Vợ chồng tôi tuy không sống chung với bố mẹ chồng nhưng luôn lo lắng, quan tâm đến ông bà. Mỗi tuần, chúng tôi lại sắp xếp công việc để về quê một ngày. Thứ nhất là để 2 con được chơi với ông bà, thắt chặt tình cảm và sự yêu thương gia đình. Thứ 2 là để vợ chồng tôi mua sắm đồ ăn về nhà cho bố mẹ, tiện thể quan sát sức khỏe của ông bà. Khoảng cách hơn 80km nhưng dù nắng mưa, chúng tôi vẫn duy trì đều đặn thói quen đó. Trong khi đó, anh chồng và chị chồng lập gia đình, ở gần hơn nhưng lại ít về nhà hơn. Chỉ có những ngày lễ, giỗ cần có mặt, anh chị mới tập trung về. Lúc nào anh chị cũng nói bận công việc, bận chuyện này chuyện nọ; có khi còn nói thẳng rằng vợ chồng tôi là con út thì phải có nhiệm vụ chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ.
3 tháng trước, vợ chồng tôi biết chuyện bố chồng bị đột quỵ, dù được hàng xóm đưa đến bệnh viện kịp thời nhưng vẫn rơi vào tình trạng liệt nửa người. Bác hàng xóm gọi điện cho anh chồng để gọi anh ấy về nhưng anh ấy bảo đang đi công tác nên không về được. Bác hàng xóm gọi điện cho chị chồng, chị ấy cũng bảo bận chăm sóc mẹ chồng bệnh nên không về gấp được. Cuối cùng, bác hàng xóm gọi điện cho vợ chồng tôi. Chồng tôi gấp rút thu xếp công việc, con nhỏ gửi cho ông bà ngoại để về quê ngay.
Ảnh minh họa |
Trong 3 tháng nay, tôi xin nghỉ việc không lương để chăm sóc bố chồng. Chuyện vệ sinh cơ thể và thay quần áo cho ông thì mẹ chồng tôi làm. Nhưng sức khỏe bà cũng yếu, tôi ở quê để dọn dẹp, nấu nướng, lo thuốc men cho bố lẫn mẹ. Vả lại, có tôi ở quê, chồng tôi cũng yên tâm đi làm hơn và cứ chiều thứ 7, anh lại chở 2 con về quê với tôi. Còn anh chị chồng chỉ đến thăm nom, mua sữa bánh, trái cây cho bố chứ không chăm sóc ông được ngày nào.
Hiện tại, sức khỏe của bố chồng đã ổn định hơn. Và biến chứng của trận đột quỵ là ông vẫn bị liệt nửa người. Dù châm cứu, bấm huyệt vẫn không thể thay đổi chuyện này nên bố đành chấp nhận.
2 ngày trước, bố mẹ gọi điện cho các anh chị về quê ăn bữa cơm gia đình. Trước mặt các anh chị, bố mẹ đã lấy ra 2 cuốn sổ đỏ và một cuốn sổ tiết kiệm trị giá 500 triệu đồng giao cho vợ chồng tôi. Chúng tôi hốt hoảng từ chối, không dám nhận số tài sản quá lớn này. Nhưng mẹ chồng nói rằng ông bà đã bàn bạc và thống nhất sẽ để lại tài sản nhà đất lẫn tiền dưỡng già cho vợ chồng tôi. Điều kiện kèm theo là vợ chồng tôi phải chuyển về quê để sống cùng ông bà, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà khi về già.
Chuyện này thì vợ chồng tôi đã bàn tính hết rồi. Chồng tôi không dám để bố mẹ ở một mình nữa nên muốn xin chuyển công tác về chi nhánh ở quê, chấp nhận mức lương thấp hơn. Tôi cũng sẽ xin nghỉ việc ở công ty cũ, về quê mở cửa hàng buôn bán nhỏ. Với chúng tôi, sức khỏe của bố mẹ mới là quan trọng nhất.
Nhưng tôi không nghĩ đến chuyện nhận tài sản nhà đất cùng số tiền lớn như vậy. Dù các anh chị không nói gì nhưng vẻ mặt rất không vui. Tôi không biết bố mẹ chồng giao hết tài sản như vậy là thật lòng hay chỉ là đang "dằn mặt" anh chị chồng? Vợ chồng tôi có nên nhận hết không hay chỉ nhận một phần thôi?
Thấy mẹ chồng thường có những vết bầm tím trên người, tôi lén lắp camera thì đau thắt lòng khi chứng kiến cảnh khó chấp nhận
Cứ về quê, tôi lại thấy trên người mẹ chồng có vết bầm tím, không chỗ này thì chỗ khác.