51,8% sinh viên và 30,2% cán bộ, giảng viên bị quấy rối tình dục

Theo khảo sát có 51,8% sinh viên và 30,2% giảng viên (tổng số 350 giảng viên được khảo sát) đã từng bị quấy rối tình dục.

Sáng 20/6 vừa qua, Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) đã tổ chức hội thảo công bố các kết quả hoạt động trong chương trình “Xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn” tại 3 trường đại học, gồm ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Hồng Đức và ĐH Sư phạm Thái Nguyên.

Báo cáo kết quả khảo sát được thực hiện trên 1.809 sinh viên và 350 cán bộ, giảng viên ở 3 trường đại học này.

Kết quả cho thấy có 51,8% sinh viên và 30,2% cán bộ, giảng viên đã từng trải nghiệm các hành vi quấy rối tình dục trong thời gian 1 năm học, trong đó hình thức quấy rối tình dục bằng lời nói như “có những lời tán tỉnh, làm quen, những cử chỉ, nhận xét hoặc trò đùa khêu gợi tình dục khiến người khác cảm thấy khó chịu” là phổ biến nhất ở cả sinh viên và cán bộ, giảng viên.

Ảnh minh họa. 
Ảnh minh họa. 

Trong khi với sinh viên, hình thức bạo lực kinh tế ít phổ biến nhất, thì với giảng viên hình thức bạo lực kinh tế xếp thứ 2 về mức độ phổ biến và bạo lực thể xác ít thể hiện nhất. Tỉ lệ sinh viên bị ép buộc quan hệ tình dục ở cả 3 trường chiếm tỉ lệ không nhiều, chỉ 1,2% - tương đương 21 sinh viên.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Lê Thị Lan Phương, cán bộ Chương trình chấm dứt bạo lực với phụ nữ (UN Women) cho rằng con số này chưa phản án được tình hình thực tế vì thường những vụ việc này bị che giấu. Thách thức lớn nhất để đạt được mục tiêu bình đẳng giới, không chỉ là vấn đề đặt ra với các bạn sinh viên mà với nhóm phụ nữ.

Bà Phương nhấn mạnh, theo khảo sát quốc gia đưa ra thì hơn 90% không tìm đến sự giúp đỡ nào và chỉ có hơn 50% chia sẻ với bạn bè, người thân. Vì vậy UN Women và các cơ quan khác đã có nhiều dự án truyền thông, nổi bật là dự án Khuôn viên trường học an toàn. Facebook của các bạn sinh viên có nhiều hoạt động như cuộc thi Lá thư chữa lành. 

"Thông qua những lá thư, những nạn nhân của bạo hành sẽ nhận được sự trợ giúp của các phòng tâm lý của trường, đồng thời họ có thể kết nối với các dịch vụ khác ở cấp quốc gia", bà Phương chia sẻ/

Bà Phương thông tin hiện UN Women, UNFPA (Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc) và UNICEF (Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc) đang phối hợp trong một dự án chung chấm dứt bạo lực cho phụ nữ và trẻ em giai đoạn 2021 - 2025.

"Trong chương trình đó, chúng tôi sẽ có 3 bộ công cụ dành cho giới trẻ gồm bộ công cụ xây dựng mối quan hệ tôn trọng bình đẳng trong trường học, bộ công cụ dành cho các bạn sinh viên và bộ công cụ về xây dựng khuôn viên trường đại học an toàn.

Trong thời gian qua, chúng tôi thực hiện thí điểm ở các trường đại học sư phạm bởi các bạn sinh viên ở đó sẽ tuyên truyền tinh thần bình đẳng đó đến các thế hệ học sinh tương lai. Sắp tới, các chương trình Safe Campus (khuôn viên an toàn) sẽ được mở rộng ra ở các tỉnh thành khác như TP.HCM, Điện Biên, Đà Nẵng và Hà Nội"

Khi được hỏi có kỳ vọng gì vào các bạn trẻ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới trong thời gian tới, bà Phương cho biết: "Bình đẳng giới là vấn đề lâu dài. Chúng tôi sẽ cố gắng tạo nên một thế hệ thanh niên nòng cốt thông qua bộ công cụ dành cho các bạn sinh viên. Thực tế đã có hơn 1.000 sinh viên nòng cốt được đào tạo bởi bộ công cụ này sẽ trở thành tuyên truyền viên cho chính bạn bè và giáo viên xung quanh".

Thanh Mai