bao gồm các trường hợp tử vong do các hình thức bạo lực khác. Chẳng hạn, một phụ nữ tự tử sau khi bị cưỡng hiếp, hoặc một cô gái mang thai vì bị cưỡng hiếp và chết trong khi sinh.

Jiménez-Santiago cho biết nhiều quốc gia vẫn có luật phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái, bao gồm cả những luật cho phép cưỡng hiếp trong hôn nhân hoặc cho phép những kẻ hiếp dâm kết hôn với nạn nhân để tránh bị trừng phạt. Bà nói: "Ở một số nơi trên thế giới, bạo lực gia đình vẫn thường được coi là vấn đề riêng của gia đình. Cảnh sát và các công tố viên thường không xem các vụ việc này là nghiêm trọng và thường đổ lỗi cho nạn nhân. Điều này cản trở phụ nữ và trẻ em gái trình báo các hành vi sai phạm. Vì kẻ phạm tội không bị trừng phạt, điều này thúc đẩy một nền văn hóa khiến việc lạm dụng tiếp tục kéo dài".

Theo Anne Quesney, cố vấn cấp cao vận động cho quyền của phụ nữ tại ActionAid UK, những phát hiện này tương ứng với nghiên cứu của tổ chức. "Chúng ta cần các chính sách và luật pháp giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của bạo lực trên cơ sở giới và cần sự đầu tư thỏa đáng của chính phủ vào các dịch vụ công cộng", Quesney nói.

Phần lớn (81%) các vụ giết người trên toàn thế giới được thực hiện nhằm vào nam giới và trẻ em trai nhưng họ có rủi ro cao bị giết bởi người không là thành viên gia đình. Trong số tất cả các nạn nhân nam bị sát hại trong năm 2021, chỉ có khoảng 11% bị giết bởi bạn đời hoặc người thân.

Báo cáo của UN Women và UNDOC được đưa ra trước Ngày Quốc tế Xóa bỏ Bạo lực đối với Phụ nữ 25/11 và là một lời nhắc nhở rằng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một trong những vi phạm nhân quyền có ở khắp nơi trên toàn thế giới. 

Ngoài ra, chiến dịch 16 Ngày Hoạt động Chống lại Bạo lực trên Cơ sở Giới tính của năm nay cũng được bắt đầu từ ngày 25/11 và kéo dài đến ngày 10/12 - Ngày Nhân quyền. Chiến dịch thường niên này mở ra hàng trăm sự kiện trên khắp thế giới nhằm thúc đẩy nỗ lực chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái

Kim Ngọc/ Nguồn: Guardian, UN Women

977 doanh nghiệp nợ BHXH hơn 1.400 tỷ đồng tại TP.HCM

977 doanh nghiệp nợ BHXH hơn 1.400 tỷ đồng tại TP.HCM

Mới đây, BHXH TP.HCM đã công bố danh sách 977 đơn vị nợ Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng, với số nợ từ 300 triệu đồng trở lên.