Đài Bắc, thủ phủ kinh tế của đảo Đài Loan hiện là nơi có hệ sinh thái xe điện phát triển đến mức, bạn có thể tìm thấy trạm thay pin ở hầu hết các tuyến phố chính. Đây không chỉ là thành tựu về giải pháp công nghệ xanh, mà còn là minh chứng cho việc áp dụng một chiến lược đồng bộ, bài bản và có hệ thống sẽ vừa cải thiện môi trường, vừa tái tổ chức lại giao thông đô thị theo hướng bền vững.
![]() |
Từ một đô thị ô nhiễm đến tham vọng xanh hóa giao thông
Đài Bắc, nơi sinh sống của gần 7 triệu dân, đứng trước áp lực nghiêm trọng về tình trạng ô nhiễm không khí. Năm 2017, trước bối cảnh chính quyền đảo Đài Loan chịu sức ép từ phía các tổ chức bảo vệ môi trường, đã đưa ra một quyết định mang tính cách mạng: từng bước loại bỏ xe máy xăng khỏi đường phố vào năm 2035 và tiến tới chấm dứt hoàn toàn ô tô sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2040.
Tại thời điểm đó, cả đảo Đài Loan có khoảng 14 triệu xe máy, sở hữu bởi 23 triệu dân. Đây được xem là nơi có tỷ lệ xe máy trên đầu người thuộc hàng cao nhất thế giới. Theo Bộ Kinh tế chính quyền Đài Loan, xe máy là thủ phạm gây ra hơn 20% lượng bụi mịn PM2.5, là một trong những tác nhân chính dẫn đến các bệnh về đường hô hấp.
Để hiện thực hóa tham vọng này, chính phủ đã triển khai gói đầu tư hơn 7 tỷ Đài tệ, gồm 4 tỷ Đài tệ được đầu tư vào xây dựng hệ thống trạm sạc và trạm thay pin; 2 tỷ hỗ trợ tài chính trực tiếp cho người dân đổi xe xăng 2 thì sang xe điện, và 1 tỷ còn lại dành cho nghiên cứu và phát triển pin và mô-tơ điện.
Số tiền trên được chính quyền đảo Đài Loan triển khai ngay từ đầu năm 2018, và chỉ sau 7 năm triển khai đã thu về những kết quả bất ngờ: Tỷ lệ phủ sóng trạm sạc và trạm thay pin xe máy điện tăng chóng mặt, từ 3.000 trạm sạc ban đầu nay đến lên đến hơn 30.000 trạm sạc trên phạm vi toàn đảo. Số lượng xe máy điện bán ra cũng tăng lên theo số liệu từng năm. Theo nhiều chuyên gia nhận định, việc đầu tư vào trạm sạc thay pin là bước đi “quyết định” giúp người dân dễ dàng tiếp cận với công nghệ của xe máy điện hơn.
![]() |
Giải pháp hạ tầng: Trạm thay pin phủ sóng toàn đô thị
Một lý do mấu chốt khiến xe điện thực sự khả thi tại Đài Loan không nằm ở bản thân chiếc xe, mà là hạ tầng đi kèm, mà cụ thể ở đây là hệ thống trạm đổi pin do các tập đoàn tư nhân đúng ra triển khai lắp đặt. Dẫn đầu tại Đài Bắc là hãng Gogoro, thương hiệu xe máy điện bản địa đã xây dựng hơn 12.000 trạm đổi pin trên toàn hòn đảo tính đến đầu năm 2025. Đáng chú ý, tại các thành phố lớn như Đài Bắc, Cao Hùng hay Đào Viên, số lượng trạm thay pin đã vượt cả trạm xăng.
Với hệ thống này, người dùng xe điện không cần sạc tại nhà hay chờ đợi hàng tiếng đồng hồ. Thay vào đó, chỉ cần dừng xe và thay pin đầy tại trạm trong vòng 30 đến 60 giây, thậm chí nhanh hơn cả việc đổ xăng truyền thống.
Không chỉ tại các khu vực công cộng, các trạm thay pin được đặt tại cửa hàng tiện lợi, bãi đỗ xe, thư viện cộng đồng và các tòa nhà văn phòng, điều này cũng khiến việc tiếp cận với xe máy điện trở nên dễ dàng với người dùng mọi lứa tuổi. Giải pháp này không chỉ giúp tiết kiệm thời gian, mà còn làm giảm chi phí đầu tư hệ thống trạm sạc nhanh vốn rất tốn kém.
Chính sách "mềm" nhưng hiệu quả
Song hành với hạ tầng cứng là loạt chính sách ưu đãi riêng mà chính quyền Đài Loan thúc đẩy nhằm đẩy nhanh hóa quá trình chuyển đổi, bao gồm: cung cấp biển số riêng; miễn hoặc thậm chí giảm phí đỗ xe ở các khu vực công cộng; thiết lập nhiều bãi đỗ chuyên dụng tại trung tâm thành phố; áp dụng gói thuê pin giá rẻ hoặc ưu đãi đặc biệt với người dân thu nhập thấp hoặc học sinh, sinh viên…
Quan trọng hơn, chính quyền hòn đảo đã tích cực tuyên truyền về tác động tiêu cực của xe xăng và lợi ích môi trường của xe điện. Nhờ vậy, một cuộc khảo sát vào năm 2017 cho thấy gần 60% người dân sẵn sàng chuyển sang xe điện nếu được hỗ trợ đúng cách.
![]() |
Bài học cho Việt Nam
Nhiều thành phố lớn của Việt Nam hiện nay cũng đang đối mặt với những vấn đề tương tự mà Đài Bắc từng trải qua cách đây một thập kỷ: ô nhiễm không khí đô thị gia tăng, mật độ xe máy quá cao và nhu cầu chuyển đổi năng lượng là cấp bách. Để có thể chuyển đổi hiệu quả từ xe xăng sang xe máy điện, Việt Nam rất cần một chiến lược dài hạn, xuyên suốt và sự hỗ trợ quyết liệt từ các cấp chính quyền để hệ sinh thái xe máy điện trở thành một phần của cuộc sống thường nhật.
Nếu có thể ứng dụng được cách mà Đài Bắc đã triển khai, Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành một quốc gia dẫn đầu Đông Nam Á về giao thông điện hóa. Chỉ cần nhà nước, doanh nghiệp và người dân cùng đồng lòng, từ quy hoạch hạ tầng đến thay đổi chính sách và thói quen sử dụng, thì cuộc cách mạng xanh sẽ thật sự khởi sắc.
TP.HCM đề xuất chuyển đổi xe xăng sang xe điện cho toàn bộ tài xế công nghệ và giao hàng hai bánh
Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã cơ bản hoàn thiện dự thảo Đề án “Chuyển đổi xe xăng sang xe điện cho toàn bộ tài xế công nghệ và giao hàng hai bánh tại TP.HCM”.