Biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, có thể lây nhiễm sau hơn một ngày tiếp xúc

Người mắc bệnh nhưng không biết hoặc có khả năng tự khỏi nhưng đã lây bệnh cho những người khác trong thời gian mắc.

Giáo sư Phan Trọng Lân, Viện trưởng Pasteur TP HCM, cho biết biến thể Delta (B.1.167.2, phát hiện lần đầu ở Ấn Độ) được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem là có khả năng lây lan nhanh và làm giảm hiệu quả bảo vệ của vaccine.  Chủng Alpha (B.1.1.7, phát hiện đầu tiên ở Anh) lây cho đến 7 người, còn chủng Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha từ 40-60%.

Biến chủng Delta đang chiếm ưu thế trong đợt dịch thứ 4, đặc biệt ở các tỉnh miền trung và miền nam hiện nay, ghi nhận nhiều trường hợp có triệu chứng hoặc dương tính chỉ sau hơn một ngày tiếp xúc phơi nhiễm.

Biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, có thể lây nhiễm sau hơn một ngày tiếp xúc

"Chưa chắc chắn biến thể Delta gây bệnh cảnh nặng hơn, nhưng khi số mắc tăng cao, cũng như quá tải hệ thống y tế thì có thể dẫn đến tỷ lệ tử vong cao hơn", giáo sư Lân nói.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết, một biến chủng mới khi xảy ra sẽ có một nhóm có độc lực cao, một nhóm có độc lực thấp hơn. Nhóm virus độc lực cao sẽ gây triệu chứng bệnh sớm, người nhiễm được phát hiện, cách ly điều trị riêng, không có điều kiện để lây lan tiếp. Còn nhóm có độc lực thấp thường không biểu hiện triệu chứng bệnh, hoặc chỉ triệu chứng nhẹ, khó phát hiện khiến người bệnh trong cộng đồng nhiều, virus có cơ hội lây lan, sinh sôi tiếp tục.

Theo bác sĩ Hùng, Delta là biến chủng có tốc độ lây lây nhiễm cao hơn nhưng lõi virus vẫn như cũ, khác biệt thường ở trên các gai virus. Số lượng gai virus chủng này có thể tăng, dẫn đến khả năng gắn kết vào các tế bào của vùng hầu họng mạnh hơn, xâm nhập vào cơ thể gây nhiễm bệnh.

Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết biến chủng mới Delta khiến đợt dịch lần này phức tạp hơn. Người mắc bệnh nhưng không biết hoặc có khả năng tự khỏi nhưng đã lây bệnh cho những người khác. Do đó, việc truy tìm F0 tuy cần thiết nhưng trong tình hình hiện nay thì gần như là vô phương.

Hiện, Sở Y tế TP HCM tăng cường tổ công tác đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ cao như ga Tân Sơn Nhất, cảng hàng hải, bến xe, nhà ga..., giám sát phòng chống dịch trong khu công nghiệp, cơ sở khám chữa bệnh. Phương châm là "thần tốc", "truy vết", "khoanh vùng rộng" và "cách ly hẹp".

Thanh Mai