Cuộc chiến chống hàng giả, hàng kém chất lượng - Kỳ 2: Người mua thông minh, hàng giả khó sống

Cùng với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, sự tỉnh táo của người tiêu dùng và hỗ trợ từ công nghệ đang tạo thế chủ động trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng kém chất lượng.

Từ chia sẻ cá nhân đến làn sóng phản biện xã hội

Với tốc độ lan truyền nhanh, mạng xã hội đang trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực trong cuộc chiến chống hàng giả. Những bài chia sẻ trải nghiệm tiêu cực khi mua phải hàng kém chất lượng thường thu hút sự chú ý và tương tác lớn.

Gần đây, một hot TikToker T.P (có hơn 4,1 triệu người theo dõi trên nền tảng này) liên tục bị “réo tên” trong loạt nghi vấn về việc thổi phồng công dụng sản phẩm. Cụ thể, trong một video PR cho phiên livestream bán hàng, T.P giới thiệu một sản phẩm dưỡng da toàn thân là "phiên bản mới nhất, 70X - khả năng dưỡng sáng, dưỡng trắng gấp 7 lần phiên bản 10X cũ".

Một video PR cho phiên livestream bán hàng gây tranh cãi trên mạng xã hội những ngày gần đây. Ảnh minh hoạ: cắt từ video
Một video PR cho phiên livestream bán hàng gây tranh cãi trên mạng xã hội những ngày gần đây. Ảnh minh hoạ: cắt từ video

Sau đó, nhiều TikToker khác (cũng là KOL trong mảng mỹ phẩm và làm đẹp) lên tiếng phản đối và chỉ ra những điểm bất hợp lý trong nội dung quảng cáo, cho rằng T.P đang quảng cáo sai sự thật, "bốc phét" công dụng của sản phẩm để thu hút người mua, gây ảnh hưởng tiêu cực đến lòng tin của người tiêu dùng.

Thậm chí, T.P còn bị cáo buộc sử dụng hàng nhái để quảng cáo dưới danh nghĩa hàng chính hãng, và bán sản phẩm yến chưng giá rẻ bị nghi ngờ về chất lượng. Dưới những bài đăng của các TikToker lên tiếng về vấn đề này thu hút sự tranh luận gay gắt từ dân mạng: “Ủng hộ bạn làm tới cùng nha, làm cho rõ vụ yến đi bạn ơi. Tôi mua cho ba mẹ, ông bà tui uống giờ sợ quá.”; “Trước tôi cũng tin TikToker này, nghe bạn đó cam kết này kia nên mua cả thùng về uống. Giờ uống hết rồi tự nhiên vô đơn hàng thấy xoá giỏ hàng, shop đổi tên luôn”…

Những bài chia sẻ trải nghiệm tiêu cực khi mua phải hàng kém chất lượng thường thu hút sự quan tâm và tương tác lớn từ cộng đồng.
Những bài chia sẻ trải nghiệm tiêu cực khi mua phải hàng kém chất lượng thường thu hút sự quan tâm và tương tác lớn từ cộng đồng.

Những phản ứng mạnh mẽ của người dùng mạng xã hội đối với trường hợp như trên, cho thấy người tiêu dùng hiện nay đã không còn mù quáng tin theo lời quảng bá của KOL hay người nổi tiếng. Thay vào đó, họ ngày càng tỉnh táo, mạnh dạn đặt nghi vấn và yêu cầu bằng chứng rõ ràng về chất lượng sản phẩm trước khi quyết định mua hàng. Sự cảnh giác và thái độ phản ứng tích cực này chính là tín hiệu đáng mừng, cho thấy nhận thức của người tiêu dùng đang ngày càng nâng cao, góp phần làm cho hàng giả, hàng nhái ngày càng khó có cơ hội len lỏi vào thị trường.

Công nghệ số: “Trợ thủ” đắc lực trong cuộc chiến chống hàng giả trên không gian mạng

Một điểm sáng đáng chú ý trong nỗ lực chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hiện nay là Chương trình “Tick xanh trách nhiệm” do Sở Công thương TP.HCM phát động vào ngày 20/6/2025, với trọng tâm mở rộng sang lĩnh vực thương mại điện tử.

Tiếp nối thành công từ hệ thống bán lẻ truyền thống (triển khai vào tháng 3/2024), chương trình mở rộng sang thương mại điện tử nhằm khôi phục niềm tin người tiêu dùng, xây dựng không gian số minh bạch, văn minh và công bằng. Hoạt động theo nguyên tắc “3 tự”: tự nguyện tham gia, tự cam kết thực hiện và tự chịu sự giám sát từ cộng đồng, “Tick xanh trách nhiệm” giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận diện hàng hóa uy tín, đồng thời phát huy vai trò giám sát cộng đồng.

Hàng hóa siêu thị tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm”. Ảnh: Hưng Khánh
Hàng hóa siêu thị tham gia chương trình “Tick xanh trách nhiệm”. Ảnh: Hưng Khánh

Đặc biệt, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) để truy vết và phát hiện hành vi gian lận trên không gian mạng đã góp phần hỗ trợ cơ quan chức năng kiểm tra đúng trọng tâm, kịp thời, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh nỗ lực từ phía cơ quan chức năng, nhiều doanh nghiệp cũng đang chủ động ứng dụng công nghệ để bảo vệ người tiêu dùng. Thay vì chỉ dựa vào tem chống giả, nhiều doanh nghiệp đã số hóa toàn diện quy trình chống giả như tem QR nhiều lớp bảo mật, hệ thống cảnh báo giả mạo, kiểm định online…

Nhận thức mới, hành vi tiêu dùng thay đổi

Những cuộc truy quét quy mô lớn với hàng gian, hàng giả của cơ quan chức năng thời gian gần đây đã tạo nên làn sóng dư luận, giúp cho người dân có những cảnh giác hơn với những sản phẩm kém chất lượng. 

Một trong những chuyển biến tích cực dễ nhận thấy nhất là sự thay đổi rõ rệt trong hành vi mua sắm. Người tiêu dùng giờ đây ưu tiên hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, kiểm tra kỹ thông tin nhãn mác, tem chống hàng giả, mã QR, hóa đơn... trước khi mua. Bên cạnh đó, họ cũng ưu tiên mua sắm từ các sàn thương mại điện tử uy tín như Tiki, Lazada, Shopee Mall... vốn có quy trình kiểm duyệt nghiêm ngặt.

Anh N.H.H (phường Gò Vấp, TP.HCM), một người tiêu dùng thường xuyên mua hàng online, chia sẻ: “Trước đây tôi từng mua nhầm hàng giả do chủ quan, nhưng giờ tôi chỉ mua qua các kênh chính hãng. Để an tâm hơn, tôi sẽ yêu cầu shop cung cấp video đóng gói sản phẩm, có tem niêm phong chính hãng, và luôn kiểm tra mã QR trước khi sử dụng”.

Không chỉ anh H., ngày càng có nhiều người tiêu dùng có hành vi mua sắm thông minh hơn, tránh xa hàng xách tay không rõ nguồn gốc, đặc biệt với các mặt hàng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Người tiêu dùng đã thận trọng hơn khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử.
Người tiêu dùng đã thận trọng hơn khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử.

Chị L.T.T.H (nhân viên IT tại một công ty phần mềm ở phường Tân Bình, TP.HCM) cho biết: “Làm trong ngành IT, tôi thấy công nghệ hiện nay hỗ trợ rất nhiều trong việc phát hiện và ngăn chặn hàng giả trên mạng. Các công cụ như trí tuệ nhân tạo (AI) có thể nhanh chóng phân tích hình ảnh, mức giá hoặc phản hồi từ người dùng để nhận diện điểm bất thường. Cá nhân tôi luôn kiểm tra mã QR, tra cứu thông tin trên website chính hãng trước khi mua. Nếu có nghi ngờ, tôi sẽ phản hồi trực tiếp với cửa hàng hoặc sàn thương mại điện tử để được hỗ trợ". 

Có thể thấy, dù hàng giả, hàng kém chất lượng chưa thể bị loại bỏ hoàn toàn, nhưng người tiêu dùng hiện nay đã có nhiều “vũ khí” để tự bảo vệ mình. Từ việc ứng dụng công nghệ, tiếp cận nguồn thông tin minh bạch đến sự vào cuộc, xử lý kịp thời của cơ quan chức năng và nỗ lực tự bảo vệ từ chính người tiêu dùng: tất cả đã tạo nên một “hàng rào” vững chắc trong cuộc chiến chống hàng giả.

Những nỗ lực này tuy còn nhiều thách thức, nhưng đã tạo ra những chuyển biến tích cực, cho thấy quyết tâm của toàn xã hội trong việc đẩy lùi nạn hàng giả, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và xây dựng một môi trường kinh doanh minh bạch, cạnh tranh công bằng.

Ngọc Trúc

Hàng chục nghìn hộp thực phẩm chức năng bị đổ bỏ ven đại lộ Nguyễn Văn Linh: Nghi vấn hàng giả, phi tang?

Hàng chục nghìn hộp thực phẩm chức năng bị đổ bỏ ven đại lộ Nguyễn Văn Linh: Nghi vấn hàng giả, phi tang?

Hàng chục nghìn hộp thực phẩm chức năng bị đổ bỏ ven đường Nguyễn Văn Linh, nghi là hàng giả, gây lo ngại phi tang chứng cứ và ô nhiễm môi trường.