Bộ trưởng Bộ Y tế: "Nguy cơ xảy ra dịch Covid-19 ở Việt Nam rất lớn"

Nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 ở nước ta rất lớn, các tỉnh, thành phố có đường biên giới với Campuchia cần hết sức chú ý.

Sáng 16/4, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chủ trì cuộc họp trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 với 700 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh: "Nguy cơ xảy ra dịch ở Việt Nam rất lớn. Chúng ta tuyệt đối không chủ quan, lơ là và triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch. Kiểm soát dịch trong năm nay là thách thức, khó khăn mà chúng ta phải nỗ lực hơn nữa".

 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long
 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long

Bộ Y tế cho rằng, biên giới Tây Nam, Tây Nam Bộ là khu vực nóng cần tăng cường kiểm tra việc phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, tất cả địa phương, nhất là lực lượng biên phòng, phải giữ chặt khu vực biên giới. Việc đi lại từ nơi này đến nơi khác rất dễ dàng, không thể đảm bảo giữ chặt biên giới an toàn 100%.

"Chúng tôi mong muốn các địa phương có biên giới chung với Campuchia hết sức lưu ý trong giai đoạn này", ông Long lưu ý.

Bộ Y tế đề nghị địa phương khi phát hiện người nhập cảnh cần thông báo cho cơ quan chức năng để cách ly ngay.

"Bài học bùng phát dịch Covid-19 từ Campuchia, Thái Lan cho thấy họ phát hiện ca bệnh trong cộng đồng từ khu vực đông người như quán bar, karaoke. Chúng ta phải tăng cường kiểm soát vấn đề này. Phát hiện ca nhiễm càng sớm bao nhiêu, dập dịch càng nhanh bấy nhiêu", Bộ trưởng Long nói.

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng chỉ ra các bài học kinh nghiệm qua các đợt dịch: Thứ nhất là cách ly tập trung. Bộ Y tế đề nghị các địa phương tuyệt đối không được nhân nhượng trong việc kiểm soát người cách ly tập trung.

Thứ 2 là phong tỏa, khoanh vùng. Ví dụ như TPHCM thời gian đầu, cơ quan chức năng thực hiện chính sách phong tỏa hàng loạt khu vực nguy cơ cao, khoanh vùng và xét nghiệm trên diện rộng.Sau khi có kết quả xét nghiệm diện rộng, ngành y tế dần dần thu hẹp khu vực phong tỏa. 

Thứ 3 là vấn đề truy vết. Bài học kinh nghiệm lớn từ Hải Dương là công tác truy vết được giao cho lực lượng công an. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ trao đổi với Bộ Công an và tập huấn cho toàn bộ lực lượng để thực hiện công tác truy vết.

Bộ Y tế đánh già hiện hầu hết địa phương còn lúng túng trong việc xét nghiệm diện rộng. Do đó, cơ quan này đề nghị các địa phương nhanh chóng nâng cấp năng suất xét nghiệm, lên kịch bản xây dựng bệnh dã chiến, điều phối nhân lực y tế, nhất là lực lượng lấy mẫu xét nghiệm.

Các tỉnh, thành phố cần triển khai tiêm chủng cho người dân theo chỉ đạo của Chính phủ trước ngày 15/5.

"Không được để bất cứ liều vacine nào phải hủy do hết hạn sử dụng mà địa phương không tổ chức tiêm chủng. Địa phương nào không hoàn thành tiêm thì chúng tôi thu hồi vaccine. Đây là chỉ đạo của Thủ tướng trong phiên họp Chính phủ ngày hôm qua", Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ Y tế cho biết Việt Nam sẽ tiếp tục tiêm vaccine của AstraZeneca. "Chúng tôi khẳng định Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào gặp tình trạng đông máu sau tiêm vaccine", Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo An toàn tiêm chủng đã được thành lập, gồm giáo sư, chuyên gia đầu ngành, để hỗ trợ, chỉ đạo địa phương xử trí trường hợp quá mẫn, nhất là xảy ra tình trạng đông máu sau khi tiêm vaccine Covid-19.

Thanh Mai