Ăn Tết Sài Gòn

Trải qua những tháng ngày cực khổ, chông chênh của đợt dịch bùng phát dữ dội, nhiều người thấy niềm vui đôi khi giản đơn mà trước đó ta dễ phớt lờ.

“Mẹ ơi, Tết xong cả nhà con về quê nhé! Năm nay, ăn Tết Sài Gòn cho chắc ăn chứ giờ đi lại cũng hơi lăn tăn. Con thấy tình hình trong này đang tốt lên, mọi người được chích vaccine nhiều lắm nên mẹ đừng lo, qua Tết cả nhà con về mấy tuần luôn”, chị Giang (quận 12) vừa ngâm mấy miếng dừa non vào thau nước vừa gọi video call cho mẹ. Đầu dây bên kia, mẹ chị Giang đáp lại “Đúng rồi, ở yên đó ăn Tết, an toàn rồi về con nhé! Cứ mỗi ngày gọi điện cho mẹ là vui rồi”.

Sẽ ăn Tết bù

Nếu như mọi năm, không được về quê ăn Tết chắc gia đình chị Giang ôm nhau khóc. Mười mấy năm vào Sài Gòn học hành rồi làm việc, thậm chí cả khi có nhà cửa khang trang, gần Tết vợ chồng, con cái lại dắt nhau về quê. Mỗi năm, bọn trẻ nhà chị được về thăm nội ngoại hai lần, hè và Tết. Hè thì cả tháng chứ Tết về đâu dăm ba bữa lại đi. Nhưng phải về vì nếu không sẽ nhớ nhung đến chẳng làm được việc gì. Quê tận Hà Tĩnh, dòng họ đều ở đó, chỉ mỗi vợ chồng chị Giang quyết định lập nghiệp tại Sài Gòn, ai cũng ngóng trông.

Mười mấy năm như một, cứ sau 15 tháng Chạp, không khí trong gia đình chị Giang lại chộn rộn. Vợ chồng, con cái chia nhau người đi mua cái này, người sắm cái kia, đóng tận mấy thùng to để đem về quê biếu mọi người. Vui lắm! Như Tết đến sát cửa. Những lúc cùng nhau gói ghém hành lý, quà Tết, chồng chị Giang hay mở nhạc xuân để cả nhà cùng nghe. Sau 23 tháng Chạp, bốn người cùng nhau ra sân bay, bắt chuyến bay sớm nhất ngày để kịp ăn sáng cùng hai bên nội ngoại.

Năm nay, vợ chồng chị Giang bàn nhau và quyết định sẽ ăn Tết Sài Gòn. Lần đầu ăn Tết xa quê nhưng anh chị không buồn, bố mẹ hai bên cũng thấy an tâm. “Dịch dã vầy mình di chuyển nhiều sợ ảnh hưởng gia đình, thôi thì đợi sau Tết, tình hình ổn hơn cả nhà cùng về ăn Tết bù có sao đâu. Bây giờ công nghệ hiện đại nên đỡ lắm. Cả nhà chia nhau gọi điện cho ông bà nội ngoại mỗi ngày, nói đủ chuyện vui. Mình tin sau Tết mọi chuyện sẽ đỡ hơn, lúc đó về sẽ vui trọn vẹn hơn. Còn giờ, nhà mình đang lên kế hoạch để đón Tết an toàn nhất”, chị Giang vui vẻ nói.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Quê ở Khánh Hòa, năm ngoái, chị Trâm Anh (quận Bình Thạnh) đã phải hủy vé xe sát ngày vì dịch bùng tại Sài Gòn, tiếc hùi hụi. Vậy nên, năm nay thay vì cứ nơm nớp nghe ngóng tình hình, chị quyết định ở lại thành phố ăn Tết. Công ty bên lĩnh vực ăn uống, Tết cũng cần người nên chị đăng ký làm xuyên Tết, nghỉ bù sau rằm tháng Giêng. Hôm gọi điện về báo tin cho gia đình, chị sợ bố mẹ sẽ khóc, ít nhất cũng trách móc, nhưng không, cả nhà quay sang an ủi chị. Chị Trâm Anh nhớ lại: “Lúc đó tôi bất ngờ lắm, không nghĩ ba mẹ đồng ý liền và còn động viên tôi nữa. Ông bà dặn dò tôi đủ kiểu như đi làm phải đảm bảo 5K, phải giữ gìn sức khỏe. Cả nhà sẽ giữ sức để ăn Tết bù với tôi. Dịch bệnh có thể làm thay đổi kế hoạch nhưng tình cảm thì vẫn vậy đó, đong đầy và ấm áp. Nên ăn Tết trễ một chút, tôi thấy bình thường. Tôi sẽ tranh thủ tăng ca dịp Tết để lì xì cho ba mẹ nhiều hơn”.

Năm nay là cái Tết xa nhà đầu tiên của chị Diễm (quận Gò Vấp), nhưng có sao đâu. Chị Diễm nói, trải qua đợt dịch này, được sống vui khỏe cùng nhau đã là điều may mắn nên không còn câu nệ tết nhất như lúc trước. Tự nhận mình cầu toàn, mỗi khi gần Tết, chị Diễm chuẩn bị nhiều thứ đến kiệt sức. Chị yêu cầu quà cho người này phải như vầy, quà gửi nhà nội phải đủ đầy thế kia, cực lắm. Năm nay vẫn gửi quà Tết cho từng người trong dòng họ nhưng với chị, mọi thứ nhẹ nhàng, đơn giản hơn: “Tôi gọi điện về hỏi thăm xem mọi người muốn gì, cần gì để chọn cho đúng ý. Gần 20 tháng Chạp tôi sẽ đóng gói quà Tết và gửi bưu điện đưa về. Năm nay không ăn Tết quê cũng nhớ nhưng an toàn là trên hết. Đợi khi nào hết hẳn dịch, cả nhà tôi lại về”.

Cái Tết đặc biệt

Hôm rồi hai đứa nhỏ trong nhà thắc mắc, nếu không về quê thì Tết ở Sài Gòn làm gì cho hết thời gian, chị Diễm nhìn chồng mình - anh Long - cười tươi: “Dễ mà con. Chăm sóc cựu F0 kìa, rồi cùng nhau làm bánh mứt, đi ngắm đường phố Sài Gòn. Đường vắng thì càng thích, đỡ lo lây dịch nữa. Mình vẫn ăn Tết như thường, chỉ là không về quê thôi. Mẹ sẽ bày cho hai đứa mấy món ngon ngày Tết, đảm bảo rất thú vị nha”. Chồng chị Diễm vừa hoàn thành đợt cách ly Covid-19, vẫn chưa khỏe hẳn. Lúc anh bệnh, cả nhà lo sốt vó, sợ trở nặng. Nhưng may mắn, nhờ được tư vấn kỹ, một F0 nhiều bệnh nền như anh cuối cùng cũng thắng được Covid-19, bắt nhịp lại cuộc sống bình thường.

Bước qua giai đoạn căng thẳng nhất trong quá trình điều trị, anh Long thay đổi nhiều thứ. Trước kia, dù về một, hai ngày, anh cũng muốn vợ con về ăn Tết ở quê cho bằng được. Còn giờ, khi nghe con hỏi sao ba đồng ý hay vậy, anh chỉ cười hiền “Tết là ở đây chứ cần đi đâu cho xa. Cả nhà được khỏe mạnh bên nhau như vầy, ba mừng hơn Tết”. Năm nay, thay vì tất bật chuẩn bị quà Tết đắt đỏ, cập rập về quê, cả nhà anh sẽ đón Tết Sài Gòn. Đợi khi khỏe hẳn, sẽ dắt tay nhau về. Hôm bữa mẹ anh Long gọi vào, dặn kỹ: “Tết đừng về hay gửi quà nhiều quá. Ba mẹ với cô chú khỏe hết. Đợi Tết xong ba mẹ vào thăm cũng được, đừng lo nha. Ăn Tết ở đâu không quan trọng, quan trọng là cùng khỏe, cùng an toàn nghe con”. Nghe mẹ chồng nói, chị Diễm hiểu ra trước giờ mình tự tạo quá nhiều áp lực cho bản thân đến mức “sợ Tết”. Nhờ có dịch, chị mới thấy, chỉ cần được trọn vẹn yêu thương trong gia đình thì ngày nào cũng rộn ràng như Tết còn gì.

Ảnh minh họa: internet.
Ảnh minh họa: internet.

Bạn bè chị Giang nhiều người cũng chủ động ở lại Sài Gòn đón Tết nên năm nay mấy nhà sẽ hùn nhau nấu nồi bánh chưng, làm giò chả để có dịp hàn huyên. Chị Giang vừa đặt 20 con gà để chia đều cho các nhà, mỗi nhà hai con. Bạn bè chị, người xung phong tặng đào, tặng mai, người hứa mua mứt, làm rượu trái cây. Mỗi nhà ở mỗi quận, chia ra thăm hỏi, chúc Tết là đủ 10 mùng. “Tính ra vậy cũng hay vì chưa năm nào tôi được chuẩn bị Tết với bạn bè. Thường thì gần Tết ai cũng bận tiệc tùng, chuẩn bị quà cáp, năm nay mọi thứ đơn giản hơn rất nhiều. Tôi không thấy buồn, gia đình ngoài quê cũng vậy. Nấu bánh, làm mứt, hẹn nhau chúc Tết, chúng tôi sẽ giữ nếp sinh hoạt như xưa trong một cái Tết xa nhà để mấy đứa trẻ con vẫn vui, người lớn vẫn thấy ấm áp”, chị Giang cho biết thêm.

Nhìn thấy hình ảnh mẹt đu đủ, cà rốt mẹ vừa đem phơi ngoài quê với chảo mứt gừng vàng ươm đứa em gửi vào điện thoại, chị Trâm Anh nheo mắt cười. Năm nay, cả nhà cùng nhau làm quà Tết, gửi vào Sài Gòn cho chị. Năm ngoái hủy vé cập rập, sát ngày nên đâu chuẩn bị kịp. Mẹ chị hôm bữa còn dặn đi dặn lại, mua gì thì mua, đừng mua bánh tét vì cả nhà đã phần chị 5 đòn. Mẹ còn làm thịt ngâm mắm và đồ chua để chị nhâm nhi mấy ngày xuân. Nghe danh sách quà Tết được nhận từ quê, chị Trâm Anh rơm rớm nước mắt. Sợ con gái khóc, mẹ chị dặn liền: “Hông có khóc nhè nghen. Nhiêu đó đủ ăn tới mùng 10 à! Xong rồi khi nào được nghỉ phép về mẹ bù thêm cái Tết nữa. Cả nhà ngoài này khỏe, con cũng khỏe nữa thì Tết mới vui”. Nghe vậy, chị Trâm Anh bật cười, nụ cười hạnh phúc.

Nhiều người chọn không về quê đón Tết. Nhiều người chọn ở lại Sài Gòn ăn Tết trong một năm quá nhiều biến động vì dịch bệnh bủa vây. Thế nhưng, họ không quá buồn. Họ muốn cái Tết xa sẽ thành kỷ niệm đáng nhớ để sau này kể lại cho người nhà nghe. Trải qua những tháng ngày cực khổ, chông chênh của đợt dịch bùng phát dữ dội, họ thấy niềm vui đôi khi giản đơn mà trước đó ta dễ phớt lờ. Như chuyện ăn Tết, miễn thấy ấm áp, miễn thấy vui vẻ thì chẳng cần quá cầu kỳ, tốn kém. Nhiều gia đình còn nói, tính ra năm nay lãi, vì họ sẽ được ăn hai cái Tết. Ăn Tết Sài Gòn trước, sau đó dịch ổn lại về đón Tết quê.

Mỹ Dung

Hạnh phúc là hiện tại, nào phải chúc tụng đâu xa...

Hạnh phúc là hiện tại, nào phải chúc tụng đâu xa...

Có những sắc màu, những hương vị khác của hạnh phúc, không giống như một cái Tết truyền thống, khi được rong ruổi đường xuân.