Mới đây, thông tin CEO Bình Nguyễn - Founder CEO LadiPage Việt Nam qua đời ở tuổi 38 do mắc ung thư gan khiến cộng đồng mạng xôn xao.
CEO Bình Nguyễn tên thật là Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1987). Anh được biết đến là một trong những nhân vật gạo cội của làng marketing online Việt Nam, sáng lập ra group Cộng đồng iSocial, đang có hơn 292.000 thành viên. Sự ra đi đột ngột của anh không chỉ là câu chuyện đau buồn với riêng gia đình, người thân. Nó còn là nỗi tiếc nuối, bàng hoàng của không ít những cư dân mạng, những người làm trong lĩnh vực truyền thông, social, marketing... trước sự ra đi của vị CEO còn quá trẻ, đầy tài năng.
Thức khuya làm tăng nguy cơ ung thư gan?
Theo BS Nguyễn Lê (chuyên ung thư và viêm gan, làm việc tại Hà Nội), việc thường xuyên thức khuya sau 23 giờ làm thay đổi đồng hồ sinh học, gây rối loạn chức năng, tăng gánh nặng cho gan. Thường xuyên thức khuya cũng hủy hoại tế bào, làm suy giảm vai trò của gan. Từ đó làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, ung thư gan.
Trong Đông y, gan mật làm việc nhiều để tái tạo chức năng từ 23 giờ đêm đến 3 giờ sáng. Việc thường xuyên thức khuya sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động của lá gan. Khi gan suy yếu, cơ chế phục hồi của gan giảm, gan dễ bị tổn thương. Ở người mắc bệnh lý về gan như gan nhiễm mỡ, viêm gan... mà không giữ gìn, thay đổi lối sống thì nguy cơ ung thư gan rất cao.
Nghiên cứu đăng tải trên Medical News Today cũng cho thấy, những con chuột bị thiếu ngủ kéo dài đều bị gián đoạn chức năng gan bình thường, tăng nguy cơ mắc bệnh về gan, bao gồm cả ung thư gan.
Thường xuyên thức khuya sau 23 giờ làm thay đổi đồng hồ sinh học, gây rối loạn chức năng, tăng gánh nặng cho gan. (Ảnh minh họa) |
Qua câu chuyện của vị CEO trên, giới chuyên gia khuyên mọi người, nhất là bạn trẻ cần chú ý giữ gìn sức khỏe bắt đầu từ những lối sống lành mạnh. Ngoài việc không thức khuya, mọi người cũng cần thay đổi một số thói quen hàng ngày để ngăn chặn ung thư gan.
Những kiểu người có nguy cơ ung thư gan cao, nên thay đổi lối sống để phòng bệnh
1. Người thường xuyên hút thuốc lá
Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc nhiều loại ung thư khác nhau, bao gồm ung thư gan. Ở nước Anh, 20 trong số 100 (20%) trường hợp ung thư gan là do hút thuốc.
Nguy cơ mắc ung thư gan cũng cao hơn ở những người hút thuốc và bị nhiễm viêm gan B hoặc C.
2. Người bị thừa cân, béo phì
Thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ ung thư gan. Bệnh tiểu đường và bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu phổ biến hơn ở những người thừa cân. Vì vậy, điều này có thể giải thích một phần mối liên hệ.
Hơn 20 trong số 100 trường hợp ung thư gan (20%) ở Anh là do thừa cân hoặc béo phì.
Thừa cân hoặc béo phì làm tăng nguy cơ ung thư gan. (Ảnh minh họa) |
3. Người nghiện rượu
Uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ ung thư gan. Uống rượu trong thời gian dài có thể gây xơ gan. Xơ gan làm tăng nguy cơ ung thư gan. Rượu cũng có thể trực tiếp gây tổn thương DNA bên trong tế bào gan.
Nguy cơ ung thư gan cao hơn ở những người uống nhiều rượu bị nhiễm virus viêm gan B hoặc C so với những người uống rượu ở mức độ vừa phải hoặc không uống rượu.
7 trong số 100 trường hợp ung thư gan (7%) ở Anh là do uống rượu.
4. Người bị gan nhiễm mỡ không do rượu
Mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) là một nhóm các tình trạng bao gồm gan nhiễm mỡ nhẹ và viêm gan nhiễm mỡ không do rượu. Trong những tình trạng này, chất béo tích tụ trong gan. Chất béo gây viêm và tổn thương, có thể dẫn đến xơ gan. Bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu thường gặp ở những người có một nhóm các triệu chứng (gọi là hội chứng chuyển hóa). Bao gồm:
Mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu làm tăng nguy cơ ung thư gan. (Ảnh minh họa) |
- Có thêm mỡ quanh eo.
- Sử dụng insulin kém hiệu quả hơn bình thường.
- Huyết áp cao.
- Máu nhiễm mỡ.
5. Người bị nhiễm virus viêm gan
Nhiễm virus viêm gan B hoặc C trong thời gian dài làm tăng nguy cơ mắc ung thư gan nguyên phát. Nguyên nhân chủ yếu là do các loại virus này gây tổn thương gan (xơ gan).
Uống rượu khi bị viêm gan B hoặc C có thể làm tăng thêm nguy cơ mắc ung thư gan.
6. Người bị bệnh tiểu đường
Những người bị tiểu đường có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn những người không bị tiểu đường.
Nguy cơ cao hơn có thể là do nồng độ insulin cao hơn ở những người bị tiểu đường hoặc do tổn thương gan do bệnh tiểu đường gây ra. Nguy cơ có thể tăng cao hơn ở những người có các yếu tố nguy cơ khác như xơ gan và nhiễm viêm gan.
7. Người bị HIV/AIDS
Những người bị HIV hoặc AIDS có nguy cơ mắc ung thư gan cao hơn. Nguyên nhân có thể là do họ có khả năng miễn dịch thấp, nghĩa là cơ thể kém khả năng chống lại nhiễm trùng. Vì vậy, họ ít có khả năng loại bỏ nhiễm trùng viêm gan B hoặc C, có thể gây xơ gan.
“2 đỏ, 2 ngứa, 2 hôi” cho thấy ung thư gan đã bắt đầu tàn phá cơ thể, nên đi khám ngay
Không giống như nhiều cơ quan khác, gan bị coi là “cơ quan câm” vì không gây cảm giác đau tại chỗ, ngay cả khi bị ung thư giai đoạn đầu.