Khi tuổi tác ngày một cao, không ít người lo ngại về sự suy giảm của sức khỏe tổng thể, đặc biệt là hoạt động của bộ não.
Theo các chuyên gia tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy (NTNU), nền tảng của một hệ thống thần kinh khỏe mạnh nằm ở chất xám và chất trắng. Nếu như chất xám được cấu tạo chủ yếu từ các tế bào thần kinh và sợi nhánh, thì chất trắng đảm nhận vai trò kết nối các tế bào và đẩy nhanh tốc độ truyền tải tín hiệu thần kinh.
Việc giữ gìn sự "khỏe mạnh" của cả chất xám và chất trắng là cực kỳ quan trọng, bởi nó liên quan trực tiếp đến khả năng nhận thức, kỹ năng tư duy và trí nhớ của chúng ta.
Trên thực tế, vô số nghiên cứu khoa học, tâm lý và sức khỏe đã chỉ ra các yếu tố cũng như giải pháp cụ thể để ngăn ngừa suy giảm nhận thức khi tuổi cao. Trong đó, có 3 yếu tố then chốt được các chuyên gia đều đồng tình, đó là:
Duy trì hoạt động thể chất đều đặn
![]() |
Ngồi ì một chỗ cả ngày rõ ràng không tốt cho cơ thể, dẫn đến tình trạng trì trệ, béo phì và ảnh hưởng xấu đến chức năng của nhiều cơ quan, trong đó có não bộ. Các nghiên cứu khoa học liên tục chứng minh rằng, hoạt động thể chất điều độ, phù hợp với thể trạng mỗi người không chỉ cải thiện vóc dáng và sức khỏe tổng thể, mà còn là yếu tố then chốt cho một bộ não khỏe mạnh. Một lối sống năng động thúc đẩy sự phát triển của hệ thần kinh trung ương và là "vũ khí" hiệu quả chống lại sự lão hóa của não.
Các chuyên gia khuyến nghị, mỗi người nên cố gắng vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày bằng các hình thức đơn giản như đi bộ, đạp xe hoặc chơi thể thao. Nếu công việc đòi hỏi phải ngồi lâu, hãy dành vài phút sau mỗi giờ để đứng dậy và vận động nhẹ nhàng nhằm phá vỡ sự trì trệ.
Tăng cường kết nối xã hội
![]() |
Hoạt động xã hội không nhất thiết phải là tham gia các sự kiện đông người. Đôi khi, đó chỉ đơn giản là việc duy trì kết nối với một nhóm bạn thân hoặc những người quan trọng với bạn. Dù bạn thuộc tuýp người hướng ngoại hay hướng nội, việc giữ liên lạc và tương tác với những người xung quanh là vô cùng cần thiết cho sức khỏe tinh thần và não bộ.
Bộ não của chúng ta "phát triển mạnh" nhờ các tương tác và kết nối xã hội lành mạnh. Các mối quan hệ tốt đẹp với người thân, bạn bè không chỉ mang lại sự hỗ trợ về mặt tinh thần mà còn góp phần vào những yếu tố sinh học phức tạp, giúp ngăn chặn quá trình lão hóa của não bộ và duy trì các chức năng nhận thức.
Không ngừng học hỏi và nuôi dưỡng đam mê
Tương tự như việc tập luyện giúp cơ bắp săn chắc, việc học tập, khám phá những điều mới hoặc theo đuổi sở thích cá nhân là cách hiệu quả để giữ cho bộ não luôn năng động và khỏe mạnh, bất chấp tuổi tác. Các chuyên gia khuyên bạn nên thử một sở thích mới hoặc học một kỹ năng mới để tạo sự kích thích cho não bộ.
![]() |
Điều quan trọng nhất là đừng ép buộc bản thân mà hãy tìm thứ gì đó bạn thực sự có niềm đam mê. Chính niềm đam mê hoặc hứng thú mãnh liệt với một lĩnh vực nào đó sẽ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy chúng ta học hỏi không ngừng. Theo thời gian, quá trình liên tục tiếp thu kiến thức và kỹ năng này sẽ củng cố và duy trì sự phát triển của các mạng lưới nơ ron thần kinh trong não, giữ cho nó luôn linh hoạt và nhạy bén.
Như một triết lý quen thuộc: "Hãy sử dụng nó, hoặc bạn sẽ đánh mất nó" (Use it or lose it). Bộ não của chúng ta là một "cỗ máy" kỳ diệu và phức tạp.
Và cũng giống như bất kỳ cơ quan hay thiết bị nào khác, nếu không được vận động và kích thích thường xuyên, nó sẽ dần trở nên suy yếu và lão hóa. Do đó, việc chủ động áp dụng 3 "chìa khóa vàng" này ngay từ bây giờ là cách tốt nhất để bảo vệ và duy trì sức khỏe não bộ, đảm bảo một cuộc sống minh mẫn và trọn vẹn khi tuổi già.
Hai giai đoạn lão hóa khiến con người thay đổi nhiều nhất trong đời
Theo các chuyên gia, cơ thể con người có những biến đổi mạnh mẽ tại 2 độ tuổi quan trọng.