Một trong những phát hiện gần đây nhất, được công bố trong tập sách "Các nhà tiên tri, nhà thơ và học giả" do Nhà xuất bản Đại học Leiden ấn hành, đã hé lộ sự tồn tại của hai cuốn sách bị thất lạc của Apollonius, nhà toán học Hy Lạp vĩ đại, trong một bản thảo tiếng Ả Rập được lưu giữ tại Thư viện Đại học Leiden, Hà Lan.
![]() |
Ba loài mực nang và các loài động vật biển và trên cạn khác. Trích từ bản thảo tiếng Ả Rập Sách thảo mộc của Dioscurides. Nguồn: Thư viện Đại học Leiden. |
Apollonius - "Nhà hình học vĩ đại" và di sản bị thất lạc
Apollonius (262–190 TCN) là một trong những nhà toán học Hy Lạp vĩ đại nhất, được mệnh danh là "Nhà hình học vĩ đại". Ông nổi tiếng với tác phẩm "The Conics of Apollonius", một trong những công trình uyên bác nhất về toán học Hy Lạp cổ đại. Tác phẩm này đề cập đến các lý thuyết hình elip, parabol và hypebol, có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của hình học sau này.
Tuy nhiên, bộ sách "The Conics" gồm tám quyển này đã bị thất lạc một phần. Trong thời kỳ Phục hưng, các học giả châu Âu chỉ biết đến bốn quyển đầu. May mắn thay, hai quyển sách bị thất lạc và cực kỳ quan trọng – quyển 5 và quyển 7 – đã được tìm thấy trong một bản thảo tiếng Ả Rập được lưu trữ cẩn thận trong Thư viện Đại học Leiden (Hà Lan).
Bản thảo tiếng Ả Rập này là một phần trong bộ sưu tập gần 200 bản thảo của nhà toán học và Đông phương học người Hà Lan Jacob Golius (1596-1667). Ông đã thu thập chúng trong nhiều chuyến hải trình đến Trung Đông.
Golius là một nhân vật quan trọng trong việc kết nối văn hóa Đông - Tây. Ông là một trong những người Hà Lan đầu tiên đặt chân lên vùng Trung Đông và Bắc Phi, mang về những kiến thức và bản thảo quý giá cho châu Âu.
Các nhà khoa học tại Đại học Leiden đã giải mã các văn bản tiếng Ả Rập này và xuất bản chúng trong tập sách "Prophets, Poets and Scholars". 50 chương sách đề cập đến lịch sử mối quan hệ của Hà Lan với phương Đông, đặc biệt là Trung Đông và Bắc Phi, nhấn mạnh các cuộc tiếp xúc với bản thảo Ả Rập diễn ra vào đầu thế kỷ 17.
Việc giải mã và công bố các bản thảo này đã mang lại những hiểu biết mới về lịch sử toán học. Chúng ta biết được rằng các nhà khoa học Hồi giáo đã bảo tồn và phát triển những kiến thức toán học của người Hy Lạp, đồng thời có những đóng góp quan trọng vào lĩnh vực này.
![]() |
Bảng kinh độ và vĩ độ địa lý trong (một bản biên soạn lại sau này) sổ tay thiên văn của Ulugh Beg. Nguồn: Thư viện Đại học Leiden. |
Một ví dụ tiêu biểu là việc tìm ra lời giải cho một câu đố hình học Hy Lạp cổ đại từ gần nửa thiên niên kỷ trước khi các học giả châu Âu tìm ra lời giải. Nghiên cứu cho thấy lời giải của các nhà khoa học Hồi giáo nằm trong một bộ bách khoa toàn thư toán học đồ sộ "Book of Perfections", mà chỉ một phần nhỏ được lưu giữ.
Sự kết hợp giữa khoa học và yếu tố kỳ ảo trong các bản thảo Ả Rập
Một bản thảo tiếng Ả Rập khác từ thế kỷ 14 cho thấy các học giả Hồi giáo đã xác định tọa độ địa lý của ít nhất 160 thành phố với độ chính xác cao và biên độ sai số tối thiểu. "Tên của các thành phố được ghi bằng màu đen còn các số ghi màu đỏ là kinh độ tính bằng độ và phút, cùng vĩ độ ghi bằng độ và phút. Các số viết theo hệ thống chữ cái abjad được hầu hết các nhà thiên văn học sử dụng, trong đó một giá trị số được gán cho một chữ cái. Cột đầu tiên bắt đầu bằng các địa phương ở hai tỉnh Tây và Đông Azerbaijan ở Iran hiện đại."
Trong quá trình nghiên cứu và phân tích văn bản cổ, các nhà khoa học phát hiện các tác giả thường thêm thắt trí tưởng tượng trong lời kể của mình. "Tại đó phụ nữ có thể mọc trên cây, con người mọc ra tay ở chỗ chúng ta có tai, và có thể bắt gặp những hòn đảo chỉ độc có phụ nữ hay đàn ông sinh sống. Tất cả những điều này để lại dấu ấn trong di sản văn bản Trung Đông, và cũng tồn tại trong truyền thống tranh ảnh đi kèm".
![]() |
Bản thảo luận đầy đủ của Al-Biruni về mọi cách có thể để chế tạo một chiếc trắc tinh, hình vẽ cho "chiếc trắc tinh thuyền" và thảo luận về giả thuyết Trái đất quay. Nguồn: Thư viện Đại học Leiden. |
Chúng ta phải kể đến "Ajaib al-Makhluqat wa Khraib al-Mawjudat" (Kỳ quan sáng tạo và tính hiếm của các sinh vật còn tồn tại) của Ibn Muhammad al-Qazwini – bách khoa toàn thư đề cập tới những sinh vật nhỏ bé như bọ chét, giun, chấy rận cho đến các loài động vật kỳ lạ mang màu sắc bí ẩn và truyền thuyết.
Một số sinh vật chỉ có thể là sản phẩm tưởng tượng như con rùa bất động mọc lên um tùm cây cối giống như hòn đảo, là nơi các thủy thủ neo tàu – gợi người đọc nhớ tới sinh vật xuất hiện trong tác phẩm nổi tiếng "Những chuyến du hành của thủy thủ Sinbad".
Tuy nhiên, đôi khi người đọc phải thoát khỏi những ý niệm cố hữu để nắm bắt hình thái chân thật mà văn bản mô tả. Một trường hợp như vậy là sinh vật biển được Qazwini miêu tả: khuôn mặt của nó giống mặt người, nó có ria trắng, cơ thể giống ếch, tóc giống như lông đầu bò và kích thước tương tự con bê. Phải suy ngẫm lâu chúng ta mới nhận ra đây là mô tả hoàn toàn đầy đủ về con hải cẩu.
Hợp tác quốc tế để khám phá di sản
Mostafa Zahri, Giáo sư phân tích số và mô hình toán học tại Đại học Sharjah, cho biết "các bản thảo tiếng Ả Rập trong những thư viện phương Tây như Thư viện Đại học Leiden là kho lưu trữ vô giá về những thành tựu trí tuệ của nền văn minh Hồi giáo, nhất là trong toán học và hình học".
![]() |
Bản đồ châu Âu được tô màu bằng tay trong Katib Cele-bi, Kitab-i CiHAN-NUMA (The Cosmorama), do Ibrahim Muteferrika in, Istanbul, năm 1145 AH (năm 1732 CN). Nguồn: Thư viện Đại học Leiden. |
Tuy nhiên, dù chứa đựng khối lượng kiến thức phong phú như vậy, nhiều bản thảo vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Chỉ có sự hợp tác, số hóa và mở rộng quyền tiếp cận cho các học giả phương Tây và Ả Rập thì chúng ta mới có thể khai thác toàn bộ giá trị lịch sử và toán học của chúng, giáo sư Zahri cho biết.
Wilfred de Graaf, Điều phối viên giáo dục tại Đại học Utrecht, cũng đồng tình với ý kiến này. Ông nhấn mạnh rằng chỉ một phần nhỏ các bộ sưu tập bản thảo tiếng Ả Rập và Hồi giáo được nghiên cứu. Ông cho rằng các nghiên cứu trong lĩnh vực này hiếm hoi như vậy là do không có nhiều học giả phương Tây thông thạo các ngôn ngữ phương Đông như tiếng Ả Rập, tiếng Ba Tư và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ - ngôn ngữ viết thông dụng của hầu hết các bản thảo Hồi giáo.
Vào đầu năm nay, một hội thảo tại Đại học Sharjah ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã được tổ chức để hướng dẫn người tham gia phương pháp viết số theo hệ thống số abjad mà các học giả Ả Rập và Hồi giáo sử dụng. Trong đó, chữ cái đầu tiên trong bảng chữ cái Ả Rập gồm 28 chữ cái "alif" biểu thị 1 và chữ cái thứ hai "baa" biểu thị 2 đến 9. Các chữ cái khác biểu thị chín khoảng cách hàng chục và sau đó là hàng trăm, kết thúc bằng 1000.
Hội thảo này là một ví dụ điển hình cho thấy sự hợp tác quốc tế trong việc nghiên cứu và bảo tồn di sản văn hóa. Nó không chỉ giúp các học giả phương Tây hiểu rõ hơn về hệ thống số abjad, mà còn tạo cơ hội cho các học giả Ả Rập chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của mình.
Công bố thành tựu nổi bật trong nghiên cứu khảo cổ học tại Việt Nam
Kết quả nổi bật và quan trọng nhất trong nghiên cứu về di tích là nghiên cứu giải mã những bí ẩn về hình thái kiến trúc cung điện.