Bạn biết gì về mạng 5G?

Mạng 5G cuối cùng đã được cung cấp bởi các công ty dịch vụ viễn thông. Công nghệ này “thay đổi cuộc sống” với tốc độ và khả năng phản hồi nhanh chưa từng thấy
Các công ty smartphone lớn như Samsung hiện đang đẩy mạnh đầu tư cho 5G. Ảnh: Chris Monroe/CNET. 
Các công ty smartphone lớn như Samsung hiện đang đẩy mạnh đầu tư cho 5G. Ảnh: Chris Monroe/CNET. 

Sau nhiều năm đầy biến động, mạng 5G cuối cùng đã được cung cấp bởi các công ty dịch vụ viễn thông. Được biết, đây là một công nghệ “thay đổi cuộc sống” với tốc độ và khả năng phản hồi nhanh chưa từng thấy. Tuy nhiên, ta cần hiểu được 5G là gì và cách mà 5G ảnh hưởng tới chúng ta.

Theo CNet trên thị trường cũng xuất hiện nhiều thiết bị 5G như: Samsung Galaxy S10 5G – smartphone được quảng cáo là có tốc độ siêu thực. Tuy nhiên, có lẽ bạn chưa nên mua những thiết bị này do chúng còn nhiều vấn đề liên quan tới tính tương thích, cũng như các vấn đề phát sinh do công nghệ mới.

5G vẫn cần thời gian để phát triển

Công nghệ 5G đã có rất nhiều cải thiện so với trước kia – ngày càng có nhiều dịch vụ hơn, với độ phủ sóng rộng hơn, xuất hiện tại nhiều thành phố hơn, cũng như có nhiều các thiết bị tương thích hơn. Tuy nhiên, 5G sẽ vẫn mất khá lâu để có thể bắt đầu thay đổi cuộc sống. Công nghệ này cũng đã phần nào bị chậm lại do ảnh hưởng của virus Corona, bởi người tiêu dùng ít hứng khởi hơn với việc tiêu pha cho những thiết bị công nghệ mới đắt tiền. Tuy nhiên, 5G vẫn đang dần trở thành hiện thực.

Verizon bắt đầu đầu tư vào lĩnh vực này 4 năm về trước, AT&T bắt đầu khởi động mạng di động chính thức mới vào cuối năm 2018, còn T-Mobile thì sẽ phủ sóng 5G toàn quốc kể từ tháng 12 năm nay.

Ngoài việc cải thiện về tốc độ, 5G cũng được coi là một công nghệ khai sáng, cụ thể là trong các lĩnh vực như xe tự lái, thực tế ảo (VR) và thực tế ảo tăng cường (AR), cũng như các dịch vụ y tế thông minh như phẫu thuật từ xa. 5G rồi sẽ kết nối mọi thứ, từ thiết bị nông nghiệp tới camera an ninh, và tất nhiên là cả smartphone.

Vậy 5G là gì và tại sao mọi người lại hào hứng về nó? Bài viết này sẽ giải thích ngắn gọn những lợi ích mà công nghệ này đem lại, ngoài việc có tốc độ nhanh hơn.

5G là gì?

5G là thế hệ công nghệ mạng di động thứ 5, được cho là đã cải thiện rất nhiều về tốc độ, độ phủ sóng và khả năng phản hồi của mạng không dây. Vậy tốc độ này cụ thể là bao nhiêu? Các nhà mạng như Verizon và AT&T đã cho thấy 5G có thể đạt tới 1GB/s.

Con số này là gấp từ 10-100 lần tốc độ kết nối hiện tại, thậm chí là nhanh hơn cả cáp quang trực tiếp. (Ở điều kiện lý tưởng thì điều này có nghĩa là bạn sẽ có thể tải cả một series phim chỉ trong vòng vài giây.)

5G chỉ có tốc độ nhanh hơn?

Đương nhiên là không! Một trong những lợi ích lớn nhất mà 5G đem lại là độ trễ thấp. Trong đó, độ trễ là thời gian phản hồi của thiết bị sau khi bạn nhấp vào một đường link, hoặc xem video trên điện thoại của mình – tức là thời gian yêu cầu được gửi lên mạng, nhận được phản hồi, và chuyển hướng bạn tới trang web/video cần xem.

Ở những mạng kết nối hiện tại, độ trễ thường ở khoảng 20 mili giây – một con số tương đối nhỏ. Tuy nhiên, 5G sẽ rút gọn con số này xuống chỉ còn 1 mili giây, tương đương một nháy trên máy ảnh.

Khả năng phản hồi là vô cùng quan trọng khi bạn chơi video game VR, hay khi một bác sỹ phẫu thuật đang điều khiển một cánh tay robot để thực hiện phẫu thuật từ xa. Ngoài ra, với 5G, những cuộc họp Zoom cũng sẽ không còn lag, và mọi người cũng sẽ không bị nói đè lên nhau. Tất nhiên, việc mạng lag cũng sẽ không biến mất hoàn toàn nếu bạn và đối tác đang ở cách nhau nửa bán cầu. Bởi lẽ, khoảng cách là vô cùng quan trọng và nó gây ảnh hưởng lớn tới việc truyền thông tin.

Bên cạnh đó, xe tự lái cũng sẽ có khả năng giao tiếp trên thời gian thực nếu 5G có thể phủ đủ sóng cho những phương tiện này.

5G còn đem lại lợi ích nào khác không?

Mạng 5G sẽ có thể kết nối nhiều thiết bị hơn so với bất cứ mạng nào trước đó. Hẳn là bạn đã nghe về khái niệm “Internet vạn vật”? Công nghệ 5G có thể kết nối mọi thiết bị xung quanh chúng ta, từ tủ lạnh, máy tính, cho tới vòng cổ cho thú nuôi.

Ngoài ra, 5G cũng được thiết kế để có thể vận hành các thiết bị doanh nghiệp, đồng thời có thể được điều chỉnh cho nhiều nhu cầu khác nhau. Ví dụ, các thiết bị cảm ứng trên máy móc nông nghiệp sẽ không cần phải kết nối liên tục, qua đó giúp kéo dài thời gian pin mà vẫn có thể gửi dữ liệu định kỳ.

5G hoạt động như thế nào?

Ban đầu, 5G sử dụng phổ cao tần với phạm vi hẹp hơn, nhưng dung lượng lại cao hơn, giúp bạn có thể truy cập trực tuyến nhanh hơn, tương tự như cụm phát sóng Wi-Fi được nâng cấp.

Tuy nhiên, do phổ cao tần dễ bị nhiễu, các nhà mạng hiện đang sử dụng phổ thấp tần để có thể truyền 5G ra xa hơn mà không bị ảnh hưởng bởi tường nhà cũng như các vật cản.

Vào hồi năm ngoái, Sprint (hiện trực thuộc T-Mobile) đã khẳng định rằng, công ty này đang sở hữu mạng 5G lớn nhất với băng phổ 2,5 GHz, có độ phủ sóng rộng nhất. Tuy nhiên, vào tháng 12, T-mobile lại công bố triển khai một mạng toàn quốc dùng phổ tần thấp hơn, có độ phủ sóng còn cao hơn. Hãng này hiện đang dự định dùng phổ 2,5 GHz của Sprint để gia tăng tốc độ cho mạng 5G của mình. Ngoài ra, AT&T cũng đã công bố một mạng 5G với các phổ tần thấp hơn, đồng thời khẳng định rằng hãng sẽ khởi động việc phủ sóng toàn quốc vào cuối mùa hè năm nay.

Tuy không phải lúc nào những công ty viễn thông cũng thực sự thành công đúng như dự định, mạng 5G vẫn là một cải tiến lớn so với mạng 4G LTE mà ta đang sử dụng ở hiện tại.

Có nhiều dạng 5G khác nhau?

Mặc dù phức tạp nhưng thực tế đúng là như vậy. Dải thấp tần – loại được sử dụng trong các mạng 3G và 4G đã giúp các nhà mạng đạt độ phủ sóng rộng hơn nhưng tốc độ của chúng lại không nhanh.

Ngược lại, chúng ta cũng có những dải cao tần, hay còn được biết đến với cái tên – phổ sóng milimet, được các nhà mạng như Verizon giới thiệu từ rất sớm. Những dải này cho tốc độ vô cùng cao, nhưng lại có phạm vi hẹp và dễ bị nhiễu khi xuyên qua cửa sổ và tường.

Ngoài ra còn có các phổ trung tần như dải phổ 2,5 GHz của Sprint. Đây cũng là phổ được sử dụng rộng rãi nhất trên thế giới bởi nó kết hợp tốc độ và phạm vi lý tưởng nhất hiện tại. Hiện nay, tại Hoa Kỳ mới chỉ có T-mobile sở hữu dạng phổ này.

Có thể sử dụng 5G ở đâu?

Câu trả lời còn tùy thuộc vào việc bạn đang dùng nhà mạng nào, ở đâu, và dạng 5G nào.

Rất nhiều quốc gia hiện đang sử dụng phổ trung tần nêu trên và độ phủ sóng đã được cải thiện đáng kể so với ban đầu. Tuy rằng vẫn còn nhiều điểm mà 5G không thể được sử dụng. Tại Mỹ, câu trả lời có phần phức tạp hơn.

T-mobile hiện là nhà mạng duy nhất có độ phủ sóng toàn nước Mỹ, nhưng nhà mạng này lại đang sử dụng phổ thấp tần với tốc độ không nhanh hơn đáng kể so với 4G. Hãng cùng từng khẳng định rằng, mạng 5G của mình nhanh hơn 20% so với mạng 4G hiện hành, song đa số người dùng lại cảm thấy như vậy. Tính tới nay, mạng 5G của T-mobile đã phủ sóng 6.000 thành phố và thị trấn trên khắp cả nước, tiếp cận hơn 2/3 dân số hiện tại của Hoa Kỳ.

AT&T cũng sử dụng dải thấp tần, dự kiến sẽ phủ sóng toàn quốc vào cuối hè năm nay. Theo thông báo mới nhất của công ty, AT&T sẽ phủ sóng 190 thị trường với sóng 5G phạm vi rộng – tương tự như mạng của T-mobile, nghĩa là sẽ không nhanh hơn đáng kể so với 4G.

Verizon thì lại chia sẻ rằng hãng sẽ sử dụng chính phổ tần của mạng 4G cho mạng 5G của mình trong nửa cuối năm, nhưng lại không chia sẻ kế hoạch chi tiết. Hãng hiện cũng đang sử dụng công nghệ Dynamic Spectrum Sharing (đổi làn tự do giữa 4G và 5G) để hiện thực hóa dự định này.

Khi nói về mạng 5G siêu nhanh sử dụng phổ cao tần thì Verizon đang dẫn đầu. Nhà mạng này gọi đây là mạng 5G UW, hiện đang phủ sóng 35 thị trường, với mục tiêu đạt 60 thị trường vào cuối năm nay.

Còn 5G cao tần của T-mobile hiện đang hiện diện trên 7 thành phố, trong đó bao gồm New York, Dallas, và Los Angeles. Công ty này cũng có lợi thế về công nghệ trung tần của Sprint – từng được hãng này khẳng định là mạng lớn nhất với phổ tần ở ngưỡng 2,5 GHz. Được biết, mạng 2,5 GHz này đã được sử dụng tại Philadelphia và New York và dự kiến sẽ được mở rộng thêm ở một số thị trường khác.

Các smartphone hiện hành có thể kết nối với 5G không?

Đáng tiếc là không. Để kết nối với 5G, ta cần có một bộ ăng ten riêng để truy cập được tới các băng thông cụ thể. Vào năm ngoái, Samsung đã cho ra đời chiếc Galaxy S10 5G kết nối được với mạng cao tần của Verizon. Còn năm nay, chiếc Samsung Galaxy S20 5G đã có thể tương thích với nhiều mạng hơn.

Đa số các dòng smartphone 2019 đều sử dụng modem X50 của Qualcomm, được thiết kế chuyên biệt, giúp kết nối tới các băng 5G cụ thể. Các dòng máy năm nay sẽ sử dụng một chip thế hệ 2 với khả năng kết nối được nhiều băng phổ hơn.

Trong năm nay, sẽ có nhiều điện thoại 5G được tung ra thị trường hơn, những điện thoại này sẽ kết nối được với nhiều mạng 5G hơn, bao gồm cả những mạng mới xuất hiện trong năm 2020.

5G có gây ảnh hưởng tới sức khỏe không?

Từ lâu đã tồn tại nhiều nghi vấn rằng mạng di động có thể gây ung thư. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại vẫn chưa có nhiều nghiên cứu trả lời cho những nghi vấn này.

Điều đó cũng đã làm dấy lên những lo ngại về 5G. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng các mạng di động này không thể gây ra phóng xạ đủ để làm hại tới tế bào người.

Dù vậy, đây vẫn là một mối lo lớn với nhiều người và là câu hỏi khó cho các nhà khoa học.

 

VIÊN VIÊN (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương