Các nhà báo nữ mạn đàm về chuyện nghề báo và hai chữ "Nhân văn"

Chiều 14/4, trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2022 đã diễn ra buổi tọa đàm với chủ đề "Chuyện nghề: Hai chữ nhân văn".

Chương trình do Nhà văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp cùng Báo Nhà báo và Công luận tổ chức.

5 Nữ nhà báo tản mạn về chuyện nghề và hai chữ
5 Nữ nhà báo tản mạn về chuyện nghề và hai chữ "Nhân văn". Ảnh: Hoàng Toàn

Chia sẻ ý tưởng thực hiện tọa đàm, Nhà báo Trần Thị Kim Hoa – Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam kiêm phụ trách Nhà văn hóa Hội nhà báo Việt Nam, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Hội Báo toàn quốc 2022 cho biết: 

“Khi chúng tôi nhận nhiệm vụ của Lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam giao về việc thực hiện chương trình bám sát chủ đề Hội báo Toàn quốc 2022 "Báo chí Việt Nam đoàn kết, chuyên nghiệp, hiện đại và nhân văn", tôi đã rất băn khoăn không biết làm cách nào để kể được những câu chuyện nhân văn mà các nhà báo đã viết lên bằng chính trái tim mình, bằng chính cuộc sống của mình đằng sau những trang viết, sau những tác phẩm báo chí.

Tôi nghĩ đến những tháng năm tôi làm báo tôi được chứng kiến những người chị, những người bạn, những người em của mình họ đã sống như thế nào? Họ đã thể hiện hai chữ nhân văn đẹp đẽ và cao thượng ra sao? Tôi nghĩ đến chị Phạm Thanh Hà – một nữ nhà báo tận tụy với xóm chạy thận Ngọc Hồi theo cách rất phụ nữ, rất đàn bà của chị. Tôi nhớ đến Mai Anh với câu chuyện của bé Thiện Nhân. Tôi nhớ đến chị Tuyết Nhung cùng chặng đường đến với những số phận nghèo khổ ở nhiều vùng đất nước. Hoặc là bạn Hoàng Anh – người đã đưa những bình oxi đến với những người bệnh mắc Covid-19 trong đại dịch. Và đặc biệt, chúng ta vừa chứng kiến một chương trình đã lấy của chúng ta rất nhiều nước mắt, vì sự cảm phục, vì sự yêu thương, vì tình người, đó là chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” mà nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên dẫn dắt… Với những trăn trở và suy nghĩ đó, tôi đã báo cáo với Hội Nhà báo Việt Nam xin được tổ chức chương trình Tọa đàm: “Chuyện nghề hai chữ: Nhân văn”.

Tại buổi tọa đàm, 5 khách mời là 5 nhà báo nữ đã chia sẻ rất nhiều câu chuyện vô cùng xúc động xung quanh nghề báo và những hoạt động thiện nguyện được các chị theo đuổi nhiều năm. Trên hành trình theo đuổi các hoạt động ý nghĩa đó, các chị không chỉ nhận được sự chung tay, ủng hộ của cộng đồng mà còn có sự hỗ trợ không nhỏ của các đồng nghiệp đang hoạt động trong ngành báo. Chính sự đồng hành, cỗ vũ, tiếp sức từ các đồng nghiệp đã góp phần không nhỏ cho sự thành công của các dự án thiện nguyện, góp phần tạo hiệu ứng tích cực với xã hội, lan tỏa lối sống đẹp trong cộng đồng và “thổi bùng” lên ngọn lửa của lòng nhân ái.

Nhiều năm gắn bó với chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly”, Nhà báo Nguyễn Phạm Thu Uyên – Giám đốc Công ty TNHH Xã hội nối thân thương không chỉ dừng lại ở việc phản ánh, kể lại những câu chuyện của những nhân vật mà còn là hành trình tìm kiếm, giúp đỡ cho hơn 1800 trường hợp có cơ hội được đoàn tụ với người thân và gia đình. Bằng chất giọng ấm áp, truyền cảm, chị đã mang lại cho người xem những cảm xúc sâu lắng để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng công chúng, góp công lớn trong việc kết nối cộng đồng, xây dựng một xã hội tử tế với những con người thiện lương giàu yêu thương.

Tại buổi tọa đàm, chị Thu Uyên chia sẻ kể từ khi ra đời vào năm 2007 đến nay, “Như chưa hề có cuộc chia ly” đã nhận được sự đóng góp của rất nhiều cá nhân, đơn vị bên cạnh đó không thể không kể tới sự góp sức của các đồng nghiệp báo chí. Đặc biệt là trong những giai đoạn khó khăn nhất chương trình tưởng chừng phải dừng hoạt động sản xuất thì “Báo Vietnamnet đã nói là không thể được và đã làm một tọa đàm để cho chúng tôi sống lại. Bây giờ vẫn cứ tiếp tục giúp chúng tôi như một nơi nhận quỹ”…. “Trong giới báo chí, các phóng viên đã làm cho chúng tôi rất nhiều và tôi thực sự biết ơn họ”.

Nhà báo Vũ Thị Tuyết Nhung – nguyên phóng viên Đài PT-TH Hà Nội, Đoàn Trưởng Đoàn Thiện nguyện Câu lạc bộ nhà báo nữ Việt Nam cũng là một nhà báo nữ năng nổ và nhiệt tình trong các hoạt động thiện nguyện. Bằng phương pháp hỗ trợ trực tiếp trong nhiều năm qua chị và Đoàn Thiện nguyện đã hỗ trợ cho rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn tại các bệnh viện, các nhà tình thương và các khu vực vùng sâu vùng xa. Tại buổi tọa đàm, chị Tuyết Nhung cho biết trên hành trình hoạt động thiện nguyện của mình chị cũng nhận được rất sự hỗ trợ của các đồng nghiệp ở các cơ quan khác.

Nhà báo Trần Mai Anh, nguyên Trưởng ban biên tập Tạp chí Heritage - người phụ nữ nổi tiếng với “Hành Trình Thiện Nhân” và câu nói: “Cổ tích sinh ra từ lòng người” chia sẻ: “Với hành trình Thiện Nhân mà chúng tôi đã đi qua trong suốt hơn 15 năm qua không thể nào tồn tại được nếu không có sự đóng góp công sức của muôn vàn những bài báo lay động lòng người”.

Nhà báo Phạm Thanh Hà chia sẻ câu chuyện về hành trình
Nhà báo Phạm Thanh Hà chia sẻ câu chuyện về hành trình "xin từng giờ máy xúc" để làm con đường Đồng Mậm. Ảnh: Hoàng Toàn

Tại buổi tọa đàm, nhà báo Phạm Thanh Hà – Tổng Biên tập Tạp chí Phụ nữ Mới đã chia sẻ câu chuyện về hành trình xây dựng con đường nối đất liền với “ốc đảo” giữa hồ thủy điện Cấm Sơn. Chị và những người bạn đã nảy ra sáng kiến khác lạ, kêu gọi hỗ trợ bằng “giờ máy xúc”. Nhờ sự hỗ trợ của rất nhiều người bạn và đồng nghiệp trong ngành báo, một con đường đất dài hơn 16 cây số (được quy ra 2000 giờ máy xúc tương đương khoảng 1 tỷ đồng) sau 4 năm đã hoàn thành giúp các em học sinh đi học đỡ vất vả, giúp mang điện, mang Internet, mang ánh sáng về cho mảnh đất Đồng Mậm (Sơn Hải, Lục Ngạn, Bắc Giang).

Lúc đó chúng tôi đã trông cậy vào đồng nghiệp vô cùng nhiều. Tôi và chị Đoàn Ngọc Thu ở Thông tấn xã Việt Nam đã gom góp từ bạn bè từ những đồng lẻ nhất, đã làm tất cả mọi thứ để có thể xin từng giờ máy xúc, nhích từng km đường. Sau này, ở trên xã họ nói rằng họ muốn gắn tên con đường là con đường nhà báo. Đây là hoạt động kết nối đồng nghiệp mà tôi thực sự rất biết ơn.” – Nhà báo Phạm Thanh Hà xúc động kể lại.

Nhà báo Hoàng Anh – Báo Đại biểu Nhân Dân, sáng lập viên và điều phối viên dự án "Trao oxy-Trao Sự sống", cũng chia sẻ cung cấp những câu chuyện xúc động quanh hành trình cung cấp oxy cho các khoa cấp cứu bệnh viện dã chiến, bệnh viện thu dung chữa trị bệnh nhân Covid-19 tại TP. Hồ Chí Minh. Dự án sau đó cũng giúp đỡ thêm được 6 tỉnh thành khác tại miền Tây và Đông Nam Bộ.

Tại sự kiện, các khách mời cũng nêu ra vấn đề hiện nay các tòa soạn, cơ quan báo chí đều có những chương trình thiện nguyện, nhân đạo, nhưng đa phần là những chương trình độc lập, chưa thực sự có sự liên kết, tận dụng tối đa sức mạnh và sự cổ vũ của tất cả làng báo. Do đó có rất nhiều điều tốt đẹp, nhiều chương trình thực sự ý nghĩa chưa lan tỏa được tới nhiều người và cộng đồng.

“Tôi mong muốn là sẽ có sự liên kết tốt hơn giữa những người làm báo và những người làm thiện nguyện để có thể giúp đỡ được nhiều mảnh đời hơn, để cho nước mắt đỡ rơi” – Nhà báo Phạm Thanh Hà chia sẻ.

Tham dự sự kiện và tặng hoa các khách mời, nhà báo Lê Quốc Minh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đánh giá cao ý nghĩa của cuộc tọa đàm này trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2022. Ảnh: Hoàng Toàn
Tham dự sự kiện và tặng hoa các khách mời, nhà báo Lê Quốc Minh - Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, đánh giá cao ý nghĩa của cuộc tọa đàm này trong khuôn khổ Hội Báo toàn quốc 2022. Ảnh: Hoàng Toàn

Diệu Thuần - Hoàng Toàn

Hội Báo toàn quốc 2022: Tôn vinh, quảng bá các sản phẩm báo chí

Hội Báo toàn quốc 2022: Tôn vinh, quảng bá các sản phẩm báo chí

Hội Báo toàn quốc là dịp biểu dương và động viên những cống hiến lớn lao của các đơn vị, cá nhân, các tổ chức, doanh nghiệp.