Bà Angela Merkel chính thức khép lại 16 năm chèo lái 'đầu tàu châu Âu'

Được gọi là "mutti", người mẹ của đất nước, nữ Thủ tướng Đức Angela Merkel đã chính thức kết thúc 16 năm sự nghiệp ấn tượng của mình trên chính trường thế giới hôm 26/10.

Bất chấp tỉ lệ ủng hộ đang ở mức cao hơn 70% (nhờ cách ứng phó với đại dịch COVID-19 trong bối cảnh nhiều nước châu Âu xung quanh gặp khó khăn), nữ Thủ tướng Đức, bà Angela Merkel tuyên bố sẽ không tái tranh cử nhiệm kỳ 5.

Chúng ta cùng nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp của một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới.

z2881723461679_3b33db77875e9f00f134ed55a014ab26.jpg
Thủ tướng Angela Merkel được Forbes vinh danh “Người phụ nữ quyền lực nhất thế giới” trong nhiều năm. Ảnh: Reuters

Bà Angela Merkel sinh ngày 17/7/1954 tại Hamburg, Đức và trưởng thành trong một thị trấn nhỏ ở Đông Đức, phía bắc Berlin. 

Bà tốt nghiệp ngành vật lý và hóa học vật lý tại Đại học Leipzig năm 1978, đạt học vị tiến sĩ ngành hóa học lượng tử vào năm 1986. Bà làm việc tại Viện nghiên cứu Hóa Lý Trung ương, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đức từ năm 1978 đến 1990.

Khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, bà Merkel là một nhà nghiên cứu khoa học với bằng tiến sĩ hóa học lượng tử. Tuy nhiên, không lâu sau, bà rời bỏ công việc để gia nhập một nhóm chính trị mới được thành lập trong khu dân cư, bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình.

Từ khi bước vào con đường chính trị, sự nghiệp của bà đi lên nhanh chóng. Sau khi “Thức tỉnh dân chủ” gia nhập với Liên minh người Đức, một liên minh bảo thủ của các đảng Liên minh Xã hội Đức (DSU) và Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), bà Merkel trở thành Phó Chủ tịch CDU và lần lượt giữ nhiều vị trí bộ trưởng về phụ nữ và thanh niên, môi trường, bảo tồn và an toàn hạt nhân.

Từ năm 2000-2018, bà làm chủ tịch CDU. Ngày 22/11/2005, Bà Angela Merkel chính thức trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ Thủ tướng Đức, trong một cuộc bầu cử có kết quả sát sao mà không ai nghĩ Merkel “sẽ ở lại lâu”. 

z2881731816905_496a977a6d485c64ae20a0ea8137cc4d.jpg
Bà Merkel ngồi vào ghế Thủ tướng lần đầu tiên, tháng 11/2005 ở Berlin. Ảnh: Getty

Không chỉ là phụ nữ đầu tiên trở thành Thủ tướng Đức, tính đến năm 2006, bà còn là Thủ tướng trẻ tuổi nhất từ sau Thế chiến 2. Các cuộc thăm dò dư luận sau 100 ngày cầm quyền cho thấy Thủ tướng Merkel nhận được sự ủng hộ cao nhất trong các thủ tướng Đức từ năm 1949.

Khi Merkel trở thành Thủ tướng, tình hình khá ổn định. Nhưng không lâu sau, châu Âu đối diện với hàng loạt khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng nợ của khu vực đồng euro bắt đầu diễn ra vào cuối năm 2009, và Merkel dẫn đầu các nỗ lực để cứu đồng tiền chung này. “Nếu đồng euro thất bại, châu Âu sẽ thất bại", bà nói.

Trong cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp, bà Merkel thuyết phục các thành viên khu vực đồng euro cắt giảm chi tiêu công, nhằm cứu nước này khỏi nguy cơ vỡ nợ và ra khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Cuối cùng, dù rất khó khăn, Athens và EU đạt được thỏa thuận với sự chấp nhận của tất cả các quốc gia thành viên. 

Merkel trở thành gương mặt đại diện cho sự tiết kiệm của Bắc Âu. Bà "bị ghét" ở Hy Lạp khi họ bị buộc phải thắt lưng buộc bụng. Báo chí Hy Lạp so sánh bà với Hitler, và các chuyến thăm của bà đối mặt với các cuộc phản đối trong nhiều năm.

z2881754359467_4812d4ec7239884da73151bff4a0c554.jpg
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại một cuộc họp của Liên minh Châu Âu. Ảnh: Reuters

Cuối cùng, bà đã giúp Đức và khu vực đồng euro thoát khỏi mối đe dọa. Gần đây, bà cho biết đó là một trong những thành tựu lớn nhất của mình.

Có lẽ thời điểm quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của bà Merkel là vào năm 2015 khi số lượng người tị nạn đến châu Âu bắt đầu tăng lên. Nhiều người chạy trốn từ các cuộc nội chiến ở Syria và thực hiện hành trình nguy hiểm trên đường biển đến châu Âu.

Merkel đã mở cửa nước Đức. Lúc đó, bà đảm bảo với công chúng: "Chúng ta có thể làm được".

Nhưng lập trường thân thiện với người tị nạn của Merkel đã chia rẽ châu Âu và bị phía cực hữu Đức tấn công.

Vào thời điểm thế giới đối mặt với cuộc khủng hoảng mang tính lịch sử tiếp theo, bà Merkel đã học được tầm quan trọng của việc giao tiếp rõ ràng và thẳng thắn. Trong khi một số nhà lãnh đạo thế giới tỏ ra bối rối, Thủ tướng Đức nổi bật với cách tiếp cận dựa trên khoa học của mình.

Đại dịch đã bộc lộ một số khiếm khuyết của nước Đức, bao gồm sự thiếu linh hoạt, cản trở việc triển khai vaccine. Nhưng phần lớn người Đức vẫn ủng hộ sự lãnh đạo của bà Merkel trong thời kỳ này.

z2881740881777_892983c793245b6fe6009b2d8b7ae085.jpg
Thủ tướng Đức Angela Merkel được ủng hộ với cách tiếp cận chống dịch COVID-19 dựa trên khoa học. Ảnh: Reuters

16 năm cầm quyền của Merkel cũng chứng kiến ​​sự thay đổi trật tự thế giới. Washington gây áp lực buộc Đức phải có lập trường cứng rắn hơn đối với Nga và Trung Quốc. Nhưng lớn lên từ Chiến tranh Lạnh, bà Merkel đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tránh một cuộc chiến tương tự.

Bà cố gắng tách các vấn đề chính trị với Trung Quốc và Nga khỏi các vấn đề thương mại và kinh tế, vì vậy đôi khi Thủ tướng Đức cũng ở vị trí lạc lõng với các nước láng giềng châu Âu.

Đôi khi, mối quan hệ của bà với Tổng thống Nga Vladimir Putin trở nên căng thẳng. Dù Merkel không thích chó, ông Putin từng đưa chú chó Labrador của mình đến một cuộc họp song phương mà bà Merkel cho là để dọa bà.

Tuy nhiên, Merkel cho rằng điều quan trọng là phải duy trì các kênh đối thoại.

Từng là nhà khoa học và Bộ trưởng Môi trường, Merkel cũng chú trọng vấn đề khí hậu ngay từ khi mới lên nắm quyền. Bà đã chủ trì hội nghị Khí hậu đầu tiên của Liên Hợp Quốc tại Berlin và thuyết phục các nhà lãnh đạo khác của G8 chấp nhận cắt giảm khí thải nhà kính. Merkel được coi một trong những nhà lãnh đạo chính trị thành công nhất thế giới.

z2881792447195_26282e7096f8d26ed5f4d8a5ee75eb49.jpg
Thủ tướng Đức Angela Merkel và các chính trị gia trên thế giới. Ảnh minh họa.

Trong thời gian tại vị, nhà lãnh đạo của nền kinh tế lớn thứ tư thế giới này từng làm việc với 5 đời Thủ tướng Anh, 7 đời Thủ tướng Italia, 4 đời Tổng thống Pháp và 4 đời Tổng thống Mỹ.

Theo bình chọn của tạp chí Forbes năm 2006, Angela Merkel đứng đầu danh sách 100 phụ nữ nhiều quyền lực nhất thế giới, và giữ vị trí này trong 13 năm tiếp sau đó. Năm 2015, bà được tạp chí Time bầu chọn là nhân vật của năm bởi vai trò lãnh đạo của bà trong cuộc khủng hoảng nợ công, khủng hoảng người nhập cư châu Âu cũng như cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Năm 2017, Angela Merkel tiếp tục đắc cử thủ tướng Đức nhiệm kỳ 4 sau kỳ cuộc bầu cử 2017.

Nữ Thủ tướng sắp mãn nhiệm từng tuyên bố bà mong muốn dành nhiều thời gian hơn để nấu món bánh mận và súp khoai tây trứ danh của mình, ám chỉ bà không có kế hoạch đi diễn thuyết hay đảm đương một chức vụ nào khác. Tuy vậy, ngay cả khi Merkel có ý định rút lui hoàn toàn, bà sẽ tiếp tục có ảnh hưởng đến thế giới trong thời gian dài tới đây.

(Tổng hợp)

AN LY