Cập nhật COVID-19 ngày 9/4: Thế giới vượt 1,5 triệu ca nhiễm, gần 90.000 người tử vong

Cập nhật dịch COVID-19 tại Việt Nam và thế giới liên tục trong ngày. Thông tin được cập nhật từ các nguồn chính thống, tin cậy và chính xác.
23h25

100 bác sĩ Italy tử vong vì COVID-19

Covid-19 khiến hơn 13.500 nhân viên y tế Italy nhiễm virus, trong đó ít nhất 100 bác sĩ đã chết từ hồi tháng 2, theo Hiệp hội Bác sĩ Italy, theo VnEpress.

"Số bác sĩ đã chết vì Covid-19 là 100, thậm chí có thể là 101 vào lúc này, thật đáng tiếc", phát ngôn viên Hiệp hội Bác sĩ Italy (FNOMCeO) hôm nay cho biết, thêm rằng 80 người trong số đó làm việc tại miền bắc, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do Covid-19.

Trong số những người tử vong này có một số bác sĩ đã về hưu được chính phủ kêu gọi trở lại làm việc để giúp đối phó dịch bệnh cách đây một tháng. Truyền thông Italy ước tính khoảng 30 y tá, điều dưỡng cũng đã qua đời vì Covid-19. 

"Chúng tôi không thể tiếp tục để các bác sĩ, nhân viên y tế chiến đấu với dịch bệnh mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào. Đó là cuộc chiến không cân sức", Filippo Anelli, chủ tịch FNOMCeO, cho hay.

  Bác sĩ Italy điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong phòng chăm sóc tích cực tại một bệnh viện ở Rome, Italy hôm 8/4. Ảnh: AFP.

Bác sĩ Italy điều trị cho bệnh nhân Covid-19 trong phòng chăm sóc tích cực tại một bệnh viện ở Rome, Italy hôm 8/4. Ảnh: AFP.

Italy hiện là vùng dịch lớn nhất châu Âu với hơn 139.000 ca nhiễm và gần 18.000 ca tử vong. Theo Viện Y tế Italy, tính đến ngày 8/4, ít nhất 13.522 nhân viên y tế Italy đã bị nhiễm nCoV, chiếm 10% số ca nhiễm trên cả nước. 

"Chúng tôi đã chứng kiến mức độ làm việc quá tải chưa từng thấy của các y tá, đặc biệt là nhân viên phòng chăm sóc tích cực, người quản lý hoặc trực tiếp tham gia ứng phó Covid-19. Đôi khi họ không có thời gian nghỉ ngơi và hồi phục, không được hỗ trợ, san sẻ và chỉ nhận được mức độ quan tâm hạn chế về sức khỏe và tinh thần", Giorgio Cometto, điều phối viên của thuộc bộ phận nhân lực y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho hay. 

Italy là nước phương Tây đầu tiên ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc vì Covid-19, yêu cầu dân chúng ở nhà và đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu từ ngày 9/3. Thủ tướng Giuseppe Conte hôm qua nói rằng Italy phải duy trì phong tỏa để kiềm chế Covid-19, nhấn mạnh nếu người dân tuân thủ lệnh phong tỏa, số ca nhiễm và tử vong sẽ giảm. 

20h49

Thế giới vượt 1,5 triệu ca nhiễm, gần 90.000 người tử vong

Tính đến 20h45 ngày 9/4 (giờ Việt Nam), theo thống kê của worldometers.info, thế giới ghi nhận 1.536.094 ca nhiễm COVID-19, 89.877 ca tử vong và 340.176 người bình phục.

Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nhất khi có 435.167 ca nhiễm tính và 14.797 ca tử vong đến lúc này. Xếp sau là Tây Ban Nha với 152.446 ca nhiễm, 15.238 ca tử vong. Thứ ba là Italy với gần 140.000 ca nhiễm và hơn 17.000 ca tử vong.

18h26

Thêm 4 ca nhiễm mới, Việt Nam có 255 bệnh nhân COVID-19

Theo Bản tin lúc 18h ngày 9/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia, Việt Nam đã ghi nhận 4 ca bệnh mắc mới COVID-19, trong đó có 2 người tiếp xúc gần bệnh nhân 243, nâng tổng số ca mắc tại nước ta đến thời điểm này là 255 ca. Trong đó, 158 người từ nước ngoài chiếm 62,2%, 97 người lây nhiễm thứ phát.

Cập nhật COVID-19 ngày 9/4: Thế giới vượt 1,5 triệu ca nhiễm, gần 90.000 người tử vong

CA BỆNH 252 (BN252): Bệnh nhân nam, 6 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại phường 12, quận 5, TP.HCM.

Bệnh nhân sống tại Campuchia cùng gia đình có 5 người, trong đó 2 người đã được xác định mắc COVID-19 và được cách ly, điều trị tại Campuchia.

Ngày 8/4, bệnh nhân cùng 2 người còn lại trong gia đình trở về Việt Nam qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh. Ngay sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế tỉnh Tây Ninh chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh bằng xe chuyên dụng.

Cùng ngày bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm gửi đến Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Hai người đi cùng bệnh nhân có kết quả âm tính. Hiện tại, bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị, cách ly tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tây Ninh.

CA BỆNH 253 (BN253): Bệnh nhân nữ, 41 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú ở Mê Linh, Hà Nội, là chị dâu, ở gần nhà và có tiếp xúc gần với BN243.

Ngày 6/4 được lấy mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm ngày 09/4 khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

CA BỆNH 254 (BN254): Bệnh nhân nam, 51 tuổi, quốc tịch Việt Nam, trú ở Mê Linh, Hà Nội, là hàng xóm có tiếp xúc gần BN243, BN250.

Bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm ngày 9/4, kết quả xét nghiệm ngày 9/4 khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân đang điều trị chạy thận tại Bệnh viện Thận Hà Nội, hiện đang được cách ly, điều trị tại đây.

CA BỆNH 255 (BN255): Bệnh nhân nam, 29 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại Bắc Quang, Hà Giang. Ngày 27/3, bệnh nhân từ Nga về Sân bay Quốc tế Nội Bài trên chuyến bay SU290.

Sau khi nhập cảnh, bệnh nhân được cách ly tập trung tại Vĩnh Phúc. Ngày 8/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm, kết quả xét nghiệm ngày 9/4 khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Hiện tại bệnh nhân đang cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2.

15h04

COVID-19 có thể đẩy 500 triệu người rơi vào cảnh nghèo đói

Ngày 9/4, tổ chức Oxfam công bố báo cáo cho thấy dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến các nền kinh tế thế giới có thể đẩy khoảng nửa tỷ người vào tình trạng nghèo đói.

Oxfam công bố báo cáo trên trước thềm cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) vào tuần tới. Báo cáo đã đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đối với nạn nghèo đói toàn cầu do thu nhập hoặc tiêu dùng gia đình bị thu hẹp.

Oxfam cho rằng cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh gây ra đang diễn ra sâu rộng hơn cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Mọi tính toán cho thấy dù ở bất kỳ kịch bản nào, tỷ lệ nghèo đói có thể tăng lần đầu tiên kể từ năm 1990 và điều này có thể khiến một số quốc gia trở lại mức nghèo cách đây 3 thập kỷ.

Liên hợp quốc công bố ngày 8/4, khoảng hơn một nửa dân số Zimbabwe đang phải đối mặt với nạn đói, trong đó khoảng nửa triệu người rơi vào tình trạng đói nghiêm trọng.
Liên hợp quốc công bố ngày 8/4, khoảng hơn một nửa dân số Zimbabwe đang phải đối mặt với nạn đói, trong đó khoảng nửa triệu người rơi vào tình trạng đói nghiêm trọng.

Các tác giả của báo cáo trên đã đánh giá theo một trong số kịch bản có tính đến các mức nghèo khác nhau của WB, từ nghèo đói cùng cực với mức sống 1,9 USD/ngày hoặc ít hơn, đến mức nghèo với mức sống dưới 5,5 USD/ngày.

Trong trường hợp tồi tệ nhất – thu nhập giảm 20%, số người sống trong cảnh nghèo cùng cực sẽ tăng 434 triệu người, lên 922 triệu người trên toàn thế giới. Tương tự, số người có mức sống dưới 5,5 USD/ngày cũng tăng 548 triệu người, lên gần 4 tỷ người. Phụ nữ có nguy cơ cao hơn nam giới vì họ thường làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức vì ít hoặc không có quyền làm việc.

Báo cáo cảnh báo những người nghèo nhất thường không có khoản dự trữ, đồng thời cho rằng hơn 2 tỷ người làm việc trong khu vực phi chính thức trên khắp thế giới không được tiếp cận khoản tiền trợ cấp khi nghỉ ốm.

Hồi tuần trước, WB cho biết tỷ lệ nghèo đói ở riêng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có thể tăng lên 11 triệu người nếu tình hình tồi tệ hơn nữa. Để giảm bớt tác động của dịch bệnh, Oxfam đề xuất kế hoạch hành động 6 điểm gồm cung cấp các khoản trợ cấp tiền mặt và cứu trợ các cá nhân và doanh nghiệp cần thiết, kêu gọi xóa nợ, hỗ trợ nhiều hơn của IMF và tăng viện trợ…

Việc kêu gọi giảm nợ đã tăng lên trong những tuần gần đây khi dịch bệnh gây ra những tác động tiêu cực ở các nước đang phát triển. Ước tính, các nước trên toàn cầu cần phải huy động ít nhất 2.500 tỷ USD để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển.

Theo Oxfam, các nước giàu trong thời điểm khủng hoảng hiện nay đã cho thấy họ có thể huy động hàng nghìn tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu các quốc gia đang phát triển không có khả năng làm như vậy để đối phó với những tác động đối với nền kinh tế và ngành y tế, cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục diễn ra và sẽ gây ảnh hưởng thậm chí lớn hơn đối với tất cả các nước.

09h47

Trung Quốc, Hàn Quốc ghi nhận thêm hàng chục ca nhiễm mới

Ngày 9/4, giới chức Trung Quốc cho biết trong ngày 8/4, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 63 ca nhiễm mới virus SARS-COV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 61 ca từ nước ngoài.

Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) nêu rõ hai ca lây nhiễm trong nội địa là tại tỉnh Quảng Đông. Cũng trong ngày 8/4, Trung Quốc đã ghi nhận thêm hai ca tử vong tại tỉnh Hồ Bắc. Tính đến ngày 8/4, Trung Quốc đại lục đã ghi nhận tổng cộng 1.103 ca từ nước ngoài về, trong đó có 374 ca đã bình phục sau khi xuất viện, 729 ca vẫn đang được điều trị với 31 ca đang trong tình trạng nghiêm trọng.

Tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc tính đến ngày 8/4 là 81.865 ca, trong đó có 1.160 người vẫn đang được điều trị, 77.370 người đã xuất viện và 3.335 người tử vong do COVID-19. Hiện vẫn còn 73 người bị nghi nhiễm virus SARS-COV-2, 12.510 người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân đang được theo dõi.

Trong khi đó, tính đến ngày 8/4, đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) đã ghi nhận tổng cộng 960 ca nhiễm và 4 ca tử vong do COVID-19, đặc khu Macau đã ghi nhận 45 ca nhiễm và Đài Loan (Trung Quốc) có 379 ca nhiễm và 5 ca tử vong. Số người xuất viện sau khi phục hồi tại Hong Kong, Macau, Đài Loan lần lượt là 246 người, 10 người và 67 người.

  Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 5/4/2020. Ảnh: TTXVN.

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc ngày 5/4/2020. Ảnh: TTXVN.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Hàn Quốc đã ghi nhận số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ngày thứ 4 liên tiếp ở mức trên dưới 50 ca với tỷ lệ khỏi bệnh trên 65%.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho thấy tính tới 10 giờ (giờ địa phương) ngày 9/4, với 39 ca mới được phát hiện, số ca mắc COVID-19 ở Hàn Quốc đã lên 10.423 người. Số ca tử vong đã tăng 4 ca lên 204, trong đó hơn 50% là bệnh nhân trên 80 tuổi và có ít nhất một bệnh nền từ trước. Ngoài ra, có 197 trường hợp đã phục hồi và xuất viện, nâng tổng số trường hợp được điều trị thành công lên 6.973 người. Hiện vẫn còn hơn 30 trường hợp trong tình trạng nguy kịch. 

Tính đến sáng 9/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới đã vượt con số 1,5 triệu trường hợp, trong đó Mỹ đang đứng đầu với hơn 434.000 ca, tiếp theo là Tây Ban Nha (148.000 ca) và Italy - gần 140.000 ca.

07h58

Lần đầu tiên trong 1 tháng qua, Việt Nam không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới trong 24h

Bộ Y tế sáng 9/4 cho biết không có thêm ca bệnh COVID-19 mới ghi nhận trong sáng cùng ngày. Như vậy, trong 24h qua Việt Nam vẫn dừng ở con số 251 ca. Đây cũng là lần đầu tiên trong 1 tháng qua, tròn 24h không ghi nhận thêm ca mắc mới COVID-19. Cùng đó, số ca mắc COVID-19 những ngày gần đây có xu hướng tăng chậm lại.

Tổng số ca mắc Covid-19 tính tới 6h ngày 9/4 - Nguồn: Bộ Y tế
Tổng số ca mắc Covid-19 tính tới 6h ngày 9/4 - Nguồn: Bộ Y tế

Theo Bộ Y tế, trong 251 trường hợp mắc Covid-19 có 156 người từ nước ngoài chiếm 62,6%; 95 người lây nhiễm thứ phát. Hiện đã có 126 ca  COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 50%).

07h45

Thái Lan phong tỏa Pattaya, Singapore có số ca mắc mới cao kỷ lục

Tính tới hết ngày 8/4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận 15.478 ca mắc COVID-19, trong đó có 527 ca tử vong. 

Nhằm ngăn ngừa sự lây lan của COVID-19, chính quyền Thái Lan thông báo Pattaya - thành phố du lịch ven biển miền Đông nước này - sẽ áp đặt lệnh phong tỏa tạm thời, qua đó đóng cửa đối với toàn bộ du khách trong và ngoài nước. Tỉnh trưởng tỉnh Chonburi, Phakharathorn Thianchai đã xác nhận việc cấm toàn bộ du khách vào Pattaya theo lệnh phong tỏa, có hiệu lực từ ngày 9/4 đến hết tháng này, cùng với lệnh giới nghiêm vừa có hiệu lực trên toàn Thái Lan từ 22h tối đến 4h sáng các ngày

Trong khi đó, chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) đang mở chiến dịch xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại nhà dành cho những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 trong bối cảnh Thái Lan đã ghi nhận tới 2.369 ca mắc bệnh.

Người phát ngôn Bộ Y tế Indonesia Achmad Yurianto cho biết nước này ngày 8/4 đã ghi nhận thêm 218 ca nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc bệnh trên toàn quốc lên thành 2.956 người. Ông Yurianto cũng cho hay Indonesia đã có thêm 19 người tử vong do mắc COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên thành 240 người, trong khi có 222 bệnh nhân được chữa khỏi. COVID-19 đã lây lan ra 32 trên tổng số 34 tỉnh và thành phố ở Indonesia. Trong đó, thủ đô Jakarta tiếp tục là "điểm nóng" với 1.470 ca nhiễm.

Trong bối cảnh đó, Jakarta sẽ thắt chặt các biện pháp nhằm hạn chế người dân đi lại sau khi được chính quyền trung ương cho phép áp đặt Các hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2.

Ngày 8/4, Bộ Y tế Singapore thông báo đã ghi nhận thêm 142 ca mắc COVID-19, mức tăng hàng ngày lớn nhất, nâng tổng số ca mắc bệnh dịch lên 1.623 ca. 

07h44

Thế giới có trên 1,5 triệu ca bệnh

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 6h sáng 9/4 (theo giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 1.506.420 trường hợp, trong khi số ca tử vong lên tới 88.100 người.

02h09

Gần 11.000 ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp

Giới chức y tế Pháp tối 8/4 xác nhận 10.869 ca tử vong vì dịch COVID-19, trong đó 7.632 ca ở bệnh viện (tăng 541 trong 24 giờ). Tuy nhiên, số ca tử vong trong các nhà dưỡng lão và cơ sở y tế xã hội vẫn ở mức 3.237 của ngày hôm trước, vì không được cập nhật do lỗi máy tính. 

Số bệnh nhân phải nhập viện là 30.375 (tăng 348 trong 24 giờ), gồm 7.148 trường hợp nghiêm trọng cần hồi sức tích cực (tăng 482). Trong số những bệnh nhân được chăm sóc đặc biệt này có 108 người dưới 30 tuổi. Đến nay, 21.254 người đã khỏi bệnh và ra viện.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian Pháp cho biết Pháp sẽ viện trợ gần 1,2 tỷ euro để giúp châu Phi chống lại sự lây lan của COVID-19. Phát biểu trước Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, ông Le Drian nhấn mạnh rằng ở cấp độ song phương, Pháp sẽ tham gia vào nỗ lực này bằng cách chuyển hướng một phần đáng kể khoản viện trợ phát triển, trị giá gần 1,2 tỷ euro, sang các lĩnh vực chăm sóc y tế và cung ứng thực phẩm.

02h03

Ca nhiễm COVID-19 ở Italy tăng trở lại

Italy ghi nhận 3.836 ca nhiễm mới, tăng so với ngày trước đó, nâng số ca nhiễm toàn quốc lên 139.422, trong đó 17.669 người chết, theo VnExpress.

Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 8/4 thông báo họ ghi nhận thêm 542 ca tử vong, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp số người chết giảm. Toàn quốc báo cáo 17.669 ca tử vong, khiến Italy là vùng dịch chết chóc nhất thế giới.

  Y tá đeo đồ bảo hộ trước khi vào khu điều trị tích cực tại bệnh viện ở Italy ngày 8/4. Ảnh: AFP.

Y tá đeo đồ bảo hộ trước khi vào khu điều trị tích cực tại bệnh viện ở Italy ngày 8/4. Ảnh: AFP.

Italy hôm 7/4 ghi nhận 3.039 ca nhiễm mới, mức tăng thấp nhất trong 25 ngày. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới ngày 8/4 tăng trở lại với 3.836 ca, nâng tổng số ca nhiễm lên 139.422, khiến họ là vùng dịch lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Tây Ban Nha. 3.693 người được điều trị tích cực ngày 8/4 so với 3.792 hôm 7/4. 26.491 người đã bình phục.

Italy là nước phương Tây đầu tiên ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc vì Covid-19, yêu cầu dân chúng ở nhà và đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu từ ngày 9/3. Thủ tướng Giuseppe Conte hôm 8/4 nói với báo Đức Bild rằng Italy phải duy trì phong tỏa để kiềm chế Covid-19, từ chối lời kêu gọi mở lại nhà máy của các doanh nghiệp. "Các nhà khoa học khuyên chúng tôi không nên nới lỏng hạn chế nào cả", Conte cho biết.

Conte tin tưởng rằng nếu người Italy tôn trọng lệnh phong tỏa thì số ca nhiễm và tử vong sẽ giảm. "Nhưng chúng ta phải tiếp tục biện pháp nghiêm ngặt này", ông nói thêm.

01h13

Bang New York ghi nhận số người tử vong cao kỷ lục 

New York ngày 8/4 ghi nhận có thêm 779 người tử vong do COVID-19 trong 24 giờ qua, nhiều hơn 48 ca so với ngày trước đó. Như vậy, ngày 8/4 trở thành ngày có nhiều ca tử vong nhất tại vùng tâm dịch của nước Mỹ.

Theo phóng viên TTXVN tại New York, trong cuộc họp báo trực tuyến cập nhật tình hình dịch COVID-19 ở tiểu bang New York, Thống đốc Andrew Cuomo cho biết tuy số người tử vong vẫn tiếp tục tăng cao, song số người nhập viện đã cho thấy mức độ lây lan của đại dịch có chút giảm tại New York.

Cập nhật COVID-19 ngày 9/4: Thế giới vượt 1,5 triệu ca nhiễm, gần 90.000 người tử vong

Ông cũng bày tỏ lạc quan nếu tỷ lệ nhập viện tiếp tục giảm thì hệ thống y tế của tiểu bang sẽ vận hành ổn định trong khoảng 2 tuần tới. Tổng số người tử vong tại tiểu bang New York tính đến ngày 8/4 lên tới 6.298 người khiến Thống đốc Cuomo phải yêu cầu toàn tiểu bang để cờ rủ.

Trước đó, trong phần họp báo cập nhật tình hình đại dịch ở thành phố New York, Thị trưởng Bill de Blasio đã bày tỏ quan ngại về tình trạng tỷ lệ người tử vong trong cộng đồng người gốc Nam Mỹ và gốc Phi cao gấp đôi tỷ lệ tử vong của người Mỹ da trắng và điều này cho thấy có sự cách biệt về điều kiện kinh tế cũng như cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế của các nhóm dân cư này.

Thị trưởng de Blasio khẳng định thành phố sẽ nỗ lực hỗ trợ các bệnh viện công hơn nữa để người nghèo có cơ hội điều trị khi nhiễm COVID-19.

CHẤN HƯNG (t/h)

Nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ cán bộ Trung ương