Các chuyên gia quốc tế và Việt Nam chỉ cách cải thiện dinh dưỡng học đường để nâng cao tầm vóc người Việt

Ngày 12-10, tại Hà Nội, Viện Dinh dưỡng Quốc gia phối hợp với Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản tổ chức Hội thảo quốc tế Dinh dưỡng người Việt lần II.

Với chủ đề “Dinh dưỡng học đường”  sự kiện có sự đồng hành của Tập đoàn TH và Viện Dinh dưỡng TH, quy tụ hơn 300 đại biểu, bao gồm các chuyên gia dinh dưỡng và các nhà khoa học hàng đầu trong và ngoài nước, đại diện từ các cơ quan quản lý, các tổ chức quốc tế.

PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia
PGS.TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia

Chia sẻ tại hội thảo, PGS,TS Trần Thanh Dương, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, trẻ em Việt Nam đang phải đối mặt với 3 gánh nặng về dinh dưỡng: Suy dinh dưỡng thể thiếu (đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi); thừa cân béo phì và thiếu vi chất dinh dưỡng. Để giải quyết tình trạng này, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng giai đoạn 2021-2030, với những mục tiêu cụ thể nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho toàn dân, đặc biệt là nhóm trẻ em và thanh thiếu niên tuổi học đường.

Theo PGS,TS Trần Thanh Dương, để đạt được các mục tiêu đề ra, cần sự chung tay, nỗ lực của toàn thể cộng đồng, trong đó bên cạnh sự chủ động của  nhà trường, phụ huynh cần được trang bị kiến thức dinh dưỡng để giúp con em mình duy trì thói quen ăn uống lành mạnh.

GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản
GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản

Tại hội thảo, GS. Nakamura Teiji, Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng Nhật Bản đã trao đổi chi tiết về hành trình nâng cao thể trạng vượt bậc cho của người dân Nhật Bản. Theo GS. Nakamura Teiji, sau Thế chiến thứ II, tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng trở thành một vấn đề nghiêm trọng tại Nhật Bản. Nhằm giải quyết vấn đề này, Nhật Bản đã áp dụng chế độ ăn theo kiểu phương Tây, mang đến những bữa ăn giàu dinh dưỡng. Địa điểm mà người Nhật lựa chọn để cải thiện bữa ăn trước hết là trường học chứ không phải trong mỗi gia đình. GS.Nakamura Teiji khẳng định: “Bữa trưa học đường không chỉ đơn thuần là bữa ăn cung cấp dinh dưỡng, mà còn là dịp để giáo dục cho trẻ về thói quen ăn uống lành mạnh”.

Vào năm 2005, Chính phủ Nhật Bản đã ban hành  “Luật cơ bản  về Giáo dục thực phẩm và Dinh dưỡng ( Shokuiku Basic Act). Việc thực hiện Luật cơ bản Shokuiku đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển sức khỏe thể chất và tinh thần cũng như tính cách của trẻ. Việc thúc đẩy thực hiện Luật này góp phần đảm bảo tuổi thọ và đạt được cuộc sống năng động cho mọi người ở mọi lứa tuổi, điều quan trọng không kém là giáo dục mọi người quan tâm đến sức khỏe của mình.

ThS. Josselyn Neukom đến từ Trường đại học Pricetone
ThS. Josselyn Neukom đến từ Trường đại học Pricetone

ThS. Josselyn Neukom đến từ Trường đại học  Pricetone, Mỹ chia sẻ  tiêu chuẩn dinh dưỡng mới nhất cho bữa ăn  và đồ ăn vặt trong trường học ở Mỹ . Theo đó, khuyến khích  tiêu thụ các loại rau xanh đậm, rau củ màu cam, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt cùng với khuyến nghị về lượng đường, natri và chất béo bão hòa. Bằng chứng toàn cầu nhấn mạnh tầm quan trọng của các chương trình dinh dưỡng học đường trong việc nâng cao khả năng tiếp cận dễ dàng  và miễn phí rau củ quả và trái cây, ứng dụng phương pháp hcoj tập qua trò chơi và trải nghiệm, cung cấp phần thưởng và sự công nhận cho thói quen ăn uống lành mạnh. Những chia sẻ của ThS. Josselyn Neukom thật sự hữu ích cho Việt Nam.

PGS.TS Nguyễn Phương Mai đến từ Đại học Utrecht, Hà Lan
PGS.TS Nguyễn Phương Mai đến từ Đại học Utrecht, Hà Lan

PGS.TS Nguyễn Phương Mai đến từ Đại học Utrecht, Hà Lan gây hứng thú khi khẳng định bộ não thứ 2 của con người chính là “ruột” và 95% serotonin- một loại hormone liên quan đến điều chỉnh tâm trạng được sản xuất bởi vi khuẩn đường ruột. Chính vì vậy, chế độ ăn uống có ảnh hưởng trực tiếp đến sự đa dạng và thành phần của vi sinh vật đường ruột. Theo một nghiên cứu của Ejtahed và các đồng nghiệp (2024), thực phẩm có hại làm suy giảm hoặc biến đổi một cách tiêu cực quá trình sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh và song hành cùng nguy cơ gia tăng sự lo âu, lo lắng, trầm cảm. Từ phân tích của mình, PGS.TS Nguyễn Phương Mai khẳng định phải coi trọng bữa ăn học đường cho học sinh. Bởi, mối kết nối giữa não bộ và hệ thần kinh đường ruột có ảnh hưởng sâu sắc đến các chức năng nhận thức và sức khỏe tinh thần, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên. Việc xây dựng một hệ vi sinh vật đường ruột bằng thông qua bữa ăn học đường giúp học sinh không chỉ  phát triển thể chất mà còn nâng cao hiệu suất học tập và duy trì khả năng điều phối cảm xúc.

GS.TS. BS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức VN, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia 
GS.TS. BS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức VN, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia 

GS.TS. BS Lê Thị Hợp, Chủ tịch Hội Nữ trí thức VN, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia kể câu chuyện bà đã thấy các bữa ăn học đường của trẻ em một số nước trong những chuyến đi công tác nước ngoài. Trở về Việt Nam, thấy trẻ em thấp còi, bà mơ ước trẻ em Việt Nam cũng được uống sữa hàng ngày như một giải pháp để bổ sung dinh dưỡng. Cơ duyên đưa bà đến với Tập đoàn TH và thật vui mừng là người đứng đầu tập đoàn TH cũng có chung suy nghĩ như bà. Từ tháng 7/2013 đến tháng 6/2014, Tập đoàn TH cùng Viện Dinh dưỡng Quốc gia đi đầu trong việc nghiên cứu, thử nghiệm sữa tươi với công thức bổ sung vi chất dinh dưỡng cho lứa tuổi học đường. Mô hình đã được triển khai nghiêm túc, khoa học, minh bạch tại 12 trường mẫu giáo và tiểu học tại huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Sau 6 tháng triển khai, kết quả thu được là cơ sở khoa học quan trọng để xây dựng Chương trình Sữa học đường . Với kinh nghiệm của một chuyên gia dinh dưỡng, GS.TS.BS Lê Thị Hợp khẳng định dinh dưỡng học đường có vai trò rất quan trọng. Đầu tư vào dinh dưỡng học đường đã và đang là một chiến lược bài bản để cải thiện tầm vóc, thể lực của trẻ trong độ tuổi tiền học đường và học đường, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực quốc gia trong tương lại.

Đồng quan điểm với các chuyên gia quốc tế phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Lê Thị Hợp  cho rằng  việc luật hóa, chính sách hóa các vấn đề về dinh dưỡng  học đường tại Việt Nam là cấp thiết, cần có giải pháp bền vững và đồng bộ. Điều này không chỉ giúp chuẩn hóa bữa ăn cho học sinh, chuẩn hóa quy trình chế biến, tăng cường nhận thức dinh dưỡng lành mạnh để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe cho thế hệ tương lai mà còn là căn cứ để quy định cho những người làm công tác dinh dưỡng học đường được đào tạo bài bản; đưa các kiến thức dinh dưỡng vào các bài học chính khóa; tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường trong lĩnh vực dinh dưỡng. Bên cạnh đó, việc ban hành hệ thống văn bản quy phạm đồng bộ sẽ tạo điều kiện, môi trường để có chuỗi cung ứng thực phẩm lành mạnh, thúc đẩy việc cung cấp và sản xuất thực phẩm an toàn.

Tại hội thảo, đại diện cho đơn vị đồng hành, Anh hùng Lao động Thái Hương, nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH bày tỏ: “Tại Việt Nam, có thể nói TH là đơn vị khởi xướng và đồng hành cùng Chính phủ, các cơ quan ban, ngành từ những ngày đầu xây dựng, triển khai các chương trình dinh dưỡng Quốc gia. TH là đơn vị tiên phong trong Chương trình Quốc gia Sữa học đường, đi đầu trong việc xây dựng mô hình kết hợp với nghiên cứu, thử nghiệm sản phẩm “Sữa tươi tiệt trùng sữa học đường TH true MILK”.

Anh hùng Lao động Thái Hương, nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH 
Anh hùng Lao động Thái Hương, nhà sáng lập - Chủ tịch Hội đồng chiến lược Tập đoàn TH 

Đây là sản phẩm đầu tiên được Bộ Y tế xác nhận hiệu quả trong nghiên cứu cải thiện tình trạng dinh dưỡng và vi chất dinh dưỡng của trẻ em, là cơ sở thực tiễn để ban hành tiêu chuẩn Sữa học đường trong Đề án Sữa học đường Quốc gia, bằng Quyết định số 1340/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8-7-2016, góp phần giảm thiểu tình trạng đưa sữa không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm vào trường học". Ngoài ra, Tập đoàn TH phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo quốc tế và công bố “Đề án Dinh dưỡng” người Việt với 6 tiểu đề án hướng đến các nhóm đối tượng có nhu cầu dinh dưỡng đặc thù.

Theo ý kiến của bà Thái Hương: "Chúng ta cần một hành lang pháp lý cho dinh dưỡng học đường. Các nhà kinh doanh thực phẩm phải thực hiện sứ mệnh của mình cùng gánh vác trọng trách của đất nước về dinh dưỡng học đường. Ngoài vươn mình trong kinh tế, văn minh, thì phải vươn mình về tầm vóc, thể lực, chiều cao. Các nhà kinh doanh thực phẩm cũng phải có trách nhiệm trong vấn đề nâng cao tầm vóc- thể lực của người dân Việt Nam".

BTC tặng hoa các diễn giả
BTC tặng hoa các diễn giả

Nguyệt Nhi

Chương trình ‘Sữa học đường’ tiếp tục được triển khai tại Hà Nam

Chương trình ‘Sữa học đường’ tiếp tục được triển khai tại Hà Nam

Lễ phát động chương trình Sữa học đường tỉnh Hà Nam năm học 2020 - 2021 diễn ra trong không khí sôi nổi của học sinh cấp mầm non, tiểu học.