Ngày 14/4, Sở Y tế TP.HCM cho biết, tính từ đầu tháng 3/2023 đến nay, số ca mắc mới COVID-19 ghi nhận dưới 3 ca/ngày, trung bình 1 ca/ngày.
Trong tuần từ ngày 6/4 đến ngày 12/4 đã có 6 bệnh nhân mắc COVID-19. Tuy nhiên, ngày 12/4 ghi nhận 3 ca mắc mới và ngày 13/4 là 7 ca. Hiện đang có 12 bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện, không có ca bệnh nặng phải thở máy.
Theo báo cáo của Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) phối hợp với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM, tiến hành giải trình tự SARS-CoV-2 từ các bệnh nhân dương tính trong giai đoạn từ ngày 11/1/2023 đến 20/3/2023, kết quả có 5 mẫu được giải mã thành công.
Trong số này có 2 chủng thuộc biến thể phụ BA.5 (2/5, 40%), 1 mẫu BA.2.75 (1/5, 20%), 1 mẫu XBB.1 (1/5, 20%) và 1 mẫu XBB.1.5 (1/5, 20%).
Sở Y tế TP.HCM cho hay, XBB.1.5 hiện đang là biến thể chiếm ưu thế trên phạm vi toàn cầu (chiếm 47,1% số trường hợp trong tháng 3/2023, so với 39,8% trong tháng 2/2023). Biến thể XBB.1.5 đã được phát hiện ở 94 quốc gia.
Các dữ liệu phân tích hiện nay trên thế giới cho thấy không có báo cáo nào về mức độ nghiêm trọng cao hơn đối với các biến thể đang lưu hành, cũng không có báo cáo nào về việc gia tăng số ca nhập viện hoặc tử vong ở các khoa ICU do bất kỳ biến thể từ dòng XBB hiện đang lưu hành, theo chinhphu.vn.
Hiện nay, WHO xếp XBB.1.5 vào nhóm biến thể đáng quan tâm (Variant Of Interest - VOI), tiếp tục theo dõi chặt chẽ. Có 7 biến thể khác thuộc nhóm đang được theo dõi (Variant Being Monitored - VBM) bao gồm BA.2.75, CH.1.1, BQ.1, XBF, XBB, XBB.1.16 và XBB.1.9.1.
Như vậy, hiện nay chưa xuất hiện biến thể thuộc nhóm biến thể đáng lo ngại (Variant Of Concern - VOC) hoặc biến thể gây hậu quả nghiêm trọng (Variant Of High Consequence - VOHC).
Sáng 14/4, Bộ Y tế đưa ra thông điệp khuyến cáo biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, người dân, cộng đồng xã hội chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo Thông điệp 2K + vắc-xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác.
Cụ thể, với việc đeo khẩu trang, Bộ Y tế khuyến khích người dân dùng khi đến nơi công cộng. Ngoài ra, các trường hợp cần bắt buộc đeo khẩu trang gồm: Người có biểu hiện viêm đường hô hấp cấp, người mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID-19; các đối tượng (trừ trẻ em) khi đến nơi công cộng thuộc khu vực được công bố cấp độ dịch ở mức độ 3 hoặc mức độ 4; áp dụng cụ thể với một số địa điểm hoặc đối tượng theo Quyết định số 2447 của Bộ Y tế.
Về việc khử khuẩn, cơ quan này khuyến cáo người dân rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh; vệ sinh cá nhân sạch sẽ; vệ sinh môi trường nơi ở, nơi làm việc, học tập.
Người dân vẫn tiếp tục thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ và đúng lịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, cộng đồng vẫn cần tuân thủ sử dụng thuốc theo hướng dẫn của cơ quan y tế; tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 và khám bệnh khi có các dấu hiệu bất thường sau mắc COVID-19; sử dụng ứng dụng công nghệ theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, theo Zing.
Đặc biệt, theo Bộ Y tế, người dân cần nâng cao ý thức, chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, không phát tán thông tin xấu - độc, tham gia và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của cơ quan chức năng...
Chiều 13/4, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết hiện nay, tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam đang được kiểm soát, giảm các trường hợp bệnh nặng và đã qua 105 ngày không ghi nhận trường hợp tử vong.
Theo đánh giá sơ bộ về cấp độ dịch dựa vào số liệu (số ca mắc, tử vong, độ bao phủ vaccine, khả năng đáp ứng thu dung với quy mô toàn quốc), tất cả yếu tố đều là màu xanh và không vượt qua cấp độ 1.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thông tin biến thể phụ Omicron đang chiếm ưu thế. Các chuyên gia nhận thấy đây là biến thể có đặc tính lây lan nhanh, nhưng chưa có bằng chứng rõ ràng về tăng ca nặng. Việt Nam hiện tiếp tục thực hiện hiệu quả việc phòng, chống dịch COVID-19 với hình thức quản lý bền vững. Bộ Y tế đã và đang theo dõi chặt chẽ tình hình, không để bị động trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh.
(Tổng hợp)