Mua căn nhà đầu tiên sau 5 năm cố gắng: Vợ là "tay hòm chìa khoá"
Cách đây 1 năm, Mai Thuý (34 tuổi, giám đốc công ty tại TP. HCM) đã hoàn thành một deadline quan trọng trong cuộc đời là xây xong trong căn nhà đầu tiên của gia đình, có giá trị 4.8 tỷ đồng. Đây là thành quả sau 5 năm nỗ lực làm việc và tiết kiệm chi tiêu của cặp đôi.
Mai Thuý chia sẻ: "Ở trong căn nhà do chính đồng tiền mồ hôi xương máu mình kiếm được, đầu óc rất thoải mái, tự tin, cảm giác hạnh phúc vô cùng".
Vợ chồng Mai Thuý |
Mai Thuý và chồng kết hôn từ năm 2016. Cả hai làm công việc ăn lương ổn định và không có gì đột phá. Một năm sau, cặp đôi đón em bé đầu lòng. Do có thời gian rảnh rỗi nên Mai Thuỳ tập tành bán hàng online. Cô kể lại: "Hễ cứ có thời gian là mình đăng bài để bán. Trộm vía có duyên với khách hàng nên bán được lắm. Tới giờ mình vẫn duy trì công việc này, nhưng là nghề tay trái thôi".
Đầu năm 2019, chồng Thuý dự định ra làm riêng và góp vốn mở công ty chung với bạn. Do là người có tính lo xa nên Thuý khuyên chồng giữ thêm cả công việc văn phòng hiện tại, song song với kinh doanh riêng. May mắn là công việc thuận lợi nên ít lâu sau, cặp đôi tích góp được khoảng 500 triệu đồng tiền tiết kiệm. Sau đó, họ mua một miếng đất coi như để tích góp, khi nào cần thì bán lại.
Giai đoạn năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát nên công việc khó khăn hơn rất nhiều. Do đó, Thuý quyết định tập trung kinh doanh online, còn chồng cô chọn nghỉ việc và dồn sức vào công ty riêng. Cuối năm 2020, cặp đôi bàn nhau tách ra làm riêng. Và mọi việc ổn định đến hiện tại.
Nói về bí quyết quản lý tài chính để mua nhà, vợ chồng mai Thuý chia sẻ quan điểm rõ ràng: Phụ nữ là tay hòm chìa khóa, là "nóc nhà". Do đó, nhiệm vụ vun vén thu chi trong gia đình đều do Thuý đảm nhiệm hết.
"Mình luôn biết, cái gì nên tiêu, cái gì nên chi, chứ không chi tiêu bừa bãi hay mất kiểm soát bao giờ. Mặc dù vậy, mình vẫn sống khá thoáng với mọi người xung quanh, mình chỉ keo kiệt với bản thân thôi!", Mai Thuý chia sẻ.
Căn nhà của vợ chồng Mai Thuý |
Mua nhà từ hai bàn tay trắng: Cần có kế hoạch tài chính cụ thể
Vợ chồng Thu Hằng (29 tuổi, Hà Nội) đang sở hữu 1 căn hộ officetel (hình thức căn hộ linh hoạt, vừa có thể ở vừa có thể biến tấu thành phòng làm việc) với diện tích 30m2 và có gác mái bé xinh. Cô nàng tâm sự, dù từng bị mọi người chê vì diện tích hẹp nhưng với cặp đôi, căn hộ không "nhỏ" chút nào vì họ từng gánh trên vai một đống nợ để mua nhà.
Được biết, Thu Hằng đang là nhân viên văn phòng, đồng thời sở hữu kênh blog chuyên chia sẻ về kiến thức tài chính và đầu tư. Nói về quãng thời gian đi qua, Thu Hằng cho biết bản thân đã có chặng đường tích lũy tài chính cá nhân rất dài, bắt đầu đi lên từ hai bàn tay trắng cùng "vài món nợ" - cho đến khi có nhà. Và bây giờ sau khi đã hoàn thành khoản nợ, hai vợ chồng cô lại rủng rỉnh trong chi tiêu, đồng thời sở hữu cho mình một vài quỹ đầu tư có tiềm năng.
Căn hộ của vợ chồng Thu Hằng |
Thu Hằng nhớ lại, lúc mới cưới vợ chồng cô bán 3 cây vàng được khoảng hơn một trăm triệu đồng. Cộng thêm cả tiền mừng và tiền tiết kiệm, họ có 300 triệu đồng. Sau đó, vợ chồng Thu Hằng hỏi mượn thêm 1 tỷ đồng nữa để mua căn hộ officetel. Nửa năm sau, cặp đôi mới gom xong tiền làm nội thất. Và kể từ thời điểm này, họ chính thức bước chân vào con đường dành dụm từng đồng một để trả nợ.
Sau khi cân đo đóng đếm, họ quyết định cho thuê căn hộ đó với giá 11 triệu đồng/tháng sau khi có nhiều người ngỏ lời. Bấy giờ, vợ chồng Thu Hằng nói với nhau: "Từ giờ lại có thêm một đầu lương nữa rồi!".
Cặp đôi dành hơn 3 năm để trả hết nợ từ thời điểm mua nhà. Trong thời gian đó, lương của chồng Thu Hằng tăng, trong khi lương của cô lúc tăng lúc giảm và không có con số cụ thể. Mà theo cách Hằng tổng kết lại: "Để mua được nhà, mình đã lên một kế hoạch vay nợ - trả nợ - tiết kiệm cụ thể nhất".
Trả xong nợ, vợ chồng Hằng vẫn cho người ta thuê lại căn hộ đó, trong khi họ đi thuê căn hộ khác rộng hơn để ở, có vị trí thuận lợi cho việc đi làm. Họ coi căn hộ officetel thuộc vào tài sản có khả năng sinh lời.
Sau khi thanh toán hết tiền mua nhà, cặp đôi tìm đến những kênh đầu tư khác vì nhận ra sức mạnh của lãi kép lớn. "Sức mạnh của lãi kép quá lớn, thế nên mình đã liệt kê ra rất nhiều danh mục đầu tư, khiến tiền đẻ ra tiền trong 'vô thức'", Thu Hằng nhận mạnh.
Hiện tại, họ xác định các sản phẩm tài chính đã và sẽ đầu tư trong tương lai gồm:
- Bảo hiểm: Tất cả các loại bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe, bệnh tật,... đều được vợ chồng cô xem xét kỹ lưỡng. Vì họ đánh giá chúng rất có lợi và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng về sai này. Đây sẽ là khoản tiền hỗ trợ tài chính cho gia đình cô và không bị tác động bởi biến số ngẫu nhiên nào.
- Các loại quỹ mở.
- Vàng và các loại tài khoản gửi tiết kiệm ngân hàng: Vợ chồng Thu Hằng gọi đây là dòng tiền trú ẩn. Dòng tiền này cô tính dành riêng để dùng trong trường hợp khẩn cấp. Thời điểm chưa cần dùng tới, thì những con số liên quan đến nguồn đầu tư này sẽ tiếp tục tiền đẻ ra tiền trong "vô thức".
- Quỹ lương hưu và quỹ giáo dục: Đây là loại tài khoản đầu tư mà họ dành riêng để phục vụ bản thân.
Thu Hằng cho hay, vợ chồng cô phân chia thu nhập thành nhiều danh mục đầu tư vì 2 nguyên do. Thứ nhất, họ không cần đem tiền dư đi trả nợ nữa. Thứ hai, cặp đôi nhận thấy nếu để tiền nằm nguyên một cục mà không có kế hoạch khiến chúng sinh sôi nảy nở, thì bao nhiêu công sức học về tài chính của họ coi như đổ bể.
Họ nhận định, tất cả danh mục của họ đều là lựa chọn đầu tư lâu dài, góp dần theo mỗi tháng nhằm giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất mà vẫn giữ được lợi nhuận trung bình như kỳ vọng.
"Mình luôn tâm niệm, không để trứng vào một rổ, luôn biết tiết kiệm và đầu tư đúng kỷ luật (điều này quan trọng lắm). Chính những thói quen nhỏ này sẽ khiến cuộc sống tụi mình trở nên tự chủ và an toàn hơn!", Thu Hằng nói.
Năm 23 tuổi vay ngân hàng mua nhà 8 tỷ ở Hàn Quốc, nói gì khi bị chê “trả nợ đến già"?
Căn nhà là thành quả lao động của chàng trai sau nhiều năm sống tại Hàn Quốc.