Năm 2009, tôi có chuyến đi tới Myanmar vào đúng tâm điểm của đợt dịch H5N1. Myanmar lúc đó vẫn chưa chính thức mở cửa, chưa thuận lợi cho khách du lịch nhiều như bây giờ. Và tôi đã có trải nghiệm khó quên trong bệnh viện Myanmar khi bị coi là trường hợp "nghi nhiễm H5N1"
Một góc Yangon, Myanmar vào năm 2009 |
Chuyến bay FD3770 của Air Asia cất cánh lúc 7h15 từ Bangkok, tới Yangon – cố đô của Myanmar vào lúc 8h00 theo giờ địa phương.
Thời điểm đó, vào Myanmar vẫn cần phải có visa, thủ tục cũng không đơn giản. Chúng tôi đã phải chuẩn bị cho visa từ trước đó hơn 1 tháng với nhiều tình huống dở khóc dở cười. Từ trước khi đi, có quá nhiều câu chuyện đồn thổi về đất nước này. Vì thế nên khi hạ cánh xuống Myanmar, tôi thực sự rất hồi hộp.
Quán trà ven đường ở Yangon năm 2009 |
Bây giờ tôi chỉ còn chờ vài phút để nhận con dấu hải quan tại sân bay là có thể tận hưởng thực sự một chuyến phiêu lưu. Nhưng sự đời thật trớ trêu! Cả thế giới đang sôi sục lên bởi đại dịch H1N1, và mọi hành khách đều phải kiểm tra sức khỏe trước khi bước ra khỏi sân bay. Tôi đã không vượt qua được chốt kiểm tra đầu tiên ngay tại sân bay Yangon.
Thân nhiệt của tôi không hiểu sao, chỉ đúng 37,9 độ vào lúc không cần thiết tí nào, và tôi lập tức bị xếp vào dạng tình nghi nhiễm cúm H1N1. Cả sân bay thực sự náo loạn. Tôi được phát ngay khẩu trang. “Tourist! Tourist!”, các nhân viên lúng túng trao đổi với nhau. Hộ chiếu được mượn liên tục để kiểm tra và ghi chép. Chỉ cần tiến 1 bước về phía ai đó, họ lập tức sợ hãi giật lùi và xua tay đề nghị tôi dừng lại.
Cùng cảnh ngộ với tôi là Zang –1 cậu sinh viên Myanmar vừa du học Trung Quốc về. Hai đứa bị bắt ngồi vào 1 góc để chờ quyết định. “Cậu có bị cúm không?” – tôi hỏi. “Không!” – Zang trả lời bằng giọng bực tức. Zang chờ transit suốt đêm tại sân bay Suvamabhumi (Bangkok, Thái Lan) – 1 cái tủ đá chính hiệu - và có lẽ vì thế đã bị cảm lạnh. Hành lý của hai đứa bị xếp thành 1 hàng, nhân viên dịch tễ rón rén dùng bình thuốc khử trùng xịt lên. “Đói không?” - Zang hỏi. “Có!”. Zang lục vali lôi ra bánh kẹo. Hai con bệnh ngồi ăn ngấu nghiến, vừa ăn vừa than phiền vì sự đen đủi của mình.
Hành lý của chúng tôi được xếp riêng và xịt khử trùng |
Sau khoảng nửa tiếng, (mặc dù đã cố giả vờ khỏe mạnh) tôi được thông báo mình vẫn phải vào bệnh viện làm xét nghiệm mất 1 ngày. Có nghĩa là lịch trình chuyến đi sẽ bị đảo lộn vì sự cố bất ngờ này. Đương nhiên, chúng tôi bị cách ly. Tôi chỉ có thể gặp những người đi cùng nhóm mình qua cửa kính. Không nghe thấy nhau nói gì, chúng tôi đành phải sử dụng ngôn ngữ hình thể và viết ra điện thoại để trao đổi. Đứa nào cũng buồn cười vì tình huống trớ trêu đột ngột đổ xuống đầu. Các bạn tôi đã được thông báo về địa chỉ bệnh viện và chúng tôi thống nhất sẽ kiếm 1 khách sạn gần đó để tiện đi lại.
Tôi phải viết ra tin nhắn điện thoại để trao đổi với bạn qua cửa kính |
Còn Zang thì viết ra ra giấy để nói chuyện với mẹ. Ảnh do bạn tôi chụp từ phía ngoài khu cách ly |
Ăn sáng xong, xe cứu thương đã chờ sẵn. Tôi và Zang được đưa ra bằng cửa sau, để lại đằng sau hàng trăm con mắt hồi hộp lo lắng nhìn theo từ các cửa sổ, cửa chính của sân bay. Vậy là tôi ko có cơ hội được nhập cảnh 1 cách đàng hoàng vào Myanmar.
Mặc dù Zang đã nói trước rằng bệnh viện ở Yangon không được sạch sẽ cho lắm, nhưng khi xe đi dần ra khỏi khu vực dân cư, rẽ vào những con đường nhỏ vắng vẻ và dừng lại trước 1 tòa nhà lụp xụp nằm giữa khu vực đồng không mông quạnh, thì tôi vẫn phải kinh ngạc thốt lên: “Bệnh viện đây à?”. Zang phì cười xác nhận. Mỗi đứa được đưa vào một phòng bệnh cách ly. Bác sĩ xuất hiện, tất cả đều mặc quần áo bảo vệ kín mít, đeo găng tay, mặt nạ, kính. Có vẻ như đây là những ca bệnh đầu tiên ở Myanmar, và bác sĩ – có lẽ khá trẻ - còn tỏ ra hồi hộp gấp chục lần tôi. Có đau họng không? Ho không? Sổ mũi không? Vừa đi từ đâu tới? Đêm qua ở đâu? Khách sạn như thế nào? Ở Việt Nam ở đâu, làm gì, tên bố mẹ? Có tiếp xúc với ai bị cúm không? Hàng trăm câu hỏi dành cho chúng tôi. Lúc này thì tôi mệt tới nỗi sau khoảng 10 phút cố tỏ ra khỏe mạnh, đã xin phép được nằm trả lời và mặc kệ cho những cơn ho xổ ra ầm ầm. Trông càng ra dáng 1 con bệnh thực thụ.
Bác sĩ ở bệnh viện có lẽ còn khá trẻ và tỏ ra hồi hộp không kém chúng tôi |
Sau khi khám và lấy mẫu máu, mẫu dịch họng và nước mũi để mang đi xét nghiệm, các bác sĩ để tôi nghỉ ngơi. Việc nằm trong 1 phòng bệnh cách ly tại 1 đất nước xa lạ ngay ngày đầu tiên đặt chân tới, khỏi phải nói cảm giác như thế nào. Tôi ngủ nguyên ngày vì quá mệt. Những lúc thức, tôi tìm tất cả những thứ có thể đọc được: hộ chiếu, thư thông báo của bệnh viện, mẩu giấy viết tay các bạn gửi vào. Buổi tối thì xin thêm được tờ Myanmar Times. Điện thoại nghe nhạc đã gần hết pin, đành phải tắt đi để dành cho những lúc cần xem giờ.
Tất cả những gì tôi có trong buổi tối bị cách ly ở bệnh viện |
Không hiểu sao, thời gian ở bệnh viện tôi liên tưởng tới cuốn “Papilon – Người tù khổ sai” và thấy mình giống hệt người tù này, nằm đếm từng giờ từng phút trôi qua trong phòng biệt giam. Tôi bắt đầu tưởng tượng nếu bản tin Việt Nam tối nay đưa tin “Bộ Y tế Myanmar vừa phát hiện hai ca nghi nhiễm cúm H1N1 tại sân bay Yangon sáng nay. Một trong hai người là khách du lịch đến từ Việt Nam. Hiện các đối tượng đang được cách ly để chờ kết quả xét nghiệm…” thì bố mẹ ở nhà có lẽ sẽ phát sốt lên, đặt máy bay bay ngay sang Myanmar mất.
Buổi tối, các bạn của tôi tới thăm. Tôi trò chuyện với mọi người qua máy đàm thoại. Kết quả xét nghiệm sẽ có vào sáng mai, và có vẻ tình trạng sức khỏe của tôi khả quan. Cả Zang cũng vậy. Thực tế thì chẳng cần chờ tới kết quả xét nghiệm, cả tôi và Zang đều biết mình khó có khả năng nhiễm thứ cúm chết người kia. Chỉ là Zang thì vừa suýt chết cóng ở Bangkok còn tôi thì cả hành trình dài mệt mỏi, lại bị say xe, say máy bay nên mệt quá mà thôi.
Tờ kết quả xét nghiệm "Âm tính" của tôi |
Mà đúng thời điểm đó, Myanmar mới được nhập về các máy móc xét nghiệm tân tiến nhất, thế nên chúng tôi vô tình trở thành những bệnh nhân đầu tiên thử nghiệm cho hệ thống này.
Sáng hôm sau, 5h30 bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm âm tính với H5N1, và tôi sẽ được ra viện lúc 8h. Còn 2.5 tiếng để chờ đợi. Tôi nghĩ ra đủ thứ trò giết thời gian, vừa vặn tới đúng 8h thì hết thứ để chơi. 8h15, vẫn chưa thấy mọi người tới. Tôi bắt đầu sốt ruột, càu nhau liên tục qua bộ đàm lên phòng bác sĩ. “Bạn của bạn chưa tới, khi nào họ tới thì chúng tôi sẽ thông báo”, bác sĩ trả lời. Trải qua cả một đêm ở bệnh viện lụp xụp, không Internet, không có gì để đọc hay làm, tôi đã chán lắm rồi. Myanmar khi đó cũng chưa có mạng và hầu như không có điện thoại di động. Chỉ những người giàu có Myanmar mới có di động thôi.
Lá thư của phía Myanmar thông báo về việc giữ tôi lại để xét nghiệm vì nghi nhiễm cúm H5N1 |
Thêm 15 phút trôi qua, tôi sốt ruột không chịu nổi, bèn tìm cách trốn khỏi phòng. Vừa ra tới cửa thì bị bảo vệ phát hiện, đành phải trở lại. Tới 9h kém 15, đã 45p, tôi bắt đầu phát khóc. Mọi người đang làm cái quái quỉ gì vậy? Hay đã bỏ quên tôi và đi chơi rồi? Đang ngồi khóc sụt sịt thì y tá xuất hiện, mở cửa dẫn ra ngoài. Ba người bạn đứng đón chờ tôi, tươi cười. Đáp lại, tôi ấm ức không nói nổi câu nào. Hai ngày sau tôi mới phát hiện ra khi đó mình vẫn đang để đồng hồ theo giờ Hà Nội, thực ra mọi người đến đón vào lúc 8h15. Đúng là do bị cách ly quá đột ngột nên ko kịp nắm tình hình.
Sau đó thì trường hợp nghi cúm H5N1 là tôi đã có những ngày vô cùng tuyệt vời tại đất nước xinh đẹp này |
Trên taxi, mọi người kể những câu chuyện ly kỳ đã gặp trong suốt ngày hôm trước. Từ chuyện kiếm khách sạn khổ sở, bị lục tung hành lý rồi tống ra khỏi cửa, tới việc chen chúc trong những chiếc xe bus (thật ra là xe lam), đi đổi tiền ở chợ đen. Còn tôi yên lặng không nói gì, vì mải nhìn ngắm đường phố Yangon đầy những chiếc xe Toyota đời cũ, những chiếc bus chật ních, những người dân trong trang phục truyền thống đang đi lại ngoài đường.
Tới lúc này, tôi mới thực sự bắt đầu biết tới hương vị của Myanmar!
Người dân Vũ Hán đang sống thế nào giữa vùng dịch virus Corona?
Thành phố Vũ Hán, "tâm điểm" của đại dịch Corona đã bị phong tỏa từ hôm 23/1. Người dân ở đây đang sống như thế nào?