Chuyện ở bất cứ đâu
Theo Education Corner - Education That Matters (Mỹ) nghiên cứu và tổng hợp, bắt nạt đã trở thành một “bệnh dịch” lan rộng và gây nhiều ảnh hưởng: ở Mỹ có 90% học sinh từ lớp 4-8 đã từng bị quấy rối hoặc bắt nạt; 70,6% học sinh đã chứng kiến các vụ việc xảy ra trong trường học; 64% giấu chuyện với người lớn và hơn 10% bỏ học vì bị bắt nạt nhiều lần.
Tại Texas (Mỹ), một thanh niên 18 tuổi, Salvador Rolando Ramos do tật nói lắp và nói ngọng nặng đã bị bắt nạt trong suốt nhiều năm đi học, rồi dẫn đến bỏ học. Cùng với cả những tổn thương do gia đình gây ra, vài ngày trước, Salvador đã mang theo một khẩu súng ngắn và một khẩu súng trường đến trường tiểu học Robb và nổ súng, khiến 21 người thiệt mạng, trong đó có 19 nạn nhân là trẻ em.
Thống kê của Education Corner - Education That Matters cũng tiết lộ có khoảng 86% học sinh được khảo sát cho biết bị bắt nạt là lý do số một khiến thanh thiếu niên có hành vi bạo lực gây chết người ở trường học. Theo đó, động cơ chính trong các vụ xả súng ở trường học là để trả thù những kẻ bắt nạt mình.
Gia đình các nạn nhân đặt hoa bên ngoài trường tiểu học Robb. (Ảnh: Wally Skalij / Los Angeles Times / TNS) |
Đầu năm nay, tại Pittsburgh, Mỹ, một học sinh 17 tuổi ở trường trung học Brashear đã bị đánh đến bất động và phải nhập viện. Nạn nhân đã bị một nam sinh khác vật ngã xuống đất và liên tục tấn công vào mặt cho đến khi cảnh sát xuất hiện.
Năm 2018, tại trường nội trú Triveniganj (Bihar, Ấn Độ), ba mươi sáu nữ sinh trong độ tuổi từ 10-14 phải nhập viện vì phản kháng và chống lại quấy rối tình dục. Mọi chuyện bắt đầu khi họ đang vui chơi trong một khu thể thao và bị các cậu trai tuổi thanh thiếu niên chế nhạo, quấy rối bằng những ngôn từ không phù hợp. Guida, một nạn nhân chia sẻ: “Họ trêu chọc chúng em và viết những từ ngữ dơ bẩn lên tường của trường học”.
Ảnh: David Brossard |
Sau khi một số bạn nữ sinh đứng lên chống trả bằng cả lời nói lẫn hành động, nhóm nam thanh niên bỏ đi và quay lại cùng cha mẹ. Tất cả bọn họ dùng gậy tre và que sắt tấn công các cô gái, kéo tóc đuôi ngựa, đá và đấm các nữ sinh.
Một nghiên cứu của Tổ chức bảo vệ quyền trẻ em năm 2015 đã khảo sát các học sinh trong độ tuổi 12-17 và những người khác liên quan đến sự giáo dục của các em như cha mẹ, giáo viên ở Campuchia, Indonesia , Việt Nam, Pakistan và Nepal. Kết quả nghiên cứu dữ liệu của hơn 9,000 học sinh cho thấy cứ 10 em thì 7 người đã từng trải qua bạo lực học đường.
Ở Việt Nam, tháng 12/2021, tại Thanh Hóa, một nam sinh lớp 11 bị bạn khác lớp dùng gậy sắt vụt thẳng vào đầu trước sự chứng kiến của nhiều người, khiến nạn nhân bị vỡ sọ não. Tháng Ba vừa qua, tỉnh Hải Dương liên tiếp xảy ra bạo lực học đường khi có đến 3 vụ việc các học sinh đánh nhau trong một tuần, trong đó có hai nam sinh phải nhập viện.
Trong những năm gần đây, các chuyên gia nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa bạo lực học đường và vấn nạn tự tử ở trẻ. Theo nghiên cứu của Đại học Yale, các nạn nhân bị bắt nạt có nguy cơ tự tử cao hơn từ 2 đến 9 lần so với những người không phải là nạn nhân.
Tháng 11 năm ngoái, một bé gái 12 tuổi ở Tokyo (Nhật Bản) đã tự kết liễu đời mình sau khi bị bạn cùng lớp bắt nạt thông qua chức năng trò chuyện trên máy tính bảng của trường học. Được biết, đây là công cụ mà nhà trường phân phát cho mỗi học sinh để sử dụng làm công cụ học tập, song trong mục chat của thiết bị này, cô bé đã phải nhận rất nhiều lời miệt thị và bị gọi là “phiền phức”, “kinh tởm”.
Cũng trong năm 2021, bé gái 10 tuổi Izzy, là người da màu và mắc chứng tự kỷ tại Utah (Mỹ) đã tự tử vì bị bắt nạt, một bé trai 12 tuổi người Mỹ Drayke Hardman cũng đã lựa chọn cái chết sau một năm là nạn nhân của bạo lực học đường.
Bạo lực với con trẻ - Bài học hành xử cho người lớn
Một nghiên cứu về cảm xúc của cha mẹ khi phát hiện con mình bị bắt nạt đã cho thấy, ngoài sự đau khổ tột cùng, các bậc phụ huynh đặc biệt thất vọng, tức giận và bất lực khi nghĩ rằng nhà trường đã không làm đủ trách nhiệm. Có khoảng 81% cha mẹ cho rằng trường học nên có các biện pháp phản ứng nhanh hơn đối với vấn đề bắt nạt.
Trong trường hợp của cậu bé Drayke Hardman, gia đình đã lên tiếng về vấn nạn bắt nạt và cố gắng nâng cao nhận thức của mọi người thông qua phong trào #DoItForDrayke - một phong trào tôn vinh và quyên góp tiền cho đám tang của cậu bé.
Người mẹ chia sẻ khoảnh khắc cuối cùng của Drayke trên giường bệnh, sau khi gia đình phát hiện hành động tử tự và đưa đến bệnh viện. |
Tháng 1 năm nay, gia đình của nữ sinh 16 tuổi tự sát do bị bạo lực học đường đã kiện cảnh sát và trường học vì hời hợt trong việc bảo vệ con gái Lauren Lelonek của họ. Cô bé đã mất từ năm 2016 sau nhiều năm bị bắt nạt, cụ thể có ba lần bị tấn công về mặt thể chất và một lần bị đe dọa trên mạng xã hội. Đây được cho là lần đầu tiên xuất hiện sự việc như vậy đối với một trường học ở Anh vì học sinh tự tử do bị bắt nạt.
Trong cuộc tấn công thứ ba vào tháng 2/2016, Lauren đã bị mất từng mảng tóc, nhưng nhà trường đã liên hệ với cảnh sát và nói rằng sẽ tự giải quyết. Gia đình cô bé cáo buộc cảnh sát đã nhận được khiếu nại cùng những chứng cứ có độ tin cậy cao, song lại 'không điều tra được chính xác'.
Năm 2017, Mallory Grossman, bé gái 12 tuổi cũng đã chọn cái chết sau khi bị bắt nạt ở trường trung học Rockaway (Canada). Gia đình cô bé cho biết, họ đã nói chuyện với các quan chức trường học về việc con gái của họ đã bị các bạn cùng lớp bắt nạt trong nhiều tháng qua tin nhắn và các bài đăng trên mạng xã hội. Giờ đây, họ tin rằng nhà trường đã không làm đủ trách nhiệm để ngăn chặn sự việc. Bố mẹ của Mallory đã tuyên bố sẽ kiện trường học và thậm chí có thể là cả cha mẹ của những kẻ bắt nạt: “Cần phải có người chịu trách nhiệm”.
Bị bắt nạt ở trường vì chứng lùn của mình, Quaden Bayles, 9 tuổi, đến từ bang Queensland của Úc đã khóc lóc: “Đưa cho con một con dao, con muốn chết”. Mẹ của cậu bé, Yarraka Bayles đã quyết định quay và chia sẻ các video về việc con trai cô bị bắt nạt lên mạng xã hội, với mong muốn nâng cao nhận thức của mọi người về ảnh hưởng mà vấn nạn gây ra. Đoạn video đẫm nước mắt với ý định tự tử của Quaden đã đạt được 16 triệu lượt xem chỉ sau 3 ngày.
Quaden Bayles chỉ muốn là một cậu bé bình thường. Ảnh: Internet |
Gia đình của cậu bé 8 tuổi Gabriel Taye - người đã tự sát sau khi bị bắt nạt liên tục tại một trường học ở Ohio (Mỹ) đã được nhà trường đền bù 3 triệu đô la. Ngoài ra, một đài tưởng niệm Gabriel cũng sẽ được đặt tại sân trường tiểu học của em.
Câu chuyện đánh nhau của những học sinh một trường quốc tế ở TP Hồ Chí Minh những ngày qua cũng đặt câu hỏi về cách hành xử của người lớn. GS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, nhận định trong sự việc ở trường quốc tế ISHCMC-AA, cách hành xử của các bên phụ huynh đều kém văn minh. "Khi có những sự việc như thế này, thông thường ở các trường quốc tế, nhà trường sẽ nói chuyện riêng với từng học sinh để nghe kể sự việc từ những người có liên quan. Sau khi hiểu rõ sự việc, nhà trường sẽ trao đổi riêng với phụ huynh hai bên. Phụ huynh chỉ ngồi với nhau khi đã thực sự bình tĩnh, thiện chí để hoà giải và tìm hướng khắc phục trong tương lai", ông Vinh phân tích. Việc một phụ huynh đòi gặp học sinh bắt nạt con mình là điều không hợp lý: "Bạn đó tuy sai nhưng chưa đủ 18 tuổi, nhà trường cần bảo vệ trong trường hợp này.”
PGS. TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) cũng có quan điểm cần phải bảo vệ an toàn cho học sinh, bao gồm cả học bị bạn đánh và học sinh sai phạm.
“Chúng ta nên xác định là tất cả những việc mà chúng ta làm chủ yếu là để bảo vệ quyền lợi của những đứa trẻ, không phải chỉ của con mình mà cả những trẻ khác nữa”, PGS. TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Không thể thờ ơ coi nhẹ những mâu thuẫn học đường nhưng xử lý sao cho hợp lý lại là một việc khó.
Ngân hàng nhập cuộc hút tiền gửi với lãi suất cạnh tranh