5 loại giấy tờ nào nên cập nhật sau khi đổi CCCD gắn chip?

Số căn cước công dân (CCCD) có liên quan đến hầu hết các giấy tờ cá nhân của công dân. Vì vậy, để tránh gặp rắc rối trong việc thực hiện các giao dịch sau khi đổi CCCD gắn chip, người dân nên cập nhật lại thông tin trên 5 loại giấy tờ sau đây.

Hộ chiếu

Khi người dân đổi CMND 9 số sang CCCD gắn chip, số thẻ CMND sẽ bị thay đổi, chuyển từ 9 số sang 12 số. Người dân được cấp giấy xác nhận CMND cũ khi làm thủ tục này. Giấy xác nhận CMND này được sử dụng khi thực hiện các giao dịch trong nước. Tuy nhiên, khi xuất, nhập cảnh, hải quan một số nước có thể yêu cầu xuất trình thêm CCCD. Nếu thông tin không trùng khớp giữa 2 loại giấy tờ này, công dân khó có thể xuất hay nhập cảnh.

Vì thế, ngay sau khi được cấp CCCD và giấy xác nhận CMND cũ, người dân cần tiến hành đi sửa đổi các thông tin trên hộ chiếu. Việc sửa thông tin trên hộ chiếu khi thay đổi số CMND được hướng dẫn cụ thể tại Điều 6, 7, 8 Thông tư 29/2016/TT-BCA ngày 6/7/2016.

5 loại giấy tờ nào nên cập nhật sau khi đổi CCCD gắn chip? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Hồ sơ, thủ tục sửa đổi hộ chiếu bao gồm:

Hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 1 năm;

CCCD gắn chip mới được cấp;

Giấy xác nhận số CMND cũ đã được cấp trước đó;

Sổ tạm trú đối với trường hợp đề nghị đổi tại nơi đăng ký tạm trú.

Nơi nộp hồ sơ: Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thường trú, tạm trú hoặc Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an.

Thông tin đăng ký thuế

Khoản 2, Điều 36 Luật Quản lý thuế 2019 quy định người nộp thuế đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế khi có thay đổi thông tin đăng ký thuế thì phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thông tin thay đổi.

Do đó, trong trường hợp người nộp thuế là cá nhân đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế thì khi thay đổi thông tin đăng ký thuế (ví dụ CMND, CCCD…) thì phải thông báo đến cơ quan thuế để được cập nhật, chỉnh sửa.

Tài khoản ngân hàng

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, khi thực hiện các giao dịch tại ngân hàng, người dân bắt buộc xuất trình giấy tờ tùy thân có ảnh như CMND/CCCD/hộ chiếu còn hạn.

Vì vậy, khi chuyển sang CCCD gắn chip, người dân nên cập nhật, sửa đổi thông tin để thuận tiện hơn khi giao dịch tại ngân hàng.

Để thực hiện thủ tục cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng, công dân mang theo giấy xác nhận số CMND 9 số hoặc CMND đã cắt góc, thẻ CCCD mới được cấp đến ngân hàng mình mở tài khoản để được hướng dẫn các bước cụ thể.

Bảo hiểm xã hội

Sổ Bảo hiểm xã hội (BHXH), thẻ Bảo hiểm y tế (BHYT) của công dân không thể hiện trực tiếp thông tin số CMND/CCCD trên sổ, thẻ nên công dân không phải làm thủ tục đổi sổ BHXH, thẻ BHYT mới khi đổi từ CMND 9 số qua thẻ CCCD gắn chip 12 số.

5 loại giấy tờ nào nên cập nhật sau khi đổi CCCD gắn chip? - Ảnh 2.

Tuy nhiên, để thực hiện các thủ tục liên quan như tra cứu quá trình tham gia BHXH, hạn sử dụng BHYT…thì công dân cần làm thủ tục cập nhật thông tin hồ sơ BHXH, thẻ BHYT.

Hiện nay, trong số gần 65 triệu thẻ CCCD gắn chip đã được in và trả cho người dân, Bộ Công an đã phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tích hợp 36 triệu dữ liệu thẻ BHYT lên thẻ CCCD nhằm phục vụ người dân và cơ quan y tế xác thực thông tin công dân khi tham gia khám, chữa bệnh được thuận tiện.

Hiện tại, ngoài cách đến trực tiếp cơ quan Bảo hiểm xã hội, người dân có thể điều chỉnh thông tin CCCD thông qua Cổng dịch vụ công của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Cụ thể các bước cập nhật số CCCD như sau:

Bước 1: Truy cập Cổng dịch vụ công Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Bước 2: Đăng nhập tài khoản VssID cá nhân theo mã số bảo hiểm xã hội và mật khẩu do cơ quan Bảo hiểm xã hội cung cấp. Chọn mục "Thông tin tài khoản".

Bước 3: Nhập lại số CCCD và cập nhật lại ảnh mặt trước và mặt sau của CCCD mới.

Bước 4: Nhập mã kiểm tra và ấn Ghi nhận. Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ gửi cho người dùng một mã xác thực qua email mà người dùng đã đăng ký trên hệ thống VssID. Người dùng nhập mã xác thực và chọn Xác nhận để kết thúc quá trình.

Nếu hồ sơ hợp lệ, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ phê duyệt, cập nhật thông tin trên hệ thống.

Giấy tờ nhà đất

Điểm a, khoản 1, Điều 5, Thông tư 23/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 4, Điều 6 Thông tư 33/2017) có quy định về việc ghi thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (hay còn gọi là sổ hồng).

Thông tin ghi trên giấy chứng nhận bao gồm: Cá nhân trong nước thì ghi "Ông" (hoặc "Bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân (nếu có), địa chỉ thường trú.

Giấy tờ nhân thân là giấy CMND thì ghi "CMND số:…"; trường hợp Giấy chứng minh quân đội nhân dân thì ghi "CMQĐ số:…"; trường hợp thẻ CCCD thì ghi "CCCD số:…"; trường hợp chưa có Giấy CMND hoặc thẻ CCCD thì ghi "Giấy khai sinh số…".

Như vậy, thông tin số CMND/CCCD của người sử dụng, sở hữu đất đai được ghi nhận trong sổ hồng.

Việc thay đổi số CMND/CCCD không làm ảnh hưởng đến quyền sử dụng đất, không bắt buộc người sử dụng đất phải cập nhật thay đổi. Tuy nhiên, để tránh những rủi ro giao dịch mua bán sau này (nếu có) thì nên cân nhắc thay đổi lại cho khớp số trên thẻ CCCD gắn chip.

Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm:

Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT;

Bản gốc sổ đỏ đã cấp;

Bản sao CCCD mới.

(Tổng hợp)

AN LY