Đào tạo lái xe ở Việt Nam: Nhiều người có bằng vẫn không lái được xe

Nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong năm 2019 bắt nguồn từ những lỗi sơ đẳng đã phản ánh chất lượng đào tạo, sát hạch còn nhiều bất cập

Theo thông tin từ Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 9 tháng đầu năm 2019 (tính từ ngày 15/12/2018 - 14/9/2019), toàn quốc xảy ra 12.675 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 5.659 người, bị thương hơn 9.619 người. Đáng chú ý, có nhiều vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết nhiều người có nguyên nhân chủ yếu do lái xe thiếu hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ, kỹ năng xử lý tình huống kém, sử dụng chất kích thích như bia, rượu, ma túy... chiếm phần lớn đã phản ánh chất lượng đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của ngành GTVT còn hạn chế, thậm chí tiêu cực.

Chất lượng cơ sở đào tạo, sát hạch không đảm bảo

Hiện nay, việc đào tạo, sát hạch (ĐTSH) lái xe đã được Nhà nước cho phép mở rộng xã hội hóa thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Tuy nhiên, chất lượng ĐTSH lái xe cơ giới đường bộ hiện chưa theo kịp với quy mô, số lượng các cơ sở, trung tâm được cấp phép đang tăng lên nhanh chóng. Quá trình đào tạo lái xe ở các cơ sở đang có hiện tượng cạnh tranh gay gắt, cắt xén chương trình đào tạo, đua nhau giảm giá, gây “loạn” về phí đào tạo.

Ảnh minh họa. Nguồn: hocbanglaixeotovn.com
Ảnh minh họa. Nguồn: hocbanglaixeotovn.com

Chỉ cần gõ từ khóa và tìm kiếm trên Internet, người dân dễ dàng có được các thông tin quảng cáo về dịch vụ học lái xe với các tít quảng cáo vô cùng hấp dẫn như: “học một thầy, một trò bảo đảm đỗ 100%”; “học lái xe giá rẻ”, “học lái xe cam kết đến khi thi đậu”... Nhiều học viên còn truyền tai nhau những cách “chống trượt” trong các kỳ sát hạch lý thuyết và thực hành để bảo đảm kiếm được tấm bằng lái xe.

Thanh tra Bộ GTVT tiến hành thanh tra công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ tại tỉnh Đồng Nai đầu năm 2019 đã phát hiện, xử lý hàng loạt vi phạm. Theo đó, loại vi phạm mà các trung tâm đào tạo lái xe bị “thổi còi” nhiều nhất là hệ thống cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chưa đảm bảo so với quy định tại Nghị định số 65/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái ô tô. Cụ thể:

Sở GTVT Hậu Giang kiểm tra, cấp giấy phép đào tạo lái xe ôtô cho Trung tâm doanh nghiệp và đào tạo sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Hậu Giang khi Trung tâm chưa đủ sân tập lái xe với lưu lượng đào tạo trên 1.000 học viên lái xe ôtô và thủ tục, hồ sơ cấp giấy phép chưa đầy đủ theo quy định.

Sở GTVT Vĩnh Long kiểm tra, cấp giấy phép đào tạo lái xe ôtô cho Trường Cao đẳng nghề Vĩnh Long khi sân tập lái của trường có hình bài tập ghép chung.

Trung tâm sát hạch lái xe loại 3 thuộc Trường Trung cấp GTVT Miền Nam (Cần Thơ) có cảm biến bên phải bài sát hạch đường gồ ghề sân sát hạch lái xe môtô hạng A1 không hoạt động.

Trung tâm sát hạch lái xe loại 1 thuộc Trung tâm GDNN Đào tạo và Sát hạch lái xe cơ giới đường bộ Tây Đô (Cần Thơ) không có màn hình hiển thị, theo dõi hình ảnh phòng sát hạch lý thuyết tại phòng hội đồng sát hạch; Trung tâm sát hạch lái xe loại 3 thuộc Trung tâm đào tạo nghề tại Bình Định có dữ liệu hình ảnh giám sát phòng sát hạch lý thuyết một số kỳ sát hạch lái xe ôtô bị gián đoạn, ngắt quãng...

Công tác tuyển sinh tại nhiều cơ sở đào tạo còn thiếu nghiêm túc, thậm chí có phần tùy tiện. Toàn tỉnh Bình Dương hiện có 13 cơ sở đào tạo, 6 trung tâm sát hạch lái xe với lưu lượng đào tạo khoảng 6.500 học viên/khóa, đối với các hạng từ B1 đến E và FC. Tại các cơ sở đào tạo lái xe của Bộ GTVT trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã phát hiện một số vi phạm phổ biến, tác động trực tiếp đến chất lượng đào tạo như: hồ sơ học viên không đủ thành phần đơn đề nghị học, sát hạch để cấp giấy phép lái xe, bản khai thời gian và chiều dài hành trình an toàn (đối với học nâng hạng giấy phép lái xe) không đủ thông tin, thời gian đào tạo không đúng với kế hoạch đào tạo... (như Trung tâm Dạy nghề và đào tạo lái xe Thiên Tâm, Trung tâm Đào tạo lái xe Sóng Thần).

Trường Trung cấp Đinh Tiên Hoàng, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng Nai hợp đồng đào tạo có nội dung không phù hợp như: trích dẫn thông tin của giấy phép đào tạo lái xe không đúng hoặc căn cứ vào giấy phép đào tạo lái xe hết giá trị sử dụng, địa điểm học thực hành không có tuyến đường tập lái, thời gian đào tạo không đúng với kế hoạch đào tạo... Phân hiệu Cao đẳng Đường sắt phía Nam, tỉnh Bình Dương cũng mắc phải những lỗi tương tự

Bên cạnh đó, việc sát hạch lỏng lẻo cũng được Thanh tra Bộ GTVT chỉ ra như: số lượng người làm việc trong phòng sát hạch lý thuyết nhiều hơn số người theo hướng dẫn thực hiện quy trình sát hạch lái xe mô tô và ô tô của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đó là trường hợp xảy ra ở Trường Trung cấp Đinh Tiên Hoàng (Đồng Nai), đã bị Thanh tra Bộ GTVT xử phạt vi phạm hành chính.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết: Trong bài thi cấp GPLX thì lỗi dẫn đến không đạt nhiều nhất là lỗi trên sa hình, nhưng lỗi này không phải là lỗi chính dẫn đến TNGT. Trong khi nội dung quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ TNGT là kỹ năng đi trên đường thì việc sát hạch đường trường lại rất ít bị trượt, rất cảm tính.

Giáo viên không đủ tiêu chuẩn giảng dạy

Ảnh minh họa. Nguồn: cartimes.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: cartimes.vn

Trung tâm đào tạo nghiệp vụ GTVT Bình Định, đoàn thanh tra đã phát hiện việc phân công giáo viên giảng dạy không đủ tiêu chuẩn để dạy lý thuyết một số khoá học; Trường Cao đẳng nghề số 9 (Vĩnh Long) và Cơ sở 2 trường Cao đẳng nghề số 9 (Cần Thơ) có 27 giáo viên trùng nhau, trong đó hồ sơ tài liệu một số khoá học thể hiện một số thời điểm hai đơn vị cùng sử dụng một số giáo viên để dạy thực hành lái xe.

Trường Cao đẳng Cơ điện - Xây dựng và Nông lâm Trung Bộ, Trung tâm đào tạo nghiệp vụ GTVT Bình Định (Bình Định) có một số giáo viên không có phù hiệu giáo viên hoặc một số phù hiệu giáo viên không đúng mẫu quy định; Trung tâm dạy nghề lái xe Dầu khí (Bà Rịa - Vũng Tàu) không lưu trữ hồ sơ của một số giáo viên dạy lái xe để phục vụ công tác quản lý. Cùng đó, 14 đơn vị có một số giáo viên có giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe do Sở GTVT địa phương khác cấp hoặc mang tên cơ sở đào tạo lái xe khác hoặc không đúng mã quy định.

Học viên lười biếng, thiếu nghiêm túc trong quá trình đào tạo.

Nhiều học viên viện lý do không có thời gian, nên không tham gia đầy đủ các giờ học lý thuyết và thực hành tại cơ sơ đào tạo, ngủ gật, dùng điện thoại, chơi game trong giờ học, cắt xén thời gian học...

Trước tình hình trên, tháng 10/2019, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 38/2019 sửa đổi một số điều của Thông tư 12 quy định về đào tạo cấp GPLX với nhiều điểm mới như: 

- Thực hiện giám sát bằng camera đối với phòng sát hạch lý thuyết, sân sát hạch lái xe trong hình tại các khu vực có bài sát hạch như: điểm xuất phát, dừng và khởi hành xe trên dốc, qua vệt bánh xe, qua ngã tư, ghép xe vào nơi đỗ và bài kết thúc.

- Đối với công tác đào tạo, thông tư quy định, kể từ ngày 1/5/2020, các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết. Học viên phải học đầy đủ thời gian của môn học lý thuyết mới được dự sát hạch. Đồng thời, các cơ sở đào tạo phải lắp thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học thực hành lái xe trên đường để giám sát số km học lái xe trên đường của học viên.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN trực tiếp đến tham quan và trải nghiệm mô hình thiết bị tập lái 3D. Nguồn: giaothonghanoi.kinhtedothi.vn
Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN trực tiếp đến tham quan và trải nghiệm mô hình thiết bị tập lái 3D. Nguồn: giaothonghanoi.kinhtedothi.vn

- Ngoài ra, thông tư cũng bổ sung thêm hai môn học là học xử lý tình huống giao thông trên phần mềm mô phỏng và tập lái xe trên cabin tập lái.

- Môn đạo đức người lái xe và văn hóa giao thông được đổi thành đạo đức, văn hóa giao thông và phòng, chống tác hại của rượu, bia khi tham gia giao thông. 

Thông tư chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020, hy vọng sẽ góp phần siết chặt hơn công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, nhằm nâng cao kỹ năng và đạo đức của người tham gia giao thông, giảm các vụ tai nạn giao thông trong những năm tới.

Việt Hùng (t/h)

Từ đầu năm đến nay, xảy ra bao nhiêu vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng?

Từ đầu năm đến nay, xảy ra bao nhiêu vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng?

Từ đầu năm đến nay, hàng loạt vụ vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng đã trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người khi tham gia giao thông.