Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) hiện là 10.123 trường hợp, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 81; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 9.634; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 408 trường hợp.
Cung cấp khẩu trang, găng tay và mặt nạ cho người dân phòng dịch COVID -19 tại Miami, bang Florida, Mỹ ngày 30/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, trong số các ca mắc COVID-19 đang điều trị, số ca âm tính lần 1 với virus SARS-CoV-2 là 3 ca; số ca âm tính lần 2 trở lên với virus SARS-CoV-2 là 2 ca.
Như vậy, đến thời điểm này Việt Nam đã có 353/381 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, chiếm 92,7 % tổng số ca bệnh COVID-19 của nước ta. Trong số 28 ca mắc COVID-19 đang điều trị, còn 23 ca vẫn có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2; ccác bệnh nhân đang điều trị tại các cơ sở y tế đa số đều có sức khoẻ ổn định.
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 16/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 13.657.893 ca, trong đó có 585.536 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 7.973.687 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 59.504 ca và 5.098.670 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 15/7, thế giới có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 74 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.
Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới có Mỹ (64.060 ca), Brazil (35.544 ca) và Ấn Độ (32,682); trong khi các nước Brazil (1.104 ca), Mỹ (840 ca), Mexico (836 ca) và Ấn Độ (614 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất. Nam Phi cũng ghi nhận ngày kỷ lục về số ca mắc COVID-19.
Trong một diễn biến liên quan đến dịch Covid-19, ngày 15/7, Bộ trưởng Tư pháp Nam Phi Ronald Lamola tuyên bố sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân không tuân thủ quy định đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng.
Đây được xem là biện pháp cứng rắn nhất mà chính phủ Nam Phi áp dụng trong bối cảnh quốc gia châu Phi đang trở thành điểm nóng toàn cầu về dịch COVID-19.
Theo phóng viên TTXVN thường trú tại Nam Phi, phát biểu tại cuộc họp liên bộ về biện pháp ứng phó dịch COVID-19 tại thủ đô Pretoria, Bộ trưởng Lamola nhấn mạnh những cá nhân có hành vi cố tình vi phạm quy định có thể bị phạt tiền hoặc thậm chí ngồi tù đến 6 tháng.
Trong khi đó, ở mức xử lý nhẹ nhất, hành vi này sẽ bị ghi vào lý lịch tư pháp của người vi phạm như một tiền sự.
Cũng trong ngày 15/7, Bộ trưởng Cảnh sát Nam Phi Bheki Cele cho biết sẽ tăng cường lực lượng cảnh sát thực hiện công tác tuần tra thường xuyên nhằm kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ quy định đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng cũng như các quy định liên quan đến lệnh phong tỏa mà nước này áp dụng từ cuối tháng Ba.
Những tuyên bố trên được xem là bước hiện thực hóa thông điệp hôm 12/7 của Tổng thống Cyril Ramaphosa. Theo đó, ngoài việc tái áp dụng lệnh giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc và cấm bán rượu bia, Tổng thống Ramaphosa cũng yêu cầu siết chặt quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại các địa điểm công cộng, công sở và trường học.
Kể từ khi công bố ca bệnh đầu tiên hôm 5/3, Nam Phi hiện mỗi ngày ghi nhận trung bình hơn 10.000 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nằm trong số 3 nước có tốc độ lây lan cao nhất thế giới, sau Mỹ và Brazil. Tính đến hết ngày 15/7, Nam Phi có 311.049 ca mắc COVID-19, đứng trong Top 10 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch.