"Đá đưa đầu lưỡi" - Câu thành ngữ từng khiến chương trình Vua tiếng Việt bị "ném đá" có nghĩa là gì?

Theo bạn, thành ngữ này nói đến điều gì?

Nhiều người hẳn chưa từng nghe qua câu "đá đưa đầu lưỡi". Thành ngữ này từng xuất hiện trong chương trình Vua tiếng Việt và được vị cố vấn giải thích: "Viên đá nó nặng mà! Nên đặt đầu lưỡi nó hay rơi. Ý là những người họ không thật thà, họ nói nhưng mà có khi là cái lời nói của họ không được bảo đảm về tính chính xác, hay là tính cam kết của nó...".

Tuy nhiên, sau đó, một nhà nghiên cứu đã chỉ ra đây là cách giải thích sai. "Đá" trong câu "Đá đưa đầu lưỡi" là một động từ, đã bị hiểu lầm thành "đá" là "viên đá" (danh từ), rồi hiểu nghĩa hiển ngôn cả câu là "đá đặt ở đầu lưỡi". 

Vậy "Đá đưa đầu lưỡi" có nghĩa là gì?

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Vietlex) giảng nghĩa 1 của "đá đưa" là "(mồm miệng) nói năng khéo léo nhưng không thành thật, chỉ cốt làm vừa lòng người nghe. VD: Cô ta nói đá đưa để lấy lòng khách".

Với từ "đầu lưỡi", từ điển này giảng nghĩa thứ hai: "Chỉ là ở lời nói, không thật bụng. "Những người (…) chỉ tỏ ra trung thành ở đầu lưỡi thì cũng không thể bênh vực con (…)" (Lê Lựu)". Như vậy, câu "Đá đưa đầu lưỡi" có thể hiểu theo nghĩa diễn đạt liền mạch là "đá đưa (ở) đầu lưỡi" hoặc "đá đưa (cái) đầu lưỡi". Tuy nhiên, đây là câu thành ngữ kết cấu theo lối tiểu đối "đá đưa, đầu lưỡi" - một cách nói nhấn mạnh của "đá đưa" hoặc "đầu lưỡi". Kết cấu tiểu đối của "Đá đưa, đầu lưỡi" giống với câu "đầu môi, chót lưỡi", hoặc "khua môi, múa mép", "khua môi, múa mỏ"…

Về thành ngữ "đá đưa đầu lưỡi", PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ và Văn hóa phương Đông, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Việt ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội giải thích trên Dân trí: 

Thành ngữ này có hai nghĩa. Nghĩa đầu tiên là "suy nghĩ thận trọng cân nhắc đi cân nhắc lại". Sau này "đá đưa đầu lưỡi" được dùng trong văn cảnh chỉ giọng điệu của người xảo trá, biến từ chuyện nọ thành chuyện kia.

"Có rất nhiều cụm từ cố định và thành ngữ có nhiều nghĩa, nhưng tùy từng bối cảnh mà người nói sẽ sử dụng nghĩa nào. Nếu chỉ đưa ra một nghĩa làm đại diện thì chưa chính xác. Song nói chung, dù trong văn cảnh nào thì "đá" trong "đá đưa đầu lưỡi" không thể là cục đá được", PGS. TS Nguyễn Hữu Đạt cho hay.

Hiểu Đan

Nam Thư từng chê Lý Nhã Kỳ 'quê mùa' trong chuyện tình yêu, liền bị đàn chị 'bắt bài' đến bật khóc

Nam Thư từng chê Lý Nhã Kỳ "quê mùa" trong chuyện tình yêu, liền bị đàn chị "bắt bài" đến bật khóc

Nam Thư không ngại nhận xét đàn chị "tiền bạc thì chị sang nhưng lại rất quê mùa trong tình yêu".