Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị dùng các công cụ thuế để kiềm đà tăng của giá xăng

Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng các công cụ cần được sử dụng khi giá dầu thế giới có xu hướng vẫn còn tăng lên.

Tại buổi thảo luận về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 sáng 30/10, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng giá xăng dầu đang tăng rất nhanh, trong khi hiện nay Chính phủ vẫn còn công cụ để kiềm chế.

Các loại thuế phí như thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí bảo vệ môi trường... cần được sử dụng khi giá dầu thế giới có xu hướng vẫn còn tăng lên.

Ông Trần Hoàng Ngân cho rằng thời gian tới, nước ta sẽ đối diện nhiều thách thức, trong đó có thích ứng an toàn với diễn biến dịch bệnh Covid-19. Ông nhấn mạnh nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở rộng lớn nên có thể chịu ảnh hưởng nhiều chiều từ những yếu tố bất định.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị dùng các công cụ thuế để kiềm đà tăng của giá xăng

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) mong muốn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế cần chú trọng đến việc chuyển đổi số và phát triển một nền kinh tế số. Ông nhắc lại mục tiêu của Đại hội Đảng XIII về việc kinh tế số chiếm tỷ trọng trên 20% GDP quốc gia vào năm 2025, và 30% vào năm 2030. Việc xây dựng đề án chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2025, định hướng 2030 cần được ban hành sớm để kịp triển khai.

Đại biểu Bùi Văn Nghiêm (Đoàn Vĩnh Long) đề nghị Chính phủ cần phân tích đánh giá toàn diện nguyên nhân chủ quan, khách quan trong tác động trực tiếp, tiêu cực, làm ảnh hưởng đến nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Để tiếp tục tái cơ cấu nền kinh tế, cần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh… ở cả trung ương và địa phương.

Ông đề nghị Chính phủ cần tiếp tục ban hành chính sách và triển khai đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển ngành du lịch. Cần ưu tiên đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong phát triển du lịch từ quản lý Nhà nước tới quản lý điểm đến, quản lý kinh doanh của doanh nghiệp.

Cần nghiên cứu thị trường quảng bá xúc tiến bán hàng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để mở lại du lịch quốc tế, thúc đẩy du lịch nội địa tại các địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh gắn với chính sách thu hút đầu tư du lịch, ưu tiên nguồn lực thúc đẩy, đầu tư tại các vùng khó khăn để khai thác tối đa tiềm năng về du lịch.

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) cho rằng việc cơ cấu lại nền kinh tế bắt đầu từ việc phải xác định được những nút thắt của mỗi ngành, mỗi địa phương, nền kinh tế là phương thức tiếp cận từ thực tiễn.

Theo Văn phòng Quốc hội, trước khi thảo luận tại hội trường, các đại biểu đã thảo luận tại tổ và đưa ra nhiều ý kiến về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Có ý kiến đề nghị xem xét chỉ tiêu năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) khi giai đoạn 2025-2026 đặt ra chỉ tiêu này là 45%, thấp hơn so với giai đoạn trước.

Ngoài ra, có ý kiến nêu ra vấn đề hiện tại là nền kinh tế đang chịu hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp phá sản hoặc suy yếu, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hóa, cung ứng lao động.

Chúng ta cần có nhận thức đầy đủ ảnh hưởng của Covid-19, đặt ra mục tiêu phát triển kinh tế 2021-2025 có tính thực tế hơn. Phải kích thích nền kinh tế nhưng vẫn bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh đầu tư công tạo nền tảng thu hút đầu tư kinh doanh; phải giữ an sinh xã hội, đẩy mạnh hệ thống y tế để an dân. Xây dựng quan hệ sản xuất phát triển bền vững, môi trường sống, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, xây dựng nền kinh tế tự chủ, tự cường.

Thanh Mai