Chăm sóc trẻ mới sinh thế nào khi mẹ nhiễm Covid-19 nặng?

Trong thời gian sản phụ nghi nhiễm Covid-19, cần ưu tiên điều trị nội khoa trước, hạn chế các can thiệp sản khoa.

Theo ThS.BS Lâm Lê Diệu Hằng, khoa Phụ sản Bệnh viện Hoàn Mỹ Thủ Đức (TP.HCM), sản phụ khi nhập viện cần được làm xét nghiệm sàng lọc Covid-19 theo quy định hiện hành. Việc tầm soát các bệnh lý tiềm ẩn như tiền sản giật, bệnh lý tim, thuyên tắc phổi... nên làm đồng thời với bệnh cúm.

Nếu được chỉ định, sản phụ cần xét nghiệm để phát hiện các bệnh nhiễm trùng khác như virus hợp bào hô hấp, vi khuẩn mycoplasma, phế cầu khuẩn… Việc cấy máu nên được thực hiện ở những bệnh nhân có các triệu chứng hô hấp dưới và sốt.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong thời gian sản phụ nghi nhiễm Covid-19, cần ưu tiên điều trị nội khoa trước, hạn chế các can thiệp sản khoa, trừ các trường hợp cần can thiệp cấp cứu (như rau tiền đạo, rau cài răng lược chảy máu, nhau bong non, thai suy,...) hoặc bán cấp (vỡ ối, chuyển dạ,...), hay khi mẹ có dấu hiệu trở nặng. Bác sĩ Hằng lưu ý, nhiễm Covid-19 không phải là lý do để kết thúc thai kỳ, trừ trường hợp cần cải thiện oxy mẹ.

Với sản phụ F0 triệu chứng nhẹ (hoặc không có triệu chứng) có tuổi thai từ 39 tuần, hầu hết đều không diễn tiến bệnh phức tạp. Nếu bệnh nhân có chỉ định kết thúc thai kỳ thì không nên trì hoãn nếu nguồn lực y tế cho phép.

Nếu tuổi thai dưới 39 tuần, không có bệnh lý sản khoa đi kèm, chuyển dạ lý tưởng nhất vào thời điểm sau khi hồi phục. Với những sản phụ có bệnh lý đi kèm như vỡ ối non, tiền sản giật, tiểu đường thai kỳ, việc kết thúc thai kỳ theo chỉ định sản khoa từ bác sĩ.

Sau khi trẻ chào đời, nhân viên y tế xem xét thực hiện da kề da, kẹp cắt rốn muộn một thì, hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ trong 90 phút đầu. Trẻ có thể được ở cùng phòng cả ngày lẫn đêm nếu tình trạng sức khỏe mẹ cho phép.

Đặc biệt, phải dự phòng lây lan virus cho trẻ khi tiếp xúc gần bằng các biện pháp như: rửa tay trước khi bồng, cho bú hoặc bơm sữa, tránh ho, hắc xì khi cho trẻ bú. Mang mask khi cho trẻ bú, thay khẩu trang khi bị ẩm và bỏ rác vào thùng rác có nắp.

Trong trường hợp sản phụ nhiễm Covid-19 nặng, không thể chăm sóc trẻ, cần bố trí phòng riêng cho trẻ. Người thân hoặc nhân viên y tế chịu trách nhiệm chăm sóc trẻ và hỗ trợ sản phụ để cung cấp sữa theo cách an toàn, sẵn có phù hợp nhất. Ngay khi sản phụ ổn định, đứa bé cần được cho ở chung với mẹ và được bú mẹ sớm nhất.

Trẻ được sinh ra từ sản phụ nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 cần có quy trình 4 lần xét nghiệm để đánh giá tình trạng. Xét nghiệm lần đầu từ 2-24 giờ sau sinh, lần 2 sau 48 giờ, còn lần 3 và lần 4 thực hiện lúc trẻ được 7 và 14 ngày tuổi.

Chế độ chăm sóc và điều trị cho trẻ tùy vào dấu hiệu lâm sàng do bác sĩ nhi sơ sinh đánh giá và quyết định.

Nếu không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ thì theo dõi dấu hiệu sống mỗi 4-6 giờ. Khi có dấu hiệu suy hô hấp, phải theo dõi monitor liên tục, xem xét sử dụng kháng sinh. Việc lọc máu liên tục có thể được tính đến nếu bé bị sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan.

Cần tư vấn cho bà mẹ về các triệu chứng hậu Covid-19 và thời gian tồn tại của các triệu chứng, trong đó có rối loạn tâm lý. Tất cả các sản phụ nên được tầm soát chứng trầm cảm ở thời điểm 4-8 tuần sau sinh.

Theo bác sĩ Hằng kết luận, mẹ nhiễm Covid-19 và trẻ có thể ở chung hoặc tách ra tùy từng trường hợp. Việc đánh giá và theo dõi chức năng hô hấp, tình trạng chung của bệnh nhân chuyển dạ nhiễm Covid-19 là rất cần thiết, đồng thời thận trọng khi xem xét các bệnh lý sản khoa đi kèm hoặc phối hợp với các nhiễm khuẩn khác.

Thanh Mai

Thủ đoạn lợi dụng tính năng chuyển cuộc gọi để đánh cắp mã OTP

Thủ đoạn lợi dụng tính năng chuyển cuộc gọi để đánh cắp mã OTP

Sau khi lừa đảo chiếm quyền nhận cuộc gọi, kẻ gian sẽ đăng nhập ứng dụng ví điện tử, tài khoản mạng xã hội… của nạn nhân.