COVID-19 chiều 22/3: Việt Nam ghi nhận 3 ca nhiễm nhập cảnh

Theo Bộ Y tế chiều 22/3, Việt Nam ghi nhận 3 ca dương tính COVID-19 đều là người nhập cảnh được cách ly ngay tại TP.HCM, Đồng Nai, Kiên Giang.

Cụ thể 3 mắc mới được ghi nhận là bệnh nhân 2573, 2574 và 2575. 

Bệnh nhân 2573, nam, 45 tuổi, là chuyên gia Ấn Độ, quá cảnh Dubai, sau đó nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 20/3, cách ly ngay tại TP.HCM. Kết quả xét nghiệm ngày 21/3 dương tính với nCoV, bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi.

Bệnh nhân 2574, nữ, 31 tuổi, ở huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh. Cô từ Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất ngày 10/3, cách ly ngay tại tỉnh Đồng Nai. Kết quả xét nghiệm lần 4 ngày 21/3 dương tính với nCoV, hiện bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai.

Bệnh nhân 2575, nữ, 24 tuổi, tại TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Cô nhập cảnh cửa khẩu Hà Tiên ngày 28/2 và được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại tỉnh Kiên Giang. Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 21/3 dương tính với nCoV, bệnh nhân được điều trị tại Trung tâm Y tế TP Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang.

Hải Dương ngày thứ 4 liên tiếp không thêm ca mắc mới. 10 tỉnh, thành phố đã hơn một tháng không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng gồm: Hòa Bình, Điện Biên, Hà Giang, Bình Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Gia Lai, Bắc Ninh, Quảng Ninh và TP HCM. Hà Nội đã 34 ngày không có ca mắc mới, Hải Phòng đã qua 27 ngày.

ttxvn_2003_ha_giang.jpg

Theo Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia (TCMR), hiện 33.891 người được tiêm vaccine COVID-19, ở 16 tỉnh, thành phố.

Sắp tới trong hai ngày 23/3 và 25/3 sẽ có 30 tình nguyện viên được tiêm thử nghiệm vaccine COVID-19 Covivac.

Tính tới thời điểm hiện tại, Covivac là vaccine phòng COVID-19 thứ 2 của Việt Nam bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người. 

Ở giai đoạn 1 sẽ có 120 tình nguyện viên tham gia được chia thành 5 nhóm để tiêm với các mức liều khác nhau gồm 3 nhóm vaccine không có tá chất với các mức liều: 1mcg - 3mcg - 10mcg; 1 nhóm vaccine mức liều 1mcg có bổ sung tá chất và 1 nhóm gồm 20 người tiêm giả dược (nước muối vô trùng dùng để tiêm). Người tình nguyện tham gia nghiên cứu sẽ được tiêm 2 mũi (tiêm vaccine hoặc tiêm giả dược) cách nhau 28 ngày.

Chương trình nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Covivac phòng COVID-19 do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (Ivac) trực thuộc Bộ Y tế nghiên cứu và sản xuất đã triển khai tiêm vaccine cho 6/120 người tình nguyện tham gia.

Covivac là vaccine dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản, với công nghệ sản xuất là vaccine vector Newcastle (NDV), gắn gen biểu hiện Protein S của virus SARS-CoV-2 dựa trên công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi. Công nghệ này cũng được sử dụng để sản xuất vaccine dự phòng cúm mùa đang lưu hành tại Việt Nam.

Kết quả thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam đến thời điểm này đã cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm.

Các đánh giá tiền lâm sàng cho thấy, vaccine đáp ứng miễn dịch tốt, an toàn, có hiệu quả ngăn ngừa biến thể của Anh và Nam Phi.

Tình hình dịch bệnh thế giới, tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã vượt 123,8 triệu ca, trong đó trên 2,72 triệu ca tử vong.

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (47.774 ca), Ấn Độ (47.009 ca) và Mỹ (trên 37.000 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Brazil (1.186 ca), Mexico (608 ca) và Mỹ (437 ca).

Hiện nay, tình hình dịch bệnh ở Brazil nghiêm trọng nhất khi số ca mắc và ca tử vong hàng ngày đều ở mức cao nhất thế giới. Nước này đứng thứ hai thế giới về tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 từ đầu dịch, chỉ sau Mỹ.

HẢI MY