Bắc Giang xuất khẩu gần 11.000 tấn vải thiểu sang Mỹ, Nhật Bản

Đến ngày 3/6, tổng sản lượng vải thiều Bắc Giang tiêu thụ đạt khoảng 31.366 tấn. Đến nay đã có 24 doanh nghiệp (với trên 6.000 lao động) đủ điều kiện sản xuất an toàn COVID-19 đã được cho phép  hoạt động trở lại.

Tiêu thụ 31.366 tấn vải thiều

Về tiêu thụ nông sản, vải thiều, đến ngày 3/6, tổng sản lượng vải thiều tiêu thụ đạt khoảng 31.366 tấn.

Trong đó, tiêu thụ trong nước trên 20.430 tấn, chiếm gần trên 65%; xuất khẩu 10.936 tấn tại Mỹ và Nhật Bản, chiếm gần 35%.

Trong ngày, tỉnh Bắc Giang đã thực hiện tiêm phòng vaccine COVID-19 cho lái xe, công nhân bốc xếp, thương nhân phục vụ công tác tiêu thụ vải thiều đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, theo báo Chính Phủ.

Hàng phụ trợ phục vụ tiêu thụ vải thiều tăng giá

Theo Phòng Kinh tế và Hạ tầng Lục Ngạn, thời điểm này tại Lục Ngạn có 112 điểm cân thu mua vải thiều, tăng hơn 50 điểm so với đầu vụ.

Vải được tiêu thụ chủ yếu lại thị trường phía Nam, hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc và xuất khẩu sang thị trường: Campuchia, Trung Quốc. Sản lượng xuất khẩu hơn 700 tấn/ngày, luỹ kế đạt hơn 4,4 nghìn tấn, trong đó xuất sang Trung Quốc 3.970 tấn (qua cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn: 1.445 tấn, Lào Cai: 2.525 tấn.

Giá vải dao động từ 10.000-30.000 đ/kg, cao nhất tại các điểm cân xã Tân Quang, Giáp Sơn, Phì Điền, Đồng Cốc. Giá vải sớm Thanh Hà từ 20.000-30.000 đồng/kg; vải U Hồng từ 10.000-20.000 đồng/kg (cao nhất tại xã Hồng Giang, Phượng Sơn, Giáp Sơn,...), tiêu thụ thuận l

Do lượng vải bán ra tăng nên các mặt hàng phụ trợ có xu hướng tăng, ghi nhận từ báo Bắc Giang, cụ thể: Giá thùng xốp to: 32.000-33.000 đồng/thùng; thùng xốp nhỏ giá từ 24.000-26.000 đồng/thùng, giá 2 loại thùng này tăng từ 2.000-8.000 đồng/thùng. Đá lạnh giá 27.000 đồng/cây, tăng 5.000 đồng/cây. Đá cây cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu đóng vải trên địa bàn và cấp cho huyện Tân Yên và tỉnh Hải Dương. Các mặt hàng phụ trợ khác ổn định, đáp ứng đủ nhu cầu.

vai-thieu-1-22123447.jpg

24 DN đủ điều kiện hoạt động trở lại

Về chỉ đạo hỗ trợ doanh nghiệp phòng chống dịch COVID-19 chuẩn bị điều kiện an toàn sản xuất, qua kết quả thẩm tra điều kiện an toàn phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp của Tổ công tác liên ngành của tỉnh, trong ngày 3/6 đã có thêm 9 doanh nghiệp đủ điều kiện an toàn sản xuất.

Như vậy, đến nay Bắc Giang đã có 24 doanh nghiệp (với trên 6.000 lao động) đủ điều kiện sản xuất an toàn COVID-19 đã được cho phép  hoạt động trở lại.

Trong ngày 3/6, tỉnh Bắc Giang cũng đã hoàn thiện và đưa vào thử nghiệm phần mềm quản lý và truy vết COVID-19 cho doanh nghiệp.

vai-thieu-ban-giang.jpg

Các ngành chức năng của tỉnh Bắc Giang tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp tiếp theo hoàn thiện các quy trình sản xuất an toàn; điều kiện về nơi ở tập trung trong doanh nghiệp; tập hợp đón công nhân về nơi ở tập trung để xét nghiệm COVID-19 và tiêm phòng vaccine trước khi đi làm trở lại.

Từ ngày 29/5 đến nay, Bắc Giang đã tiêm được 99.000 liều vaccine (riêng trong ngày 3/6 đã tiêm được trên 33.000 liều). Trong ngày, tỉnh đã được Bộ Y tế tiếp tục bổ sung thêm cho 10.000 liều vaccine.

Giãn mật độ công nhân tại Núi Hiểu

UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, đến 19h ngày 3/6, trên địa bàn tỉnh Bắc Giang còn 2 ổ dịch COVID-19 vẫn phát sinh thêm trường hợp F0. Tổng số trường hợp F0 là 2.828 trường hợp (tăng 145 trường hợp); F1 là 18.662 trường hợp; F2 là 82.262 trường hợp.

Cụ thể, ổ dịch tại Khu công nghiệp Vân Trung (liên quan đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) đã ghi nhận tổng cộng 384 trường hợp F0 (tăng 01 trường hợp). Ổ dịch này đã được kiểm soát, trường hợp mới phát hiện là các trường hợp chuyển từ F1 sang F0, đã ở trong khu vực cách ly, phong tỏa.

Tại Khu công nghiệp Quang Châu, đến nay, đã có 2.243 trường hợp F0 (tăng 131 trường hợp, đều trong các khu cách ly hoặc khu vực phong tỏa).

20210602210419-02.jpg
Công ty New Wing Interconect Technology (KCN Vân Trung) đang nỗ lực khôi phục sản xuất, kịp thời đáp ứng các đơn hàng tồn đọng do tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch. Ảnh: Báo Bắc Giang

Các ca mắc mới vẫn chủ yếu là công nhân và một số người nhà, người tiếp xúc gần, được phát hiện tại khu vực tập trung nhiều công nhân trên địa bàn huyện Việt Yên (các thôn Núi Hiểu, Quang Biểu, Tam Tầng), đã ở trong khu vực phong tỏa, cách ly y tế.

Tỉnh Bắc Giang dự báo trong những ngày tới, số ca nhiễm vẫn tiếp tục tăng song mức tăng có chiều hướng giảm và vẫn tăng chủ yếu trong nhóm công nhân ở các nhà trọ tại các thôn Núi Hiểu, Quang Biểu, tại các khu cách ly có công nhân đã từng ở trọ tại thôn Núi Hiểu. Các trường hợp F0 mới phát hiện chủ yếu đã được cách ly, theo dõi y tế, trong vùng phong tỏa.

Tỉnh Bắc Giang tiếp tục lên phương án giãn mật độ công nhân tại các khu nhà trọ thôn Núi Hiểu, dự kiến trong ngày 4/6 tiến hành di chuyển 2.800 công nhân trong khu vực này sang các khu cách ly tập trung khác trên địa bàn huyện Việt Yên để tránh lây nhiễm chéo.

(Tổng hợp)

GIA HÂN